+Aa-
    Zalo

    Cảnh giác trước thủ đoạn mới của tội phạm buôn người

    (ĐS&PL) - Đại tá H, cán bộ phòng chống buôn người, sửng sốt khi cháu mình bị lừa bán sang casino ở Campuchia, do thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm.

    Theo báo Thanh Niên, ngày 4/10, tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, tổ chức hội nghị quán triệt công tác nghiệp vụ phòng chống ma túy và tội phạm; tổng kết, rút kinh nghiệm và trao thưởng cho lực lượng thực hiện chuyên án A2-824p (chuyên án triệt phá đường dây mua bán người dưới 16 tuổi nhằm mục đích bóc lột lao động và bóc lột tình dục).

    Thực hiện chuyên án A2-824p, từ ngày 23/8 - 5/9, Đoàn đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung (Đoàn 2, thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng), phối hợp lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh Bình Định, Kon Tum, Phú Yên và các cơ quan, đơn vị liên quan đã điều tra, xác minh làm rõ và triệt phá đường dây mua bán người từ Kon Tum đi Bình Định, Phú Yên nhằm bóc lột lao động và bóc lột tình dục.

    Qua đó, giải cứu nhiều nạn nhân nữ, trong đó 11 bé gái dưới 16 tuổi ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Thanh Hóa, Phú Yên.

    Ban chuyên án đã khởi tố vụ án hình sự mua bán người dưới 16 tuổi, bắt giữ 6 người để phục vụ công tác điều tra về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi, triệu tập 3 người liên quan đến hoạt động bắt giữ người trái pháp luật và tổ chức hoạt động mại dâm...

    Hiện vụ án đã được bàn giao cho lực lượng công an tiếp tục xử lý.

    Tại hội nghị, Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chia sẻ “Truyền thông và nhiều người hay nói rằng, phần lớn các nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em, thuộc nhóm đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn miền núi. Nhưng nhận thức này phải thay đổi, vì bây giờ nạn nhân lại là những người hiểu biết và sống ở vùng đồng bằng”.

    Đại tá H., một cán bộ làm ở cơ quan phòng chống mua bán người của lực lượng Công an sửng sốt khi chính cháu của mình cũng bị lừa bán sang casino ở Campuchia và đang kêu cứu, bởi thủ đoạn của các đối tượng này luôn mới và xảo quyệt.

    Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng khuyến cáo người dân cảnh giác trước thủ đoạn mới của tội phạm buôn bán người. Ảnh: Tiền Phong

    Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng khuyến cáo người dân cảnh giác trước thủ đoạn mới của tội phạm buôn bán người. Ảnh: Tiền Phong

    Chuyện của Đại tá H. cũng là một trong những điểm nhấn để nói về thủ đoạn của các đối tượng. Hiện nay hoạt động của các đối tượng này chỉ chiếm khoảng 12% là hoạt động đơn lẻ, còn lại 88% là có tổ chức. Thủ đoạn tinh vi và đặc biệt nguy hiểm của chúng thể hiện ở chỗ tất cả các hành vi được liên kết chặt chẽ, từ người nhắn tin, người tuyển dụng lao động, người tiếp xúc, người tung tin về thu nhập khủng từ 30-40 triệu đồng/tháng, đến người đưa đón, người tìm cách móc nối để đưa nạn nhân vượt biên sang nước ngoài.

    Trần Ngọc Hoàng, 29 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Nai, là một vũ công của các chương trình ca múa nhạc. Hoàng kể rằng nhận được tin nhắn của một ông chủ khách sạn ở Campuchia đề nghị sang tham gia show diễn và được trả tiền khá hậu hĩnh. Sau lời đề nghị làm ăn trên thì có nhiều nhân viên khác kết nối, chia sẻ về cơ đồ của ông chủ, các hoạt động có thể “hốt bạc” mang về Việt Nam. Vậy rồi Hoàng đón xe sang thăm dò thị trường và được đưa ngay vào casino làm nô lệ, chát lừa đảo. Đây là một ví dụ về thủ đoạn rất mới của tội phạm này.

    Tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Mộc Bài, Bộ đội biên phòng Tây Ninh còn lưu giữ hàng trăm bộ hồ sơ của các nạn nhân được giải cứu từ năm 2022. Lướt qua các hồ sơ cho thấy có rất nhiều thanh niên là đồng bào ở các tỉnh Tây Bắc như: Sùng A Thể sinh năm 2001; Sùng A Phình sinh năm 2003 (cùng dân tộc H’Mông ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên); Lò Quốc Toản sinh năm 2005, dân tộc Dao, ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang…

    Tuy nhiên đến thời điểm này, số lượng nạn nhân là người đồng bằng, có học thức đã tăng trở lại. Gần đây nhất vào ngày 25/9, Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang đã giải cứu chị T.T.Đ (33 tuổi, quê ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau), bị lừa bán sang Campuchia đã 4 ngày. Lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm của Bộ đội biên phòng đã phối hợp với chính quyền nước bạn và sau 3 giờ đồng hồ đã xác định được địa điểm nạn nhân đang ở là một quán bar ở tỉnh Kam Pốt, Campuchia. Tụ điểm này do người nước ngoài làm chủ. Việc giải cứu chị T.T.Đ sau đó đã diễn ra thành công.

    Hiểm họa ngầm sau màn hình: Buôn người qua mạng xã hội

    Mạng xã hội đã trở thành "con đường" mà các đối tượng buôn bán người đều phải đi qua, đồng thời cũng là "cửa vào" của các lực lượng chức năng trong cuộc chiến chống nạn buôn người. Khi tiếp cận các đối tượng bị Bộ đội Biên phòng bắt giữ, phóng viên đã kịp thời đọc được một số tin nhắn trên điện thoại trước khi chúng bị xóa. Những dòng tin nhắn này phản ánh sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều người trẻ. Trong số đó, một tin nhắn từ cô gái tên Ka gửi cho người tuyển dụng trên Telegram nói: "Công ty cũ ép chỉ tiêu quá. Mình còn 1 đám ở VN, tại nó chờ tui đi trước, mới qua sau…".

    Những tin nhắn tuyển dụng tiếp tục nhắm vào tâm lý hứa hẹn lương cao để lôi kéo người tham gia. Một số tin nhắn chứa thông tin chi tiết đầy hấp dẫn: “Tiền cơm: 3 triệu/tháng. Bằng cấp: 2 triệu. Có kinh nghiệm: 2 triệu. 6 tháng không về phép: Thưởng 20 triệu. Thâm niên lên đến 100 triệu đồng… Hỗ trợ ký túc xá từ 4-6 người, có đầy đủ kem, pót, xà phòng miễn phí”.

    Đại tá Phạm Long Biên, cho biết: “Theo thống kê sơ bộ của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có 53 tỷ USD liên quan đến các hoạt động lừa đảo trực tuyến liên quan đến buôn bán người, trong đó riêng Việt Nam đã chiếm 19 tỷ USD. Và con số này chỉ là phần nổi của tảng băng".

    Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nhấn mạnh sự cần thiết của việc thường xuyên chia sẻ và phơi bày các thủ đoạn của các đường dây buôn người nhằm bảo vệ thanh thiếu niên khỏi những cạm bẫy. Hiện nay, nạn nhân người Kinh chiếm 68%, trong khi người dân tộc thiểu số chiếm 32%, báo Tiền Phong thông tin.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/canh-giac-truoc-thu-oan-moi-cua-toi-pham-buon-nguoi-a470840.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan