Thủ đoạn tinh vi
Theo cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, dựa trên phản ánh của người tiêu dùng cho thấy các hành vi lừa đảo này khá tinh vi. Những người lừa đảo thường giả danh các cơ quan chức năng, nhân viên ngành điện để “đòi nợ tiền điện”, “dọa cắt điện nếu không nộp tiền”... ép người dân nhanh chóng thanh toán tiền điện hoặc chuyển tiền vào tài khoản do họ cung cấp.
Các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý hay lo sợ, nhẹ dạ cả tin của nhiều người dân để chiếm đoạt tài sản. Mặc dù Tập đoàn điện lực Việt Nam đã liên tục cảnh báo nhưng nhiều người sử dụng điện vẫn bị lừa đảo trong thời gian gần đây.
Do đó, để tránh sa bẫy, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác. Khi nhận được các cuộc gọi mạo danh như trên, người tiêu dùng cần thông báo ngay cho ngành điện lực qua các kênh chăm sóc khách hàng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Người tiêu dùng chỉ nên tiếp nhận thông tin từ các kênh chính thống đã được ngành điện lực công bố. Người dân tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc chuyển tiền vào các tài khoản khi chưa tiến hành xác minh thông tin.
Đối với người tiêu dùng đã bị kẻ xấu lừa đảo, cần nhanh chóng gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan công an, cơ quan chức năng để nhờ hỗ trợ giải quyết, thu hồi lại tài sản bị chiếm đoạt.
Theo tìm hiểu của PV, chỉ riêng từ đầu tháng Năm đến nay, đã có hàng trăm trường hợp khách hàng trên địa bàn Hà Nội phản ánh nhận được cuộc gọi yêu cầu đóng tiền điện từ những đối tượng giả danh nhân viên điện lực. Những cuộc gọi này có đầu số nước ngoài, người gọi tự xưng là nhân viên điện lực, yêu cầu chủ nhà phải đóng tiền điện, nếu không muốn bị cắt điện hoặc thậm chí là chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Trước tình trạng này, tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội khẳng định đây là hành vi lừa đảo và đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác trước những cuộc gọi mạo danh nhân viên điện lực. Trung bình 1 tháng, xưởng in của công ty chị Lê Thị H. (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tiêu thụ khoảng 25 - 30 triệu đồng tiền điện. Với đặc thù máy móc ngành in hoạt động suốt ngày đêm, chị H. luôn thanh toán tiền điện ngay khi có thông báo để máy móc được vận hành liên tục.
Điều đáng nói, dù đã thanh toán hết tiền điện tháng Năm, chị H. vẫn nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ tự xưng là nhân viên điện lực, yêu cầu phải đóng tiền ngay nếu không muốn bị cắt điện. “Họ gọi điện nói rất nhanh, nhưng tôi gọi lại không liên lạc được. Tôi có báo cho bên điện lực để điều tra tiếp", chị H. cho hay.
Công ty điện lực Bắc Từ Liêm khẳng định đây chỉ là một cuộc gọi lừa đảo, mạo danh nhân viên điện lực. Mục tiêu các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến là những công ty vừa và nhỏ, có mức tiêu thụ điện khoảng một vài chục triệu đồng, hoặc những công trường xây dựng cần sử dụng điện 24/24h.
Cảnh giác với số máy lạ
Theo thống kê của các đơn vị điện lực, chỉ riêng từ đầu tháng Năm đến nay, đã có hàng trăm trường hợp khách hàng phản ánh nhận được các cuộc gọi yêu cầu đóng tiền điện từ những đối tượng giả danh nhân viên điện lực. Trước tình trạng các cuộc gọi giả mạo ngành điện xuất hiện trên cả nước, EVN và các Tổng công ty điện lực tiếp tục cảnh báo đến khách hàng sử dụng điện cần nêu cao tinh thần cảnh giác.
Theo thống kê của các đơn vị điện lực, chỉ riêng từ đầu tháng Năm đến nay, đã có hàng trăm trường hợp khách hàng phản ánh việc có nhiều số điện thoại lạ tự xưng là "nhân viên điện lực", "Tổng đài ngành điện", "Điện lực Việt Nam" để yêu cầu khách hàng nộp tiền điện, thậm chí doạ cắt điện nếu không nộp. Tại Tổng công ty Điện lực miền Trung, chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 4/5 đến 14/5, đã có 81 cuộc gọi của khách hàng đến Tổng đài Chăm sóc khách hàng để phản ánh về tình trạng nêu trên.
Cách đây không lâu, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xuất hiện tình trạng giả danh nhân viên điện lực gọi cho khách hàng sử dụng điện đòi nợ tiền. Nếu khách hàng không thanh toán, các đối tượng đe dọa sẽ cắt điện. Theo đó, một số gia đình trên địa bàn tỉnh nhận được cuộc gọi từ các số điện thoại như: +18889084230, +18009503228, +6701907092828, +671903074642, +6701905330239... đòi nợ tiền điện.
Tại thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà), anh N.V.A nhận được cuộc gọi từ số +18009503228 thông báo là nộp tiền điện, nếu không thanh toán sẽ cho nhân viên cắt điện.
Tương tự, tại huyện Sa Thầy, chiều cùng ngày, một doanh nghiệp ở thôn Nhơn Bình, xã Sa Nhơn nhận được cuộc gọi từ số +18889084230 và nói là nhân viên Tổng công ty Điện lực miền Trung đòi nợ tiền điện, nếu không thanh toán sẽ bị cắt điện.
Ông Nguyễn Kim Chiến, Giám đốc công ty Điện lực Kon Tum cho biết: Để ngăn chặn các cuộc gọi giả danh, làm ảnh hưởng đến công tác dịch vụ khách hàng của ngành điện trên địa bàn, Công ty yêu cầu, Điện lực trực thuộc thông báo rộng rãi đến khách hàng để cảnh giác. Điện lực các địa phương đã nhắn tin đến khách hàng trên địa bàn để cảnh giác; yêu cầu cán bộ, nhân viên Công ty đăng thông tin trên zalo, facebook cá nhân để chia sẻ thông tin tới người dân. Mặt khác, Công ty đã có văn bản gửi Công an tỉnh phối hợp, hỗ trợ điều tra.
Trước tình trạng trên, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các tổng công ty Điện lực tiếp tục cảnh báo đến khách hàng sử dụng điện cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Nếu nhận được cuộc gọi mạo danh "điện lực" hoặc xưng danh là "công ty điện lực" nhưng không nói rõ tên, địa bàn quản lý của công ty điện lực, hoặc thông tin không rõ ràng, minh bạch thì khách hàng không nên cung cấp thông tin cá nhân của mình.
Theo EVN, khách hàng cần thông báo ngay cho ngành Điện qua các kênh chăm sóc khách hàng để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong mọi trường hợp, EVN khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu của mình; tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. EVN khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước các cuộc điện thoại gọi đến xưng là nhân viên điện lực để yêu cầu nộp tiền điện, thậm chí doạ cắt điện.
H.H (T/h)
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (26)