Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 24/7, xác định sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Dự báo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, cường độ mạnh cấp 14-16, giật trên cấp 17 tring 48-72 giờ tiếp theo.
Dự báo, ngày 25/7, bão di chuyển theo hướng tây bắc với vận tốc 15km/h và khả năng mạnh thêm. Chiều nay, hình thái này có thể phát triển thành siêu bão khi vùng gần tâm ghi nhận sức gió mạnh cấp 16, giật trên cấp 17.
Sau thời điểm trên, bão giữ hướng đi, di chuyển chậm lại và duy trì cường độ cho đến khi tiến vào vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông ngày 26/7.
Bản đồ dự báo hướng đi cho thấy sau khi vào Biển Đông, siêu bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, cường độ giảm xuống cấp 14. Ngày 28/7, hình thái trên khả năng đổ bộ vào đất liền khu vực tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).
Cơ quan khí tượng nhận định bão Doksuri ít nguy cơ ảnh hưởng đến thời tiết đất liền nước ta mà chủ yếu gây tác động trên biển.
Sau khi có dự báo về hướng di chuyển và diễn biến phát triển của bão Doksuri, ngày 24/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phát đi cảnh báo chủ động ứng phó với bão Doksuri, báo Lao động đưa tin.
Thông tin khẩn được gửi đến Ban Chỉ huy chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà; Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông Vận tải.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Doksuri, rà soát, thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm, để chủ động ứng phó với diễn biến của bão Doksuri.
Vùng nguy hiểm trong 24-48 giờ tới là phía Bắc vĩ tuyến 17,0; phía Đông kinh tuyến 116,5 và được điều chỉnh trong các bản tin dự báo.
Các đơn vị rà soát lực lượng, phương tiện, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bảo An (T/h)