+Aa-
    Zalo

    Cảnh giác với những cú điện thoại "ma quỷ"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một loạt nạn nhân bị mất tiền bởi những cú điện thoại gọi đến. Với công nghệ cao, kẻ gian còn giả được số máy của một số cơ quan công quyền khiến nhiều nạn nhân mắc lừa..

    Một loạt nạn nhân bị mất tiền bởi những cú điện thoại gọi đến. Với công nghệ cao, kẻ gian còn giả được số máy của một số cơ quan công quyền khiến nhiều nạn nhân mắc lừa...

    Ngày 18/3 vừa qua, ông V.K.Q (ở quận Tây Hồ) bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại gọi đến số máy bàn. Vừa bắt máy, ông Q. đã nghe thấy tiếng một nam thanh niên khóc lóc kêu gào rất khó nghe, xưng là con trai ông Q. và cầu cứu.

    Ngay sau đó là một giọng nói dữ dằn khác, cho biết đã bắt giữ con ông Q. vì lý do vay nợ hàng trăm triệu đồng chưa trả, dọa giết nếu gia đình không chuyển tiền... Ông Q. là một trong những người may mắn sớm phát giác đây là hành vi lừa đảo. Nhưng nhiều người khác đã mắc bẫy...

    Manh mối còn mù mờ

    Cách đây vài năm, cơ quan CA Việt Nam liên tục phát hiện những nhóm tội phạm người nước ngoài thuê địa điểm, đặt các thiết bị viễn thông để giả danh các cơ quan công quyền của Trung Quốc, đe dọa, tống tiền người dân nước này.

    Đến nay, hình thức tội phạm tương tự đã tấn công vào nước ta. Trong vụ việc được ông V.K.Q trình báo, đối tượng sau đó sử dụng một số máy có đầu số +36 gọi vào điện thoại di động của ông Q., hẹn cung cấp số tài khoản để ông Q. chuyển tiền chuộc con... May cho ông Q., người nhà sau khi nghe trao đổi đã nghi ngờ về thủ đoạn lừa đảo này của bọn tội phạm, kiểm tra và xác định con trai ông Q. vẫn bình an vô sự, chẳng vay mượn ai nên cũng không bị ai khống chế.

    Từ giữa năm 2013, một số gia đình trên địa bàn Hà Nội nhận được các cuộc gọi từ những số máy điện thoại lạ, đe dọa đang bắt giữ người thân, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản. Nhiều người may mắn như ông Q. hoặc cảnh giác, kịp thời phát hiện thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm, nhưng cũng không ít người vì quá hoảng hốt, lo sợ nên vội vã chuyển một phần hoặc toàn bộ số tiền theo yêu cầu, sau đó tĩnh tâm mới phát hiện bị lừa.

    Như trường hợp ông T.P.V (đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy), tháng 11/2013 bị kẻ gian lừa bắt con rể, đã chuyển 150 triệu đồng cho chúng. Hay ông N.V.K (cũng ở Cầu Giấy), tháng 10/2013 bị lừa bắt con, đã chuyển 50 triệu đồng trước khi phát hiện con ông vẫn bình an...

    Bước đầu, tháng 2/2014, CATP Hồ Chí Minh đã bắt được 2 đối tượng người Việt Nam có hành vi cấu kết với tội phạm nước ngoài để đe dọa, lừa đảo qua điện thoại. Nhưng đây chắc chắn không phải là đầu mối tội phạm duy nhất, nên một số vụ việc có tính chất tương tự tái diễn, mở rộng địa bàn.

    Thượng tá Ngô Minh An, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội cho biết, trong năm 2013, cơ quan CA ghi nhận trên địa bàn Hà Nội có ít nhất 20 trường hợp bị tội phạm "tấn công" bằng thủ đoạn trên và khoảng một nửa số nạn nhân đã chuyển tiền cho tội phạm từ 50 đến 200 triệu đồng.

    Từ đầu năm 2014 đến nay, số vụ việc có tính chất tương tự tiếp tục xuất hiện. Dù nỗ lực điều tra nhưng do tội phạm hoạt động khá tinh vi, đầu mối chính cũng như thiết bị công nghệ nhiều khả năng đặt tại nước ngoài nên đến nay, manh mối về các đường dây lừa đảo này vẫn khá mù mờ. Và vì do quá trình điều tra chưa cho thấy manh mối rõ ràng, những cuộc điện thoại lừa đảo còn có thể tiếp tục xuất hiện...

