Theo Học viện Cảnh sát nhân dân, đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất và dựa trên uy tín, hình ảnh của Học viện để gây dựng niềm tin, các đối tượng sẽ giả danh Công an để hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo và hướng dẫn nạn nhân đóng phí để hỗ trợ hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống. Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.
Qua đó, Học viện Cảnh sát nhân dân khuyến cáo đến bạn đọc về hoạt động giả mạo các trang Facebook/trang thông tin điện tử của Học viện Cảnh sát nhân dân nói riêng và của lực lượng Công an nhân dân nói chung.
Đề nghị người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm mạng; tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không chính thống.
Không cung cấp thông tin nhân thân, tài khoản ngân hàng, tài khoản thư điện tử, mạng xã hội của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác nếu chưa xác minh chính xác thông tin người nhận, kể cả cá nhân tự nhận là đại diện của cơ quan Công an.
Học viện Cảnh sát nhân dân cũng đề nghị cán bộ, giảng viên, công nhân viên, học viên trong Học viện cùng thực hiện thao tác báo cáo giả mạo để facebook nhận diện và khoá tài khoản giả mạo trên theo các hướng dẫn ảnh kèm theo và cùng tuyên truyền đến người thân, bạn bè và Nhân dân về thủ đoạn trên.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Phương Uyên