Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ lên các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong bối cảnh khó khăn, chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tập trung vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong đó có một số gói cơ bản như: Gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng về hỗ trợ tín dụng; 62.000 tỷ đồng về an sinh xã hội; 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động… Một bộ phận các chính sách đã phát huy tác dụng tốt nhưng cũng còn bộ phận chưa thực sự hiệu quả. Không chỉ vậy, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 chưa tốt khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn.
Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt cho biết: “Việc thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đạt được những hiệu quả nhất định. Song quá trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa sát với đòi hỏi của thực tiễn. chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật chủ yếu tập trung vào việc triển khai các văn bản mới, mà thiếu đi tính gắn kết giữa quy định của pháp luật với thực tiễn.
Việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp còn nhiều bất cập; các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc đề nghị hỗ trợ pháp lý, không tích cực tham gia các lớp tập huấn khi được mời. Xuất hiện tâm lý e ngại của các doanh nghiệp khi tham gia các chương trình hỗ trợ”.
Do đó, theo luật sư Kiên, các phản ứng chính sách của Chính phủ cũng như các giải pháp hỗ trợ pháp lý, tinh gọn các thủ tục cho các doanh nghiệp trong mùa COVID-19 là khá hợp lý, là đúng đắn nhưng việc thực thi các chính sách cũng như giúp các doanh nghiệp vượt qua rào cản của pháp lý chưa thực sự suôn sẻ.
Luật sư Kiên cho rằng, trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp, điều tiên quyết cần thu hẹp khoảng cách từ chính sách cũng như xóa bỏ những rào cản pháp lý trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để vượt qua .
“Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần khảo sát lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp, từ đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật. Giảm những thủ tục pháp lý giúp các doanh nghiệp “mạnh dạn” sản xuất, phát triển các kế hoạch đặt ra. Gấp rút xóa bỏ những rào càn pháp lý, những thủ tục hành chính rườm ra gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đơn cử như các thủ tục hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp cần nhanh chóng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đồng thời, cần phải đa dạng hóa các hình thức tư vấn cho doanh nghiệp bằng các hình thức khác như: Tổ chức các buổi tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua hoạt động tư vấn trực tiếp, thành lập mạng lưới tư vấn viên pháp luật là những người am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm tư vấn để kịp thời tư vấn cho các doanh nghiệp qua điện thoại, email và các hình thức khác để kịp thời hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi có đề nghị”, Luật sư Kiên nhấn mạnh.
Cũng đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng Tinh Thông Luật cho biết: “ Do tác động của dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp và người dân tiếp tục gặp phải một số khó khăn, việc tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ là cần thiết. Trong công tác phòng chống dịch, các giải pháp về giãn cách xã hội, phong tỏa cũng sẽ làm ảnh hưởng đến giao thương, giao dịch về mặt kinh tế. Hiện tại Chính phủ và các địa phương đã có những chính sách rất kịp thời và phù hợp. Đặc biệt là Việt Nam đã có những điều chỉnh rất phù hợp với tình hình, gắn với mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Để phát huy hơn nữa theo tôi các bộ, ngành cần nghiên cứu, trong đó có lưu ý một số nội dung, nhất là đánh giá tác động của dịch bệnh đối với các hoạt động thuộc từng lĩnh vực, đồng thời đánh giá các giải pháp giảm thiểu các thủ tục hành chính hơn nữa để tránh sự chồng chéo về cơ chế, chính sách. Đặc biệt là những thủ tục, những rào cản về chính sách dẫn đến cán bộ dễ gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp và những quy định chồng chéo về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý...”.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Khánh Ngân