Newsweek đưa tin, Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine (NRC) mới đây tuyên bố các nhà hoạt động mạng của họ đã tìm thấy tài liệu chi tiết về các vấn đề mà Nga đang phải đối mặt trong việc sản xuất tên lửa.
Qua tài liệu, Ukraine đã xác định được các công ty trung gian mua linh kiện giúp Nga sản xuất vũ khí. “Mọi công ty cung cấp linh kiện cho đối phương sử dụng để sản xuất vũ khí sẽ được công chúng biết đến”, thông báo của NRC nêu rõ.
NRC cho biết thêm rằng, các cơ quan liên quan của Ukraine đã nhận được dữ liệu từ tài liệu trên nhằm mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty có liên kết với Nga. Trong đó bao gồm cả Trung tâm Công nghệ Đặc biệt ở thành phố St. Petersburg và nhà máy sản xuất Dubna ở khu vực Moscow.
Đáng chú ý, NRC đã công bố các tài liệu mà họ cho rằng có sơ đồ và phân tích chi tiết về tên lửa Kinzhal Kh-32 của Nga cũng như mô tả các sửa đổi của nó. Đây cũng là loại tên lửa mà lực lượng phòng không Ukraine hầu như không thể bắn hạ.
Những thông tin mà cơ quan trên thu được cho thấy Nga "không thể tự sản xuất tên lửa hiện đại do lạc hậu về công nghệ" và tổ hợp công nghiệp - quân sự của Nga đang tìm kiếm các tuyến cung cấp mới. Tuy nhiên, đơn đặt hàng của Nga đối với chương trình tên lửa đã bị trì hoãn từ 4 đến 6 tháng, lần đầu tiên kể từ năm 2022.
Trước đó, vào tháng 1, NRC cũng từng báo cáo rằng họ đã thu được bằng chứng cho thấy quân đội Nga đang có kế hoạch trang bị đạn chùm cho tên lửa hành trình Kinzhal Kh-32.
Tên lửa hành trình Kinzhal Kh-32 từng được Nga khẳng định là hoàn toàn bất khả xâm phạm trước các hệ thống đánh chặn và phòng không của đối phương. Khí tài này có thể chịu được đòn tấn công từ pháo cỡ nòng 20mm hoặc tên lửa không đối không.
Tính năng nổi bật nhất của Kh-32 có lẽ là khả năng trao đổi thông tin mục tiêu trong chuyến bay với một tên lửa Kh-32 khác. Khả năng này được tích hợp nhằm đánh lừa lực lượng phòng không đối phương khi tấn công nhóm tác chiến tàu sân bay (CBG).
Nếu hoạt động theo cặp, tên lửa Kh-32 được trang bị cảm biến phát xạ radar có thể hoạt động như “mồi nhử”, tự hiện diện nhằm xác định vị trí radar của hệ thống phòng không. Khi xác định được vị trí radar phòng không của đối phương, nó có thể chuyển tọa độ tới tên lửa còn lại và tên lửa này sẽ lao xuống gần như thẳng đứng từ độ cao rất lớn và phá hủy mục tiêu.
Phương Uyên (Theo Newsweek)