(ĐS&PL) Thời gian gần đây, Báo Đời sống & Pháp luật liên tục nhận được phản ánh của khách du lịch trong và ngoài nước về tình trạng "chặt chém" dịch vụ ăn uống vẫn xảy ra trên địa bàn phường Thắng Tam, Thành phố Vũng Tàu. Những thủ đoạn “chặt chém” tinh vi liệu có qua mắt được cơ quan chức năng?
Những thông tin về địa chỉ, điện thoại, số nhà về Quán ăn Hai Cây Bàng rất mập mờ từ biển hiệu đến phiếu thanh toán |
Bất chấp pháp luật “móc túi” khách hàng?
Đặc biệt, bạn đọc cho biết tại đây còn có một số nhà hàng hoạt động theo kiểu "liên minh" từ xe ôm, xe Taxi, dân cò, nhà hàng đến đối tượng bảo kê khép kín rất tinh vi để tính giá dịch vụ ăn uống "cắt cổ" và đối xử đầy bất công với khách du lịch từ xa tới.
Mặc dù để chống tình trạng trên, UBND thành phố Vũng Tàu đã yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh phải có văn hóa, tư vấn giải thích rõ những thông tin liên quan đến dịch vụ cho khách hàng và đặc biệt phải công khai đường dây nóng của lãnh đạo phường, Công an phường và đường dây nóng về dịch vụ du lịch của Thành phố...Tuy nhiên nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường Thắng Tam vẫn ngang nhiên coi thường quy định này không chấp hành.
Cụ thể khách hàng phản ánh về cơ sở Hộ kinh doanh Hai Cây Bàng có địa chỉ tại 123 đường Hoàng Hoa Thám, P. Thắng Tam, Thành phố Vũng Tàu do bà Trần Thị Anh Thư làm chủ cơ sở. Theo phản ánh những đoàn khách du lịch ở xa hay khách nước ngoài thường được các đối tượng cò mồi là xe ôm, xe taxi lôi kéo về quán ăn trên để được nhận hoa hồng hậu hĩnh.
Hai trong số rất nhiều ý kiến của khách hàng phản ánh về giá dịch vụ chặt chém tại Quán ăn Hai Cây Bàng có địa chỉ tại 123 đường Hoàng Hoa Thám, P. Thắng Tam, TP. Vũng Tàu |
Thủ đoạn của cơ sở kinh doanh này là khi khách hàng vừa đến thì đón tiếp rất đon đả, mời khách xuống tận bể hải sản để được trực tiếp kiểm tra độ tươi sống tạo niềm tin ban đầu rất tốt, khiến cho không ít khách hàng mất cảnh giác ở những khâu tiếp theo. Tuy nhiên, ngay sau đó nhân viên của quán ăn này, lại từng bước chuyển thái độ “bắt chẹt” khách hàng và đến khi thanh toán hầu như ai cũng bị "sốc" vì giá cả đắt đỏ, đồ ăn bị bớt xén, thái độ phục vụ kém...đã để lại những ấn tượng không tốt cho du khách về Thành phố du lịch này.
Cụ thể, quá trình chế biến sau đó được phản ánh được diễn ra đầy "bí ẩn" trong khu bếp của quán ăn này mà khách hàng không thể kiểm soát được đồ ăn của mình có bị đánh tráo hay bớt xén về số lượng; Chế biến có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không; Có phải ăn lại thực ăn tận dụng của khách hàng cũ hay không...Chỉ khi quán ăn mang thức ăn lên thì khách hàng mới biết rõ mình đã bị ăn bớt về số lượng nhưng để cho cuộc vui trọn vẹn trong chuyến đi, nhiều đoàn khách đành chấp nhận phải "ngậm đắng nuốt cay" cho qua chuyện và cũng để tránh những phiền phức nơi đất khách quê người.
Món canh chua cá mú trị giá tiền triệu tại Quán ăn Hai Cây Bàng |
Nhưng đến khi thanh toán thì khách hàng mới thực sự bị sốc về giá cả, cũng như phương thức thanh toán rất mập mờ như kiểu chợ đen. Đó là giá các hải sản tươi sống cao gấp nhiều lần so với nhà hàng khác nhưng đều đã được hợp thức tinh vi bằng những giấy tờ có dấu đỏ của Phòng tài chính Thành phố.
