(ĐS&PL) Mặc dù thời gian vừa qua Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt nhiều vi phạm trong quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) nhưng tình trạng một số sản phẩm TPCN vẫn được quảng cáo, giới thiệu như thuốc gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Theo tìm hiểu, một số loại TPCN thường có xác nhận của cơ quan chức năng. Theo đó nội dung trong "Giấy xác nhận nội dung quảng cáo" do Cục ATTP cấp cho các sản phẩm TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ, cải thiện, giảm...chứ không phải là thuốc chữa bệnh. Vì thế ko bao giờ có từ điều trị, chữa khỏi, chữa dứt điểm...
Thế nhưng, trên website, mạng xã hội và các kênh thông tin của những công ty thường thông tin mập mờ có dấu hiệu “phù phép” cho sản phẩm như thuốc chữa bệnh, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Thực tế trên không hiếm gặp trên chính các website của những công ty này, những thông tin sai lệch được “hô biến” với nhiều công dụng như thuốc. Ví dụ một sản phẩm TPCN được giới thiệu một loạt công dụng như hạn chế các tác nhân gây đau dạ dày, tá tràng, làm nhanh liền sẹo, giảm viêm loét dạ dày, viêm trợt hang vị, xung huyết dạ dày, phòng tái phát và ngăn ngừa các biến chứng loạn sản, chuyển sản ruột, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, ung thư dạ dày; hỗ trợ cho cơ thể chống lại tác nhân gây ung bướu...
Theo quy định những sai phẩm này có thể bị xử lý như sau:
“ 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo thực phẩm chức năng.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;”
Ngoài ra hành vi sử dụng hình ảnh, thư cảm ơn của bệnh nhân thì luật cũng quy định rõ trong nghị định 158 của Chính phủ về xử lý vi phạm về quảng cáo, hành vi sử dụng thư tín, hình ảnh của nhân viên và cơ sở y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, quảng cáo gây hiểu lầm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh... sẽ bị xử phạt 20-30 triệu.
Trong khoản 3 điều 43 của Luật An toàn thực phẩm, quy định về quảng cáo thực phẩm như sau: “ Người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân có thực phẩm quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận”.
Tại khoản 4 điều 68 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo nêu rõ
“4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;”
Chúng tôi xin cảnh báo để người tiêu dùng tham khảo.
PV/ Sức Khỏe 365