Công an phát thông tin cảnh báo loại ma túy mới, ngụy trang dưới dạng bột “nước xoài”, pha vào nước để uống rồi tạo ảo giác, mục đích nhắm vào giới trẻ.
Ma túy dưới dạng bột pha uống
Ngày 6/10, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận 5, TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam đối với Nguyễn Tiến Đạ (SN 1999, ngụ tỉnh An Giang, sinh viên 1 trường đại học ở TP.HCM) để điều tra về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Xuất hiện loại ma túy mới tại TP.HCM. Ảnh: Pháp luật TP.HCM |
Thông tin ban đầu, vào tối 6/9, trinh sát đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận 5 phát hiện Nguyễn Tiến Đạt điều khiển xe máy trên lưu thông trên đường Hùng Vương (phường 9, quận 5) có biểu hiện nghi vấn nên thực hiện lệnh kiểm tra.
Tại đây, cảnh sát phát hiện trong túi áo khoác của Đạt có 1 gói giấy bọc bên ngoài ghi dòng chữ Crispy Fruit Mango, bên trong có thêm 1 gói nilon cũng ghi dòng chữ Crispy Fruit Mango chứa chất bột màu vàng. Nghi ngờ đây là 1 loại ma túy, lực lượng tuần tra liền thu giữ tang vật và đưa đối tượng Đạt về trụ sở công an làm việc.
Kết quả giám định gói Crispy Fruit Mango, phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM ghi nhận, số chất bột màu vàng thu giữ có trọng lượng hơn 17,6 gram, được xác định là ma túy ở thể rắn thuộc loại Bromazepam.
Bước đầu, tại cơ quan công an, Đạt khai nhận, ngày 5/9, Đạt sang huyện Nhà Bè (TP.HCM) gặp người tên T. (chưa xác định được lai lịch) quen biết trước đó thông qua các mối quan hệ xã hội.
Tại đây, Đạt nhận 4 gói Crispy Fruit Mango từ T.. Sau đó, Đạt mang về giao cho khách của T. 3 gói. Riêng gói còn lại, Đạt đưa về chỗ ở cất giấu.
Đến đêm 6/9, theo yêu cầu của T., Đạt lấy xe máy tiếp tục đi giao gói Crispy Fruit Mango còn lại, với giá 2 triệu đồng cho 1 khách nữ đang ở trong khách sạn ở phường 9, quận 5. Tuy nhiên, khi chưa kịp giao hàng thì Đạt bị lực lượng tuần tra công an kiểm tra, bắt giữ.
Đấu tranh khai thác, Đạt khai thêm, ngoài việc giao Crispy Fruit Mango, đối tượng còn được T. thuê đi giao bóng cười với mức phí từ 100 đến 200 nghìn đồng.
Bên cạnh đó, Cơ quan công an xác định, gói bột màu vàng Crispy Fruit Mango được phát hiện trên người Đạt thuộc loại Bromazepam, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “xoài trái cây giòn”, 1 dạng bột trái cây đã được sấy khô. Khi sử dụng, có thể đem pha tan vào nước, uống sẽ có cảm giác “lâng lâng”. Do đó, có thể gọi đây là ma túy “nước xoài”.
Phân tích kỹ hơn, mỗi gói ma túy nước xoài có chứa Bromazepam, 1 chất nằm trong danh mục cấm tại mục III, Nghị định 73/2018/NĐ-CP, quy định về danh mục chất ma túy và tiền chất.
Chất bột ma túy bên trong gói “Crispy Fruit Mango” bị công an thu giữ. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp luật |
Cảnh báo đến giới trẻ
Theo điều tra từ cơ quan công an, Bromazepam trong ma túy nước xoài được ngụy trang tinh vi như một dạng nước giải khát mới, việc này trước đó chưa từng được phát hiện tại Việt Nam.
Với cách ngụy trang này, ma túy được lưu hành và xâm nhập vào xã hội dễ dàng. Người dùng chỉ việc hòa tan vào nước rồi sử dụng.
Việc sử dụng Bromazepam thời gian dài hoặc quá liều lượng, người dùng có thể bị các triệu chứng kể trên kèm mất ngủ, sợ hãi, rối loạn giọng nói, cơ thể yếu ớt, dễ chóng mặt, choáng váng. Nguy hiểm hơn, nếu dùng quá liều, người dùng có thể sẽ bị nghiện thuốc.
Dùng liều cao trong một thời gian dài, khi ngừng dùng đột ngột sẽ gây ra các trạng thái bối rối, lo âu, trầm cảm, hoảng loạn, hoang tưởng, đau cơ, co cơ, co giật, tình trạng mê sảng.
Từ trước đến nay, cơ quan chức năng đã từng phát hiện nhiều loại ma túy được ngụy trang dưới dạng này hay dạng khác nhắm đến giới trẻ nhất là học sinh, sinh viên.
Đáng chú ý, thời gian gần đây nhiều loại ma túy như: Tem giấy, cỏ Mỹ, Shisha, bóng cười… được giới học đường sử dụng và chơi theo kiểu “hot trend” (xu hướng). Khi ma túy nước xoài được phát hiện, cơ quan công an cũng tiến hành rà soát, kiểm tra trên thị trường có tồn tại, lưu hành loại ma túy này hay chưa.
Bên cạnh đó, công an cũng cảnh báo đến trẻ, đặc biệt là các bậc phụ huynh nên cảnh giác với loại ma túy mới này.
“Các bậc phụ huynh nếu thấy con em, người thân có sử dụng loại ma túy mới với bề ngoài tương tự thì hãy báo cho cơ quan công an để có hướng xử lý phù hợp”, một cán bộ điều tra cho hay.
PGS. TS Trương Văn Vỹ, giảng viên khoa Tâm lý tội phạm trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (đại học Quốc gia TP.HCM) nêu quan điểm trên Người Đưa Tin Pháp luật: "Các sở Giáo dục và Đào tạo, ban Giám hiệu các trường cần quan tâm, tạo điều kiển, tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống ma túy cho giáo viên, học sinh thường xuyên để nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng, chống ma túy cho bản thân, người thân trong gia đình và cộng đồng. Việc nhận biết nhanh người sử dụng ma túy, làm gì khi phát hiện hoặc nghi ngờ người sử dụng ma túy cũng cần được tập huấn, trang bị kỹ năng”. |
Thủy Tiên (T/h)