Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn khi cho ý kiến vào dự án Luật tiếp cận thông tin lần đầu tiên được Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến.
“Quy định đề cập quyền từ chối cung cấp thông tin điều 20 dự luật rất mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin của người dân vì mới “có thể” ảnh hưởng đến an ninh hay đời tư thôi thì anh đã từ chối rồi. Tôi cũng không hiểu cơ quan trả lời thì trả lời đến mức độ nào. Thực tế tài liệu ghi mật tràn lan, thậm chí có thư mời đi họp cũng ghi chữ Mật” – Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng chính việc quy định chưa cụ thể, rõ ràng cũng gây khó cho người được yêu cầu cung cấp thông tin vì chỉ cần từ chối với lý do không phù hợp cũng có thể bị khởi kiện.
Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Từ thực tế tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế nên cần Luật Tiếp cận thông tin điều chỉnh trên tinh thần Hiến pháp 2013, nên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho rằng những gì hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân phải ghi cụ thể trong luật.
“Luật này ra đời nhằm mở ra quyền tiếp cận thông tin của công dân, tạo thuận lợi cho người dân. Đến thư mời đi họp cũng ghi Mật như Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói thì còn gì để công khai. Do đó cần có danh mục những loại thông tin không được cung cấp và thể hiện trong luật”, ông Lý nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH K’sor Phước cho rằng thông tin cung cấp là thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và đang nắm giữ chứ không bao gồm thông tin cơ quan đó đang có do nơi khác đưa đến, nghe có vẻ thuận nhưng thực tế không phải vậy.
“Đối với thông tin bão lũ, nước dâng thì bắt buộc phải cung cấp, công bố cho dân”, ông K’sor Phước nói.
GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH nhấn mạnh, luật cần làm rõ thông tin nào cần phải cung cấp và ai cung cấp vì nếu đặt vấn đề không chính xác sẽ dẫn đến mâu thuẫn ngay trong luật.
“Người dân muốn biết khu đất này quy hoạch chưa, quy hoạch đến khi nào; hay dịch bệnh có thể lan đến vùng này không… Nhu cầu đó là có thật, nên luật ra đời phải tạo cơ chế thuận lợi cho người ta tiếp cận và trên tinh thần phục vụ thực sự”, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai nêu ý kiến.
Nhấn mạnh nhu cầu thông tin rất đa dạng và diễn ra hàng ngày, bà Mai đề nghị nhất thiết phải rà soát để xác định loại thông tin nào là bí mật, thông tin nào trước đây là mật bây giờ có thể cung cấp và hình thành danh mục rõ ràng để luật bớt đi sự mơ hồ.
Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Kinh nghiệm thế giới cho thấy thực thi Luật Tiếp cận thông tin rất tốn kém. Nhưng dù tốn kém mà tạo sự thống nhất, đồng thuận của người dân, của xã hội với hoạt động của Nhà nước thì là vô giá”.
Theo baochinhphu.vn