Giới quan sát cho rằng sau nhiều tháng phản công, quân Ukraine đang đối mặt tình trạng thiếu đạn pháo trầm trọng. Nguyên nhân là do tốc độ sản xuất đạn pháo của Ukraine không thể đáp ứng nhu cầu chiến đấu, trong khi các gói viện trợ đạn pháo từ phương Tây bị trì trệ vì nội bộ các đồng minh của Ukraine như Mỹ và châu Âu đang chia rẽ về vấn đề viện trợ.
Trước tình hình này, Ukraine đã tìm cách thích nghi, đẩy mạnh sản xuất dàn máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (UAV PFV). Ukraine hiện đã có thể chế tạo được khoảng 50.000 chiếc FPV mỗi tháng với chi phí vài trăm USD mỗi chiếc và cấu tạo đơn giản. Với tầm tấn công vào khoảng hơn 3km, các UAV cỡ nhỏ này có thể lao vào các phương tiện của Nga, thậm chí đuổi theo và tấn công binh sĩ của Moscow.
Hiện UAV FPV được cho là vũ khí gây sát thương nhiều nhất cho đối phương của Ukraine.
"Tại Ukraine lúc này, chúng ta đang chứng kiến UAV được sử dụng ở quy mô không thể tưởng tượng được. Chúng ta thực sự đang nói về hàng chục, hàng trăm nghìn chiếc trên chiến trường", ông Ulrike Franke, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) cho biết.
Đồng minh của Ukraine cũng đang củng cố kho UAV của Ukraine. London dự kiến cung cấp hơn 10.000 chiếc UAV, trong đó 1.000 chiếc UAV góc nhìn thứ nhất (FPV), trong khi Paris chuẩn bị đặt mua 2.000 chiếc UAV tự sát và một phần trong đó sẽ được chuyển cho Ukraine.
Giới chức Ukraine ước tính nước này cần khoảng 100.000-120.000 máy bay không người lái mỗi tháng.
Các đơn vị Ukraine tham chiến tại Rabotino nói rằng UAV FPV đang thay đổi hoàn toàn tiền tuyến. Hai bên đều hạn chế triển khai xe thiết giáp vì chúng dễ bị phát hiện và tập kích, chuyển sang sử dụng xe tải thông thường hoặc xe máy địa hình 4 bánh. Số lượng lớn UAV FPV được triển khai cũng cho phép hai bên nhắm đến những mục tiêu nhỏ, như xe cơ giới và binh sĩ đang di chuyển.
Tuy nhiên, theo quan chức Ukraine, UAV có thể bổ sung cho vũ khí hỏa lực gián tiếp, nhưng không phải là vũ khí thay thế.
"Chúng tôi sử dụng ngày càng nhiều UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) vì không đủ đạn dược, nhưng UAV khó thay thế hoàn toàn đạn pháo", Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov thừa nhận. Lượng thuốc nổ, tầm bay và tốc độ của UAV FPV đều thua kém hơn nhiều so với đạn pháo, chúng cũng không thể xuyên phá nhiều loại vật cản trước khi phát nổ.
UAV FPV đạt hiệu quả cao với bộ binh và xe cơ giới của đối phương, nhưng không mang đủ lượng thuốc nổ để vô hiệu hóa cứ điểm kiên cố. Tốc độ bay chậm hơn nhiều so với đạn pháo cũng khiến UAV nhiều lần bỏ lỡ mục tiêu, vì khi nó bay đến nơi thì mục tiêu đã rời đi.
Giới chuyên gia cũng cho rằng Ukraine vẫn tụt hậu so với Nga trong sử dụng UAV trên chiến trường do thiếu người vận hành, số lượng UAV hạn chế và thiết bị kém chất lượng.
"Ngay cả lượng lớn máy bay không người lái cỡ nhỏ cũng không thể sánh được với hỏa lực pháo binh", chuyên gia Stacie Pettyjohn đồng ý trong một nghiên cứu của tổ chức tư vấn an ninh CNAS của Mỹ.
Theo bà Pettyjohn, máy bay không người lái mang đến những năng lực mới nhưng lại gây thêm khó khăn cho việc "tập trung lực lượng, tạo sự bất ngờ và tiến hành các chiến dịch tấn công". Vì thế, chúng sẽ không tạo ra "sự thay đổi thực sự mang tính đột phá".
Mộc Miên (Theo The Australian)