(ĐSPL) - 116 người chết và mất tích; trên 14.000 ngôi nhà sụp đổ, hư hại; gần 5.500 tỉ đồng bị cuốn trôi... là những thiệt hại khủng khiếp do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay. Dự báo đến cuối năm, thiên tai vẫn diễn biến vô cùng phức tạp.
Trong khi khu vực phía Nam thì chịu hạn, chỗ bị xâm nhập mặn, nơi lại chìm trong biển nước chỉ sau một “cơn mưa lịch sử” thì mưa lũ phía Bắc vẫn hết sức khó lường. Việt Nam cũng đang trải qua hiện tượng El Nino đạt cường độ mạnh kỷ lục trong vòng 60 năm qua...
Hình thái thời tiết cực đoan, phá kỷ lục
Mới đây nhất, ngày 15/9, TP.HCM đã phải gánh chịu trận mưa lịch sử, được cho là lớn nhất từ đầu năm đến nay. Cơn mưa kéo dài làm nhiều tuyến đường bị ngập như sông và gây tình trạng kẹt xe nghiêm trọng vào giờ tan tầm.
Hàng nghìn ô tô xếp hàng dài, người đi xe máy ngâm mình trong dòng nước ngập hàng mét biến thành phố phát triển bậc nhất cả nước thành biển nước. Bên cạnh đó Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã đưa ra nhận định hình thái thời tiết cực đoan, phá kỷ lục tại cuộc họp trực tuyến vừa diễn ra tại Hà Nội.
Được biết, từ đầu năm 2015 đến hết tháng Tám, mặc dù bão, lũ ít hơn so với trung bình nhiều năm nhưng lại ghi nhận những hình thái thời tiết cực đoan, phá kỷ lục. Cụ thể, nắng nóng kỷ lục ở miền Bắc và miền Trung với nền nhiệt độ lên tới 42oC, hạn hán khốc liệt, kéo dài ở Nam Trung Bộ, mưa kỷ lục ở Quảng Ninh, giông lốc bất thường gây hậu quả lớn ở Hà Nội...
Tổng thiệt hại ước tính lên tới gần 5.500 tỉ đồng. Theo đánh giá của trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn, trận mưa gây thiệt hại nặng nề ở Quảng Ninh được xem là lớn nhất trong vòng 55 năm qua, cũng phá vỡ hàng loạt kỷ lục.
Trận mưa lịch sử làm nhiều người dân Sài Gòn khốn khổ. |
Những tháng đầu năm 2015, miền Trung nước ta cũng gánh chịu những thiệt hại nặng nề do thiên tai. Điển hình là tình trạng hạn hán kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ vào khoảng tháng 6/2015, khiến đất sản xuất bị bỏ hoang, gia súc chết hàng loạt, người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Như ở tỉnh Ninh Thuận, nắng nóng kéo dài từ đầu năm khiến nông dân phải bỏ hoang hơn 6.000ha lúa. Hơn 20 hồ chứa nước cạn kiệt, dung lượng nước chỉ còn 7%. Đây là lần đầu tiên Ninh Thuận phải công bố thiên tai hạn hán. Cùng chung tình trạng trên, các tỉnh Bình Định, Quảng Trị cũng sống trong khô hạn, hoa màu chết khô và có nguy cơ mất trắng.
Nơi khô hạn, nơi ngập nước mênh mông
Bằng những cảm quan bên ngoài không khó để nhận thấy, thời tiết hiện đang diễn biến hết sức bất thường. Mùa đông đến muộn hơn và kết thúc cũng nhanh hơn. Người dân miền Đông Nam Bộ phải hứng chịu những đợt nắng nóng bất thường: Nắng nóng xuất hiện muộn hơn so với bình thường, cảm giác oi bức, gay gắt, nghẹt thở, kéo dài liên tục. Trong cao điểm của đợt nắng nóng, người dân phải chịu nhiệt độ trong ngày phổ biến ở mức 39oC – 41oC, nhiều nơi trên 42oC.
Các chuyên gia khí tượng dự báo, hiện tượng thời tiết diễn biến cực đoan như vậy là do tác động của El Nino. Tại Việt Nam, khả năng El Nino sẽ kéo dài đến hết mùa đông tới đây, thậm chí kéo dài đến hết mùa xuân 2016. Đợt El Nino 2015 này được đánh giá có cường độ đạt mức tương đương với mức kỷ lục của El Nino 1997 – 1998. Không chỉ dừng ở đó, ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino 2015 cũng sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong 60 năm qua.
