“Nga đã đưa ra các điều kiện để sẵn sàng đàm phán. Những điều kiện này đã được đưa ra kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt và cho đến khi chúng được đáp ứng, chúng tôi không thể hành động khác”, hãng thông tấn Tass dẫn lời bà Valentina Matviyenko - Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga mới đây cho biết.
Theo bà Matviyenko, Nga phải đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt để Ukraine không còn bị sử dụng làm phương tiện chống Nga và là mối đe dọa đối với an ninh cũng như chủ quyền của Nga. “Và chúng tôi sẽ không lùi bước trước những yêu cầu này”, bà khẳng định.
Bình luận trên được Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga đưa ra một ngày sau khi phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố các kế hoạch hòa bình cho Ukraine nhưng loại trừ Nga là vô lý, và hiện không có cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
“Chúng tôi thực sự cho rằng chủ đề về các cuộc đàm phán là không phù hợp vào thời điểm hiện tại”, ông Peskov nhấn mạnh và nói thêm rằng hiện có nhiều nỗ lực tìm một công thức hòa bình cho tình hình Ukraine nhưng lại không bao gồm sự tham gia của Nga, trong đó có "công thức hòa bình" do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất. Theo ông, những nỗ lực này hoàn toàn vô lý và sẽ không đem lại kết quả gì.
Đến nay, xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài gần 2 năm và trở thành một cuộc chiến tiêu hao đối với cả hai bên tham chiến. Nhiều và Ukraine.
Giới chức đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa Nga Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm do Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm ngoái.
Trong khi đó, Nga khẳng định sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý.
Moscow cũng từng nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Kiev, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.
Phương Uyên(Theo Tass)