    Cảnh giác trước những cuộc điện thoại bất thường

    Qua các vụ việc đã bị phát giác cũng như qua trình báo của các nạn nhân, cơ quan CA xác định, các vụ lừa đảo nguy hiểm này do nhiều đường dây tội phạm tổ chức, có đầu mối ở nước ngoài.

    Theo đó, chúng móc nối với một số đối tượng trong nước, thuê người Việt Nam "diễn" những đoạn thoại bị bắt giữ, đánh đập, gọi điện thoại đe dọa tống tiền hoặc giả danh cơ quan công quyền, nhà cung cấp dịch vụ… để kết nối với nạn nhân. Chúng cũng thuê người Việt Nam mở các tài khoản dưới dạng thẻ thanh toán quốc tế để nhận và rút tiền chiếm đoạt được từ nước ngoài.

    Các vụ việc đã xảy ra cho thấy, các cuộc điện thoại với nội dung đe dọa, tống tiền đều được kết nối thông qua mạng internet và có đầu số +36, +31… (thuộc Trung Quốc).

    Trước tiên, kẻ gian thường gọi điện thoại đến số cố định vào giờ hành chính, nhằm vào nạn nhân là những người có tuổi, có con cái ở xa hoặc đi làm vắng để dễ bề đe dọa, khủng bố. Suốt quá trình liên lạc, chúng liên tục "chiếm" đường dây cố định và di động của nạn nhân, vừa để gây áp lực, vừa để kiểm soát, ngăn nạn nhân tìm hiểu thông tin về người thân, ngăn nạn nhân thông báo cho cơ quan chức năng.

    Ngoài các vụ có tính chất đe dọa bắt giữ người thân, đã xuất hiện kẻ gian dùng chung một phương thức để giả mạo ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại nhắc nợ vay lên tới hàng chục triệu đồng, giả mạo CA yêu cầu người có tiền gửi ngân hàng gửi sang tài khoản của tội phạm... Với công nghệ cao, kẻ gian còn giả được số máy của một số cơ quan công quyền trong nước, khiến nhiều nạn nhân mắc lừa...

    Để làm được việc đó, theo một đơn vị cung cấp viễn thông, đơn vị này phát hiện nhiều cuộc gọi "ma" có liên quan đến các tổng đài từ nước ngoài về Việt Nam qua kết nối VoIP. Đặc biệt, nếu kẻ gian có điều kiện tiếp cận đường dây điện thoại cố định thì hoàn toàn có thể trích nối thiết bị điện tử để khi người sử dụng bấm gọi một số máy nhất định thì cuộc gọi sẽ được chuyển đến điện thoại của tội phạm lừa đảo.

    Bên cạnh việc nỗ lực điều tra, truy tìm các đầu mối, trước mắt, cơ quan CA khuyến cáo người dân khi nhận các cuộc điện thoại lạ, có nội dung đe dọa cần cảnh giác và truy hỏi lại đối tượng về đặc điểm nhân thân, giới tính, gia đình người nhà để xác định sự thật, đồng thời tìm cách trì hoãn để xác minh qua người thân, báo cơ quan CA.

    Thượng tá Ngô Minh An cho biết thêm, cơ quan CA cũng đã có thông báo với phía các ngân hàng, đề nghị phối hợp ngăn chặn, đặc biệt là khi tiếp nhận thủ tục chuyển tiền có nghi vấn cần tư vấn cho người dân về thủ đoạn của tội phạm...

    Ngay khi xuất hiện thủ đoạn lừa đảo thông qua mạng viễn thông tin học, Giám đốc CATP Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ CATP và CA các quận, huyện tổ chức điều tra, làm rõ. Để đấu tranh với loại tội phạm này, bên cạnh lực lượng của Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, Giám đốc CATP cũng đã giao nhiệm vụ cho Phòng CSĐT tội phạm về TTXH phối hợp điều tra, xử lý.

    Thiếu tá Lê Khắc Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát đặc nhiệm (Phòng CSĐT tội phạm về TTXH) cho biết, đơn vị đã được chỉ huy phòng giao làm đầu mối tiếp nhận thông tin trình báo của người dân để trực tiếp phối hợp với Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao điều tra. Người dân khi gặp vào hoàn cảnh này có thể liên hệ với đội tại số 7 phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng; ĐT: 0439396370.

    Linh Chi(theo HNM)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-giac-voi-nhung-cu-dien-thoai-ma-quy-a26492.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.