Chỉ vì mong muốn đẹp nhanh, đẹp thần tốc mà không ít chị em "liều" mình tìm đến các dịch vụ làm đẹp giá rẻ. Thậm chí, dùng kem trộn không rõ nguồn gốc suốt thời gian dài... dẫn tới "tiền mất, tật mang", da đã xấu, càng xấu thêm.
Bỗng thành "dị nhân" sau khi làm đẹp
Có kinh nghiệm nhiều năm trong việc tư vấn, chăm sóc làn da cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Ngọc, làm việc tại Phòng khám Chuyên khoa da liễu Việt Đức (số 33 Khúc Thừa Dụ, quận Cầu Giấy, TP. HN) chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật về những tai nạn nghiêm trọng trong quá trình điều trị đối với làn da.
Theo hồ sơ bệnh án mà bác sĩ Nguyễn Ngọc cung cấp cho phóng viên, mới đây, chị Trần L. (40 tuổi, phố Bồ Đề, quận Long Biên, TP. HN) tới phòng khám Chuyên khoa da liễu Việt Đức cầu cứu bác sĩ. Chị Trần L. gặp phải tình trạng tổn thương nặng nề: Toàn bộ gương mặt nâu sạm, ửng đỏ, lớp da bong tróc, đau rát và rất xót mỗi khi chạm vào.
Bắn laser không đúng kỹ thuật sẽ khiến da bị mất sắc tố vĩnh viễn, không thể phục hồi. |
Bác sĩ Nguyễn Ngọc cho biết, chị L. là chủ một siêu thị mini, khối lượng công việc nhiều, thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Thêm việc hằng ngày phải tham gia nhiều các hoạt động, chương trình ngoài trời khiến làn da chị xuất hiện dấu hiệu lão hóa. Thấy da mặt có những đốm nám mờ tại hai gò má và trán, chị L. đã tìm tới một spa gần nhà để điều trị, mong có khuôn mặt đẹp chơi Tết.
Thời gian đầu, kỹ thuật viên tiến hành thay da sinh học cho chị L.. Sau khi thoa thuốc, da sạm lại rồi bong tróc. Làn da non mọc lên căng bóng, mịn màng. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, dù đã chăm sóc da kỹ lưỡng, ăn uống khoa học nhưng làn da chị L. lại xuất hiện vết nám mới. Lần này, vùng nám lan rộng và đậm màu hơn rất nhiều.
Để cải tiện, kỹ thuật viên sử dụng phương pháp bắn laser để xoá mờ các đốm nám. Chị L. khấp khởi vui mừng, mong chờ một làn da trắng mịn, kịp đón Tết. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, làn da chị L. sau khi bắn laser xuất hiện thêm nhiều vết lấm chấm trắng.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc cho hay: “Bắn laser trị nám làm đào thải lớp da chết, lớp sừng, lớp thượng bì cũ để tái tạo lớp thượng bì mới. Nếu bắn laser với cường độ quá cao sẽ bào mỏng lớp sừng ở sâu hơn so với dự kiến. Bệnh nhân không tránh nắng và chăm sóc da sau khi bắn laser đúng cách sẽ bị bào mỏng lớp sừng, tăng sắc tố. Sau 1-2 tuần điều trị, mảng nám sẽ tăng rầm rộ. Tôi từng “dở khóc dở cười” khi có khách hàng yêu cầu bác sĩ làm tổn thương phần da mặt còn lại cho cùng màu với da với phần da mất sắc tố”.
“Ngoài ảnh hưởng về thẩm mỹ, làn da sẽ mỏng hơn, dễ kích ứng. Khoảng cách giữa các lần bắn laser quá mau sẽ gây tổn thương, bị ngứa rát, mẩn đỏ khi thay đổi thời tiết và thay đổi sữa rửa mặt. Thậm chí da bị đỏ hoặc lốm đốm trắng vĩnh viễn khi bị mất sắc tố da. Như trường hợp của chị L., phải kiên trì điều trị trong một thời gian dài mới thuyên giảm”, bác sĩ Ngọc cho biết.