Nhiều người đặt ra nghi vấn rằng, để trốn tránh trách nhiệm, cũng như thuận tiện cho việc gian lận thuế, cơ sở kinh doanh này đã tự nghĩ cho mình một loại giấy tờ thanh toán rất lạ có tên "phiếu tạm tính" như một tờ giấy lộn không có thông tin, địa chỉ, người nhận tiền...
Khách hàng còn cho biết, “liên minh ma quỷ” bắt chẹt khách du lịch tại cơ sở kinh doanh này có hoạt động rất chặt chẽ về phương thức, tinh vi về thủ đoạn, sẵn sàng manh động và dùng cả thế lực ngầm có khả năng “điều” cả cơ quan chức năng đến để "hù doạ" mỗi khi có khách hàng phản ứng về việc làm sai trái của họ.
Tấm biển với những thông tin bắt buộc phải công khai theo quy định của TP. Vũng Tàu đã được cơ sở kinh doanh này giấu kín rất khó khăn cho khách hàng muốn phản ánh sai phạm của quán ăn này |
Đáng chú ý theo phản ánh của khách hàng và người dân xung quanh thì sự việc trên đã diễn ra một thời gian dài, nhưng chính quyền phường Thắng Tam dù đã biết và kiểm tra nhiều lần nhưng sự việc vẫn tiếp tục ngang nhiên tiếp diễn.
“Thượng đế” phải ngậm đắng nuốt cay!
Sau một thời gian điều tra xác minh tại cơ sở kinh doanh Hai Cây Bàng và ghi nhận ý kiến của những người dân xung quanh, Báo Đời sống & Pháp luật nhận thấy những phản ánh của khách hàng là có cơ sở. Ngày 30/7/2019, nhóm PV của Báo trong vai khách hàng đã nhập vào đoàn khách đến từ Đồng Nai trên đường về tạt vào quán ăn Hai Cây Bàng nói trên để sử dụng dịch vụ nhằm xác thực lại những thông tin bạn đọc phản ánh.
Theo quan sát của PV khi đến Quán ăn Hai Cây Bàng thì biển quảng cáo của cơ sở kinh doanh này cũng rất khác thường. Trên biển vẻn vẹn chỉ có dòng chữ: "Quán ăn Hai Cây Bàng" còn lại không có bất cứ thông tin nào về địa chỉ, số điện thoại, số nhà...theo hướng dẫn về biển, bảng quảng cáo.
Trong quán ăn biểu giá, đường dây nóng, chứng nhận về an toàn thực phẩm không thấy công khai ở vị trí dễ quan sát theo quy định bắt buộc của Thành phố Vũng Tàu; vệ sinh trong quán ăn không sạch sẽ nhiều ruồi nhặng; Người nấu ăn không mang bảo hộ và khẩu trang; Không thấy có hộp và bình phòng cháy chữa cháy; Nước thải của quán ăn không được thu gom trong hệ thống kín và xử lý trước khi xả ra môi trường...
Những chậu nước đục ngàu và hải sản chết dưới đáy |
Trong quá trình ở trong quán, PV quan sát thấy những chuyến xe Taxi, xe ôm thỉnh thoảng lại chở những tốp khách từ xa vào quán ăn này dùng bữa trước khi về kết thúc chuyến du lịch tại thành phố Vũng Tàu.
Đoàn khách mà PV nhập vào có tổng cộng 22 người, trong đó có 09 trẻ em nhỏ. Một người trong đoàn tên là Danh được nhân viên của quán đon đả mời ra tận bể để chứng kiến hải sản còn tươi sống. Tuy nhiên, đúng như phản ánh của bạn đọc, quá trình chế biến sau đó diễn ra đầy “bí ẩn”, khách hàng không tài nào được biết.
