Theo thông tin từ tạp chí Forbes, Đội Tình báo Xung đột (CIT) - một tổ chức độc lập mới đây đã phát hiện ra điểm đặc biệt về những gì còn lại của Tên lửa Chống Bức xạ Tốc độ cao (HARM) AGM-88 ở Donetsk cũng như Makiivka thuộc khu vực Donbass ở phía Đông Ukraine.
HARM dẫn đường bằng radar, được phóng từ tiêm kích MIG-29 và Su-27 của Ukraine, có lẽ đã nhắm vào các hệ thống phòng không của Nga ở trong và quanh Donetsk. Tuy nhiên, CIT cũng không ngoại trừ khả năng Nga đã lắp đặt hệ thống gây nhiễu Pole-21 lên các tòa nhà.
"Chúng tôi không loại trừ khả năng các tên lửa HARM có thể nhắm vào các hệ thống này", CIT cho hay. Một số nhà quan sát cho rằng, một chiến dịch chống gây nhiễu quy mô lớn hoàn toàn có thể trở thành điều kiện tiên quyết nếu Ukraine muốn phá vỡ thế bế tắc hiện nay và tạo nên những bước tiến đáng chú ý trong năm 2024.
Nhận định trên được giới quan sát đưa ra dựa trên thực tế lực lượng không quân Ukraine hiện đang thiếu phi công, máy bay chiến đấu và đạn dược để đạt được ưu thế trên không tại tiền tuyến trải dài cả nghìn km mặt.
Ukraine không thể kiểm soát không phận ở mọi nơi, nhưng có thể kiểm soát không phận trực tiếp trên giới tuyến - nơi mà sự kiểm soát này đóng vai trò quan trọng để tiến hành thành công các chiến dịch mặt đất.
Tại Krynky - một khu vực nhỏ Nga kiểm soát ở tả ngạn sông Dnipro, mùa thu này, các lực lượng của Ukraine đã gây nhiễu máy bay không người lái (UAV) cũng như tấn công các hệ thống gây nhiễu của Nga tại đây. Điều đó tạo ra một vùng tự địa cho các UAV Nga trên Krynky và cho phép thủy quân lục chiến Ukraine tấn công qua sông một cách an toàn.
Khi họ chiến đấu để đảm bảo một đầu cầu ở Krynky, thủy quân lục chiến Ukraine đã giành ưu thế trên không. Mỗi lần phương tiện của Nga tiếp cận Krynky, một UAV của Ukraine lại tấn công và cho nó nổ tung. Trong khi đó, Moscow không thể tấn công lại bằng các UAV của họ.
Tất cả điều đó cho thấy việc gây nhiễu và chống gây nhiễu không còn xa lạ trong xung đột Nga - Ukraine. Chúng đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của các cuộc tấn công mặt đất như trong việc thực hiện các chiến thuật bộ binh, lên kế hoạch pháo binh và tích trữ hậu cần.
Cùng với thiết bị rà phá mìn, chiến thuật phá hủy các thiết bị gây nhiễu của đối phương và phát triển hệ thống tác chiến điện tử của riêng mìn được cho là đóng vai trò thiết yếu nếu Ukraine muốn có cơ hội tổ chức một chiến dịch trên bộ vào năm sau.
Trước đó, tướng Valerii Zaluzhnyi - Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine cũng từng nêu các hệ thống tác chiến điện tử, cùng với các hệ thống chỉ huy, chống mìn, phản pháo và phòng không là nhu cầu thiết yếu của quân đội nước này trong chiến đấu.
Phương Uyên(Theo Forbes)