Hỏng mặt vì dùng kem trộn
Một trường hợp khác nghiêm trọng hơn là hỏng mặt do dùng kem trộn. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc, đối tượng sử dụng không chỉ có là học sinh, sinh viên mà còn cả những phụ nữ có điều kiện kinh tế. Họ đều là nạn nhân của kem trộn do thiếu hiểu biết trong lĩnh vực làm đẹp và quá tin tưởng vào những lời quảng cáo của thẩm mỹ viện, spa.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc chia sẻ về tác hại của kem trộn cho các kỹ thuật viên. |
Những người bán kem trộn đánh vào tâm lý của khách hàng thích đẹp nhanh, giá thành rẻ, nhìn thấy hiệu quả tức khắc mà không lường trước được hậu quả tổn thương nặng nề. Còn đối với nhóm khách hàng có điều kiện kinh tế, họ đóng kem trộn vào những vỏ hộp sang chảnh, bóng loáng, dán tem mác vớ vẩn, không có kiểm định của cơ quan chức năng chuyên môn. Những lọ kem trộn sau khi được thay lớp “áo mới” sẽ bị đội giá gấp hàng chục lần. Thậm chí, có lọ kem trộn giá hàng triệu đồng.
Như trường hợp của chị Mai L. (Long Biên, Hà Nội) cũng là bài học sâu sắc cho tất cả mọi người. Khi xuất hiện các vết nám kèm theo lốm đốm mụn đỏ, chị L. đã đặt lọ kem điều trị nám do người quen bán. Sau khi bôi hết lọ đầu tiên, làn da của chị hết sạch nám, mụn, da trở nên căng bóng, mịn màng.
Những lọ kem trộn "cao cấp" thường được đóng trong vỏ hộp bóng loáng, bắt mắt. |
Được người bán tư vấn cần điều trị đủ liệu trình nên chị tiếp tục sử dụng lọ thứ hai. Sau ba tháng, chị Mai L. tá hỏa bởi làn da rơi vào tình trạng tồi tệ: Mụn nhọt nổi khắp mặt, các vết nạm đậm hơn, da bong tróc đỏ rát. Hoảng hốt, chị L. đã phải "cầu cứu" bác sĩ.
Cận Tết, nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao. Từ đây, dẫn tới không ít trường hợp các chị em hỏng mặt, biến chứng nặng do "ham giá rẻ, ham thần tốc".
Để các chị em hiểu hơn về quy trình làm đẹp, bác sĩ Nguyễn Ngọc lưu ý, thị trường ngày nay tràn lan các loại kem trộn mà khách hàng khó nhận biết được: “Thành phần trong kem trộn thường gồm: Corticoid, vitamin C, vitamin B, thủy ngân... Corticoid được các bác sĩ dùng nhóm 1 trong điều trị. Nhưng những người làm kem không có lương tâm đã lạm dụng dùng nhóm 5, nhóm 6 để pha trộn. Corticoid ức chế quá trình bào sợi, không sản sinh collagen khiến da bị teo mỏng, mất lớp bảo vệ, chống đỡ”.
“Khi ngừng sử dụng kem trộn thì tất cả biểu hiện sẽ đồng loạt bùng phát: Nổi mụn, nám đẫm, giãn mạch máu, bong tróc da, đỏ rát… gây nên tình trạng đau đớn và mất thẩm mỹ cho bệnh nhân. Khách hàng khi điều trị vấn đề liên quan đến da cần tới bác sĩ chuyên môn da liễu để được thăm khám, tư vấn và điều trị. Tránh tự sử dụng các loại kem trôi nổi, tràn lan, không thương hiệu trên thị trường. Đừng vì muốn đẹp nhanh, đẹp thần tốc mà rước hoạ vào thân”, bác sĩ Ngọc cho biết.