+Aa-
    Zalo

    Cảnh báo nhiều trường hợp bỏng nặng do dùng cồn nướng mực

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian gần đây, số ca bệnh nhân bỏng phải nhập viện tại bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tăng khá nhiều, vì thói quen sử dụng cồn khi nướng mực.

    Thời gian gần đây, số ca bệnh nhân bỏng phải nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tăng khá nhiều, vì thói quen sử dụng cồn khi nướng mực.

    Bác sĩ Nguyễn Nam Giang, Phó trưởng khoa Bỏng, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho hay, vào những ngày hè nắng nóng, số ca bệnh nhân bỏng phải nhập viện tại bệnh viện này tăng khá nhiều so với các dịp khác. Nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng cồn để nướng mực.

    Đặc biệt, trong dịp nghỉ hè, nhiều gia đình gia đình du lịch biển thường mua mực về làm quà. Việc sử dụng cồn để nướng mực chính là nguyên nhân khiến cho nhiều tai nạn bỏng đáng tiếc xảy ra.
    Trường hợp gần nhất là bệnh nhân Lê Quang Vinh (16 tuổi) bị bỏng độ 3, diện tích 15% khi đang nướng mực.

    Bệnh nhân Vinh bị bỏng độ 3 khi dùng cồn nướng mực. Ảnh: News zing

    “Khi tôi đang nướng mực thì có người bạn khác đổ thêm cồn vào khiến ngọn lửa bùng lên và gây bỏng cho tôi”, Vinh chia sẻ.

    Bé gái Mai Quế L. (5 tuổi, Thanh Hóa) cũng bị bỏng 71% cơ thể vì cồn và phải điều trị tại khoa Nhi, Viện Bỏng Quốc gia.

    Anh Mai Văn Hùng (cha bé L) kể lại khi gia đình ăn uống tại một nhà hàng, một nhân viên nướng mực đã đổ cồn trực tiếp khi đang còn lửa và nhanh chóng bắt cháy vào chai. Nữ nhân viên hoảng hốt quăng chai cồn ra xa, trúng vào người bé L. đang chơi cách đó 2-3 m.

    Bé L. phải trải qua 4 lần phẫu thuật sau khi bị bỏng cồn. Ảnh: Zing.vn

    Sau khi nhập viện, tình trạng sức khỏe của bé xấu đi từng giờ, các bác sĩ lo lắng không thể chuyển bệnh nhi lên tuyến trên vì mạch quá yếu, chỉ còn cách mời bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia về hội chẩn. Ngày thứ 3, các bác sĩ cho biết cô bé bỏng quá nặng, cồn rất độc nên gia đình phải chuẩn bị tâm lý. Như có phép màu, Quế L. may mắn thoát khỏi tình trạng nguy kịch và được đưa ra Hà Nội để tiếp tục điều trị.

    Theo bác sĩ Giang, bỏng cồn rất nguy hiểm và có thể gây chết người. Do đó, tại các chuyên khoa bỏng, các bác sĩ đều khuyến cáo người dân nên bỏ thói quen sử dụng cồn để nướng thức ăn.

    "Đặc điểm của cồn, đặc biệt khi nướng mực, là có ánh sáng xanh hoặc trắng, nên bằng mắt thường khó phát hiện việc lửa đã tắt hay chưa. Khi bạn tiếp tục đổ cồn có thể khiến lửa bùng lên rất nguy hiểm”, bác sĩ Giang nói.

    Bác sĩ Giang cảnh báo, do không nhận thức được hậu quả của bỏng cồn nên hiện nay còn rất nhiều người dân chủ quan vẫn sử dụng cồn để nướng thức ăn.

    “Tốt nhất nên nướng trên bếp than, bếp lửa. Nếu nướng bằng cồn cần quan sát kỹ để ngọn lửa tắt hoàn toàn, dập tắt chúng, tránh đổ thêm cồn trực tiếp vào ngọn lửa”, bác sĩ Giang nhấn mạnh.

    Khi bị bỏng, cần tìm cách dập lửa bằng nước lã. Sau đó cần xem bệnh nhân có phải cấp cứu khẩn cấp không. Không nên cố lột bỏ quần áo trên người nạn nhân khi đã cháy. Phải ngay lập tức đưa bệnh nhân đến viện gần nhất.

    Đồng Trang (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-bao-nhieu-truong-hop-bong-nang-do-dung-con-nuong-muc-a235003.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan