Defense Express dẫn dữ liệu mới nhất từ Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho thấy khoảng cách đáng kể giữa lượng đạn pháo mà quân đội Nga và Ukraine sử dụng trong xung đột đã bắt đầu xuất hiện kể từ mùa hè năm 2023.
Cụ thể, mùa hè năm 2023, Ukraine có lợi thế lớn về hỏa lực pháo binh, với khả năng bắn tới 7.000 - 7.500 viên đạn pháo mỗi ngày trong khi Nga chỉ có thể sử sụng 5.000 viên đạn pháo mỗi ngày. Tuy nhiên, tốc độ bắn đạn pháo của Kiev đến nay đã giảm xuống còn 2.000 viên mỗi ngày. Trong khi đó, Moscow đã tăng gấp đôi số lượng đạn pháo lên tới 10.000 viên mỗi ngày – nhiều gấp 5 lần đối phương.
Các quan chức quân đội Ukraine gần đây cũng thừa nhận rằng Nga đang áp đảo về hỏa lực pháo binh. Tướng Oleksandr Tarnavskyi - tư lệnh nhóm tác chiến Tavria Ukraine ở mặt trận miền Nam tháng trước thừa nhận họ đã phải thu hẹp một số hoạt động quân sự do thiếu đạn pháo khi sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây giảm dần.
"Vấn đề về đạn dược tồn tại trên toàn bộ chiến tuyến, đặc biệt là đối với đạn pháo thời hậu Xô Viết 122 mm và 152 mm. Mức độ cung cấp không đủ đáp ứng nhu cầu, buộc các đơn vị tái phân bổ khí tài và đạn dược. Chúng tôi phải xây dựng lại kế hoạch và thu gọn quy mô tác chiến”, ông Tarnavskyi nói đồng thời nhấn mạnh tình trạng thiếu đạn pháo là một "vấn đề rất lớn" và sự sụt giảm viện trợ quân sự nước ngoài đã tác động đến tình hình chiến trường.
Phó Thủ tướng Ukraine Mikhail Fedorov trong cuộc phóng vấn mới nhất với The Wall Street Journal cho biết, Lực lượng vũ trang Ukraine thường xuyên sử dụng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (UAV FPV) trong các hoạt động chiến đấu do thiếu đạn pháo. Song, ông Fedorov thừa nhận máy bay không người lái không thể thay thế hoàn toàn pháo binh.
Giới phân tích nhận định, lực lượng Ukraine đã phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp đạn dược từ các đồng minh phương Tây. Tuy nhiên, đến tháng 10/2023, các nước này bắt đầu thừa nhận rằng các kho dự trữ đã cạn kiệt. Đầu tiên là Anh, sau đó là Pháp ngừng gửi viện trợ từ kho dự trữ cho Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) cũng mới chỉ có thể cung cấp cho Ukraine khoảng 300.000 quả đạn pháo 155mm trong khi cam kết của họ là 1 triệu quả đạn pháo.
Ông Josep Borrell - người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU cho biết quân đội các nước thành viên của khối đã cung cấp cho Ukraine tất cả số đạn dược mà họ có thể tìm thấy trong kho dự trữ hiện có, vì vậy giờ đây khối phải chờ sản xuất thêm. Trong khi đó, Mỹ vẫn đang bế tắc trong việc tìm thêm nguồn ngân sách mới cho viện trợ Ukraine.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt đạn pháo, Ukraine đặt mục tiêu tăng cường sản xuất trong nước. Trung tướng Ivan Havryliuk - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine tháng trước từng đề cập đến kế hoạch sản xuất đạn pháo 155 mm với “số lượng có thể bù đắp phần lớn khoảng cách giữa nhu cầu và lượng hỗ trợ do các đối tác cung cấp”. Tuy nhiên, tỷ lệ sản xuất và chi tiết cụ thể không được tiết lộ vì lý do an ninh.
Phương Uyên (Theo Defense Express)