Hãng thông tấn quốc gia Bulgaria (BTA) đưa tin, ngày 22/11, quốc hội nước này đã phê chuẩn thỏa thuận cung cấp phương tiện vận tải bọc thép cho cùng với vũ khí và phụ tùng tương ứng cho Ukraine.
Thỏa thuận được ký kết tại Sofia vào ngày 8/8 và tại Kiev vào ngày 13/11. Bộ Nội vụ Bulgaria cho biết, quân đội nước này không còn cần đến những phương tiện được gửi đến Ukraine nhưng không nêu rõ loại hoặc số lượng phương tiện.
Trong khi đó, thứ trưởng Bộ Nội vụ Bulgaria cho biết, thỏa thuận này đang thực hiện quyết định của quốc hội hồi tháng 7 về việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật - quân sự bổ sung cho Ukraine. Theo đó, 100 xe bọc thép cũ sẽ được chuyển đến Ukraine từ kho của Bộ Nội vụ Bulgaria.
Cùng ngày Bộ Quốc phòng Litva cũng thông báo trong một bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) rằng một gói viện trợ của nước này bao gồm 3 triệu hệ thống kích nổ từ xa và thiết bị mùa đông đã đến Ukraine. “Cam kết của chúng tôi hỗ trợ Ukraine vẫn không thể bị phá vỡ”, Bộ Quốc phòng Litva cho biết trong bài đăng của mình.
Bắc Macedonia cũng thông báo rằng lứa binh sĩ Ukraine đầu tiên đã trải qua khóa huấn luyện thành công cùng với quân đội nước này. Theo bà Slavjanka Petrovska - Bộ trưởng Quốc phòng Bắc Macedonia, các binh sĩ Ukraine được đào tạo dưới cách là một phần của Quân đội Cộng hòa Bắc Macedonia.
Bà Petrovska tiết lộ thêm trong khi nói chuyện với các phóng viên rằng Bắc Macedonia có ý định tiếp tục huấn luyện binh lính Ukraine cho đến năm 2024 và “miễn Ukraine là có nhu cầu”.
Các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cương khả năng của Ukraine kể từ khi chiến sự với Nga nổ ra vào tháng 2 năm ngoái. Theo thông cáo báo chí từ NATO, các thành viên đồng minh đang chia sẻ gánh nặng hỗ trợ Ukraine một cách "công bằng", với khoảng một nửa hỗ trợ quân sự cho Kiev đến từ Mỹ và nửa còn lại được gửi từ các thành viên châu Âu và Canada.
Trong khi đó, chính quyền Nga cho rằng những hộ trợ quân sự mà Mỹ và phương Tây sẽ không thể giúp Ukraine giành được chiến thắng. Thay vào đó, chúng chỉ khiến xung đột kéo dài và gây ra những tổn thất không đáng có.
Đầu tháng này, ông Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin trong một cuộc phỏng vấn với báo chí đã khẳng định rằng quân đội Nga không thể nào bị đánh bại trong chiến sự với Ukraine. "Giới chức Ukraine và Mỹ cần nhận ra thực tế rằng không thể đánh bại Nga trên chiến trường", ông Peskov nói.
Phát ngôn viên Peskov nhấn mạnh mục tiêu về việc "đánh bại Nga" hoàn toàn mà giới chức Ukraine đặt ra ngay từ đầu cuộc chiến là “vô lý”. Cụ thể, Ukraine phát động chiến dịch phản công nhằm giành lại lãnh thổ từ đầu tháng 6 nhưng vẫn chưa đạt được bước tiến mang tính chiến lược nào.
Phương Uyên (Theo Newsweek và Kyiv Independent)