Khi nhà bếp bưng lên 5,6 kg cá mú chỉ để vừa trong 3 tộ nhỏ; 3,6 kg tôm sú cũng chỉ đủ cho mỗi người một con tôm biển to bằng ngón tay. Người lớn đã chủ động nhường cho các cháu nhỏ ăn, có cháu ăn 2 - 3 con liền. Nhiều người trong đoàn còn tưởng nhà hàng chưa mang hết đồ nên đã gọi nhà hàng mang tiếp. Khi đó thì nhà hàng mang lên 02 nồi nước dùng và thông báo tất cả những đồ ăn mà đoàn gọi đã hết, những thứ còn lại đã cho vào nấu canh chua tan hết rồi. Đến đây thì mọi người mới "điếng người" và biết rõ dần mình đã bị “ăn bớt" số lượng một cách rất tinh vi diễn ra trong không gian bếp đầy bí ẩn của nhà hàng và hoài nghi về việc mình có thể phải ăn lại chính những thức ăn tương tự do nhà hàng "ăn bớt" của những đoàn khách trước đó.
Đến lúc này, họ vẫn bình tĩnh vì còn một chút hi vọng về giá cả của đồ ăn ở đây sẽ có mặt bằng chung và được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ đúng như đại diện nhà hàng này "thao thao bất tuyệt" giới thiệu ban đầu. Tuy nhiên, khi xem hóa đơn thanh toán lên tới gần 9 triệu đồng đắt hơn cả đồ ăn ở khách sạn 5 sao trước đó, thì cả đoàn đều "choáng váng", không ai còn giữ được sự bình tĩnh của một "thượng đế" nữa vì sự bất công đến trắng trợn của những người trong nhà hàng này. Về giá cả các loại hải sản ở đây đắt hơn rất nhiều so với các nhà hàng khác nằm ngay tại trung tâm Thành phố Vũng Tàu mà đoàn vẫn dùng trong suốt chuyến đi.
Phiếu tạm tính không rõ thông tin, bà chủ của quán ăn Hai Cây Bàng thu tiền ăn của khách nhưng lại không dám nói họ tên thật của mình phải chăng vì sợ trách nhiệm? |
Điều đáng nói là PV phát hiện ra nhiều điều bất thường ở tờ giấy mà nhân viên nhà hàng đưa ra đề nghị thanh toán. Một tờ “phiếu tạm tính” không có tên cửa hàng, địa chỉ, số điện thoại, người thu tiền, ngày tháng, số tiền không ghi đầy đủ cả số và chữ theo quy định tối thiểu của một chứng từ thanh toán.
Một lát sau khi khách hàng phản ứng và đề nghị làm rõ với người quản lý của nhà hàng thì có một người phụ nữ ra giằng lấy tờ giấy tạm tính và đề nghị khách hàng vào quầy thu ngân ở một góc khuất để tránh ảnh hưởng đến khách hàng khác.
Trước sự chứng kiến của PV, khách hàng dù không vui về sự mập mờ thông tin giá cả, quy trình chế biến, thái độ phục vụ, sự không minh bạch về số lượng nhưng vẫn đồng ý thanh toán để kịp ra về. Họ chỉ yêu cầu một điều kiện duy nhất là cần biết rõ những thông tin về cơ sở, người nhận tiền và những thông tin khác đúng theo quy định của một chứng từ thanh toán hợp pháp.
Tuy nhiên, vị chủ quán này dứt khoát từ chối những yêu cầu chính đáng của khách hàng và tỏ ra rất khó chịu trước sự xuất hiện của nhóm PV kịp thời ghi nhận sự việc một cách khách quan, đúng pháp luật. Chị ta có những phản ứng tiêu cực, hô hoán bao biện cho việc làm sai trái của mình.
Vậy trước những thủ đoạn “chặt chém” khách du lịch công khai, đầy bất công và tinh vi như trên liệu có thế lực ngầm nào bảo kê cho hành vi trên, cũng như thái độ tiếp nhận thông tin và xử lý vụ việc của UBND, Công an phường Thắng Tam, Phòng Văn hóa và cơ quan thuế của Thành phố Vũng Tàu ra sao? Những thông tin đó, bạn đọc sẽ thấy trong bài viết tiếp theo.
Nhóm PV