Theo các quan chức ở Kyiv, có khoảng 3 triệu công dân Ukraine sinh sống ở Nga vào năm 2018, bao gồm cả lao động nhập cư gửi tiền về nước và nhiều người được cho là thân Nga.
Trong số đó có những người từng là cư dân của hai tổ chức ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine - các "nước cộng hòa" tự xưng là Luhansk và Donetsk, những người đã được Moscow trao hộ chiếu sau năm 2014.
Ông Ivan Alexeevich, 67 tuổi, đến từ Luhansk (Ukraine), hiện đang sống ở Kirov, cách Moscow khoảng 800 km về phía Đông Bắc, chia sẻ: "Mặc dù bây giờ tôi đã là công dân Nga, nhưng tôi vẫn coi Ukraine là quê hương của mình. Tôi sinh ra ở đó, tôi đi học và nhận được một nền giáo dục tốt".
Nói về tình hình căng thẳng hiện nay, ông Ivan cho biết: "Chúng tôi sống ở Luhansk một cách yên bình với các con của mình nhưng vào năm 2014, chúng tôi phải hứng chịu khói lửa đạn cối. Tôi bước ra khỏi căn hộ của mình và chúng bay ngay trên đầu tôi. Tôi và vợ đã trốn dưới tầng hầm. Nơi chúng tôi sống đã bị tấn công cả ngày lẫn đêm. Tôi đã đóng quân ở Angola vào những năm 1970 như một phần của nghĩa vụ quân sự của mình khi có chiến tranh ở đó. Tôi không bao giờ tưởng tượng chiến tranh có thể xảy ra ở đó".
Tuy nhiên, ông Ivan không loại trừ khả năng chiến tranh có thể xảy ra giữa Nga và Ukraine hiện nay. Ông nhận xét: "Tôi không loại trừ khả năng chiến tranh dù tôi không cho rằng điều này có thể xảy ra. Tôi không nghĩ người Ukraine có những gì họ cần. Họ biết NATO sẽ không gửi quân cho họ. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ tiến hành một chiến dịch lớn trừ khi bị NATO hoặc Nhà Trắng thúc đẩy".
Trong khi đó, cô Lena (30 tuổi), hiện đang sống ở St. Peterburg (Nga), tâm sự: "Chồng tôi tới Nga làm việc và tôi cùng các con cũng đã chuyển tới đây sau khi những vụ nổ súng bắt đầu vào năm 2014".
Cô nói thêm: "Rất khó để tìm được một căn hộ khi bạn có con nhỏ. Không có giấy tờ, bạn không thể kiếm được việc làm, bạn không thể kiếm được bất cứ thứ gì. Tôi rất căng thẳng khi chăm sóc con tôi, cháu cần quần áo mặc và đồ ăn. Tôi thậm chí còn dự tính sẽ quay trở lại. Tôi đã phải đến các văn phòng để phàn nàn nhưng cuối cùng khi tôi nhận được giấy tờ của mình, mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn nhiều".
Lena cho biết cô rời Mariupol (Ukraine) với anh trai của cô vào năm 2014 khi các trận chiến nổ ra. Cô chia sẻ: "Tôi còn một người bà lớn tuổi. Tôi rất muốn đến thăm bà nhưng cũng vô cùng sợ hãi".
Theo Al Jazeera, ngoài trường hợp của ông Ivan và cô Lena, nhiều người Ukraine sống ở Nga hiện chỉ lặng lẽ phản đối các chính sách của Moscow đối với quê hương của họ. Trong đó, ông Viktor Hirzhov, một cựu lãnh đạo của nhóm cộng đồng người Ukraine ở Moscow, cho biết: "Mặc dù có nhiều nhóm cộng đồng Ukraine hoạt động tích cực nhưng họ thường không tham gia vào chính trị".
Trong khi đó, anh Andrey Zaichikov, 34 tuổi, đến từ Koktebel ở Crimea, bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Ukraine dù nhấn mạnh anh không đứng về phe nào.
Là người gốc Crimea, anh trở thành công dân Ukraine khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, sau đó quê hương của anh đột ngột trở thành một phần của Liên bang Nga vào năm 2014.
Anh tâm sự: "Là một người Crimea, tôi không thể không bị ảnh hưởng bởi các sự kiện năm 2014. Mọi thứ xung quanh tôi đều thay đổi: luật pháp, tiền tệ, những nguyên tắc nhất định mà xã hội được thành lập. Nhưng trong khi tất cả những điều này thay đổi, những người xung quanh tôi chủ yếu vẫn giữ nguyên, với cùng một tâm lý và ngay cả một số quan chức cùng nắm quyền, họ cũng chỉ ngả mũ. Tôi không thể nói rằng tôi thích mọi thứ về Crimea của Nga đương đại nhưng tôi không thể nói rằng tất cả đều tệ và cần phải quay lại như cũ".
Minh Hạnh (Theo Al Jazeera)