Chia sẻ với trang tin Bild ngày 7/5 (giờ địa phương), Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức Svenja Schulze cho biết thế giới sắp phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực do giá lương thực tăng vọt, cảnh báo về một nạn đói chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ II.
Bộ trưởng đã nêu nguyên nhân là do đại dịch COVID-19 và hoạt động quân sự đang diễn ra của Nga ở Ukraine. Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, “hơn 300 triệu người” đang phải chịu nạn đói nghiêm trọng.
Bà Schulze cảnh báo, giá lương thực trên toàn thế giới đã tăng 1/3 và đạt “mức kỷ lục”, đồng thời cho biết thêm rằng “thông điệp cay đắng là chúng ta đang phải đối mặt với nạn đói tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II”, có thể khiến “hàng triệu” người thiệt mạng.
Hãng tin RT của Nga nhận định, những tuyên bố trên của bà Schulze hoàn toàn có cơ sở, khi WFP mới đây đã lên tiếng cảnh báo rằng “khoảng 44 triệu người trên toàn cầu sắp đối mặt với tình trạng chết đói, do nguồn ngũ cốc từ Ukraine không thể chuyển tới chỗ họ”.
Xung đột đang diễn ra ở Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu ngũ cốc toàn cầu khi giá lúa mì tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm vào tháng 3 vừa qua. Cả Nga và Ukraine đều là những nhà cung cấp lúa mì lớn, chiếm khoảng 30% xuất khẩu toàn cầu.
Tuy nhiên, vào giữa tháng 4, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Cem Ozdemir khẳng định rằng việc cung cấp cho Kiev vũ khí "hiệu quả hơn" chính là điều sẽ giúp thế giới tránh được "nạn đói toàn cầu".
Nga đã mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2, sau khi nước này không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014 và cuối cùng là sự công nhận của Moscow đối với các nước cộng hòa Donbass như Donetsk và Lugansk.
Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.
Bích Thảo(Theo RT)