(ĐSPL) - Liên quan đến vụ Thanh tra giao thông ăn hối lộ tiền tỷ, ngày 7/12, Công an TP Cần Thơ đã bắt thêm 3 cán bộ trong đường dây này.
Báo Dân trí đưa tin, Đại tá Trần Ngọc Hạnh - Giám đốc Công an Cần Thơ cho biết, 3 cán bộ Thanh tra giao thông bị bắt gồm Nguyễn Trần Lưu - Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông quận Thốt Nốt; Hồ Công Thiện - Đội phó Đội Thanh tra giao thông huyện Phong Điền; Trần Lập Pháp - cán bộ Đội Thanh tra giao thông quận Cái Răng.
Ngoài ra còn có Trần Tường An là “cò” nhận và đưa tiền từ các doanh nghiệp, chủ xe cho Thanh tra giao thông.
Trong hơn 1 năm qua, các đối tượng này cùng tham gia vào đường dây nhận hối lộ bảo kê cho các doanh nghiệp, chủ xe trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận.
Nguồn tin từ Sở GTVT Cần Thơ xác nhận, ngày 6/12, Công an TP Cần Thơ đã gửi đến Văn phòng Sở GTVT thư triệu tập 3 Thanh tra giao thông Hồ Công Thiện, Trần Lập Pháp, Nguyễn Trần Lưu đến cơ quan công an để phục vụ điều tra.
3 Thanh tra giao thông và một đối tượng là "cò" nhận tiền hối lộ bị bắt. Ảnh: Dân trí. |
Liên quan đến sự việc, báo Vietnamnet đưa tin đưa tin, trước đó vào ngày 16/7, Công an TP Cần Thơ đã bắt quả tang Lý Hoàng Minh (SN 1985) - Đội phó đội thanh tra giao thông số 3 quận Ninh Kiều đang nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp và chủ phương tiện trên địa bàn.
Từ lời khai của người này, công an đã ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Cần, Võ Hoàng Anh (SN 1982) - Đội trưởng đội Thanh tra giao thông số 3 quận Ninh Kiều và Đoàn Vũ Duy (SN 1978) - Đội trưởng đội Thanh tra giao thông số 11 quận Bình Thủy. Trong đó, Cần, được xác định là đối tượng “cò”, nhận tiền bảo kê từ các doanh nghiệp và chủ phương tiện rồi giao lại cho các thanh tra giao thông.
Đến ngày 15/9, cơ quan chức năng đã bắt giữ thêm Dương Minh Tâm (36 tuổi) - nguyên phó chánh TTGT Cần Thơ.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 7 thanh tra giao thông và 2 đối tượng “cò” bị khởi tố, bắt tạm giam.
Tội nhận hối lộ được quy định, hướng dẫn tại Điều 354 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau: 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Lợi ích phi vật chất. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng; đ) Phạm tội 02 lần trở lên; e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này. |
(Tổng hợp)