Trái ngược với cảnh “khát nước” do ít mưa ở một số nơi, một số địa phương khác phải hứng chịu lượng mưa vô cùng khủng khiếp.
Chưa hết, hiện tượng nhiệt độ ở Sa Pa (Lào Cai) giảm xuống đột ngột chỉ còn 12,6oC dù đang giữa mùa hè cũng khiến nhiều người bất ngờ. Trạm khí tượng Sa Pa quan trắc được nhiệt độ giảm tới 12,6oC, trời rét lạnh, một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm trở lại đây. Những hình thái trên đang cho thấy rất nhiều kịch bản khó lường của thời tiết.
Chúng ta vẫn lúng túng khi ứng phó sự cố thiên tai
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhìn nhận, sự bất thường của thời tiết ngày càng làm cho chúng ta lo lắng hơn. Biến đổi khí hậu đã tác động rõ rệt tới Việt Nam, gây ra những hình thái thời tiết cực đoan như nóng hơn, lạnh hơn, mưa lũ dồn dập trong một thời điểm, rồi lại hạn hán kéo dài.
“Chúng ta đã xây dựng kịch bản, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai nhưng chúng ta vẫn lúng túng khi ứng phó với sự cố thiên tai. Thiên tai sẽ còn khó lường và cực đoan hơn, vì vậy mỗi ngành, địa phương cần có giải pháp cụ thể, quy hoạch cụ thể”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý.
PGS. TS Nguyễn Hữu Khải –chuyên gia Khí tượng thủy văn và hải dương học: Bài học nhãn tiền Hiện nay, khí hậu nước ta diễn biến rất thất thường với những thiên tai vô cùng khắc nghiệt. Hiện tượng El Nino hay La Nina đã gây ra những thái cực thời tiết khác nhau trên diện rộng như hạn hán kéo dài ở Nam Trung Bộ và mưa lũ tại Bắc Bộ. Điều chúng ta đang bỏ qua chính là con người đang tự hủy hoại môi trường sống của mình. El Nino hay La Nina chỉ là hậu quả của việc biến đổi khí hậu. Mà nguyên nhân gây ra những biến đổi đó là con người: Xây nhà cao tầng, hiệu ứng nhà kính, chặt phá rừng, khói bụi xe cộ, lấn sông, lấn biển xây kè... Tất cả chỉ phục vụ cho lợi ích, lòng tham của con người thì đến giờ những hậu quả thiên nhiên tác động lại chúng ta phải gánh chịu. Và bài học nhãn tiền chính là những gì chúng ta đã phải trải qua khi thiên tai xảy ra. GS. TS Trương Quang Hải – Phó chủ nhiệm khoa Địa lý – ĐH KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội): Cần dự báo chính xác thời điểm xuất hiện, đường đi, sức công phá của El Nino, La Nina El Nino được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 – 12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hoặc thưa hơn. Còn La Nina là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Hai hiện tượng này được biết đến như những hiện tượng thời tiết thật sự khắc nghiệt và gây ra nhiều thiệt hại trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến khí hậu toàn cầu. Do đó, cần có những biện pháp khắc phục hậu quả, đặc biệt là dự báo chính xác thời điểm xuất hiện, đường đi và sức công phá của nó. TS.Ngô Quang Toàn, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học và Công nghệ biển (Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam): Đối phó với diễn biến bất thường Thiên tai năm nay xảy ra ít hơn, tuy nhiên thiệt hại thì vô cùng nặng nề và diễn biến hết sức cực đoan. Ngay như Quảng Ninh – khu vực được đánh giá là tương đối an toàn vẫn xảy ra trận mưa lũ lịch sử với thiệt hại chưa từng có. Sự hội tụ của mưa lớn, cộng với các dòng bùn từ than phế thải khiến khu vực này chịu hậu quả nặng nề. Tại khu vực Ninh Thuận, dù hạn hán xảy ra trong thời gian ngắn nhưng độ khắc nghiệt thì chưa từng có. Hình thái thời tiết này chứng tỏ, thời tiết ngày càng diễn biến bất thường. Tôi nghĩ, chúng ta phải chọn cách sống chung với thiên tai và quan trọng hơn cả là ứng phó để không rơi vào thế bị động như kịch bản diễn ra tại Quảng Ninh, Ninh Thuận… |
Nguyễn Nhinh – Anh Đức
Xem thêm video:
[mecloud]ebwJ8cFznU[/mecloud]