Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ được nhiều ý kiến ủng hộ và mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ từng sai phạm cụ thể và xử lý sớm để địa phương sớm ổn định.
Theo báo Vietnamnet, trước kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đây là dấu hiệu tích cực trong siết chặt kỷ luật Đảng theo tinh thần nghị quyết TƯ 4 khóa 12.
Ông Phúc cho rằng, việc Bí thư Đà Nẵng dùng bằng cấp không đúng quy định là thể hiện sự thiếu trung thực. Đấy là khuyết điểm của bản thân ông Xuân Anh trước khi vào Trung ương. Sau đó khi vào cương vị lãnh đạo có những biểu hiện trục lợi, dùng quyền lực của mình, vị trí chức trách của mình để có nhà, có đất, có xe mà lại liên kết với các DN như thế là khuất tất trong lợi ích nhóm.
Theo ông Phúc, có thể nói ông Xuân Anh đã dùng quyền lực, vị trí của mình để trục lợi. Thể hiện sự lạm quyền vì lợi ích riêng của mình. Cả 2 vi phạm này đều quan trọng như nhau. Nhưng cũng phải nhìn nhận có sơ hở trong công tác cán bộ.
Ông Nguyễn Xuân Anh (trái) và ông Huỳnh Đức Thơ |
Ông Phúc cho rằng, để rút ra bài học trong công tác cán bộ cũng như trong việc giám sát cán bộ, đảng viên hiện nay, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác nhân sự sắp tới, nhất là việc đánh giá cán bộ sao cho chính xác, chọn đúng người có đức, có tài để đưa vào bộ máy đảng và chính quyền các cấp, kể cả TƯ. Điều tiên quyết là việc tu dưỡng rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Đồng thời ở khía cạnh thứ 2 là phải lựa chọn những cán bộ đã trải qua thực tiễn, được rèn luyện và phải giáo dục, bồi dưỡng căn bản. Khi đã giao quyền thì phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, như Tổng bí thư gọi là kiểm soát quyền lực.
Khi kiểm soát quyền lực không tốt mà giao việc cho người ấy, lại là người trẻ tuổi dễ dẫn đến tự cao, tự đại, tự thỏa mãn với vị trí của mình như Tổng bí thư từng nói “ở địa phương như ông vua con”, tự huyễn hoặc mình nên dẫn đến những sai phạm như vậy.
Ông Hồ Duy Diệm, nguyên Phó Chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng cho rằng, nhiệm kỳ 2015-2020 của Bí thư Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã qua được 2 năm. Tuy nhiên, từ khi giữ chức vụ Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Xuân Anh chưa để lại ấn tượng gì nhiều, chưa thể hiện được bản thân dù có nhiều cơ hội để thể hiện. Ví dụ vụ Sơn Trà được nhân dân cả TP quan tâm, là cơ hội để Bí thư thể hiện nhưng ông ấy đã không có vai trò gì.
Ông Diệm cũng cho rằng, Đà Nẵng không có thành tích gì nổi bật so với các tỉnh, thậm chí còn tụt hậu. Nghị quyết của Bộ Chính trị nhấn mạnh Đà Nẵng phải là đầu tàu, trung tâm phát triển của miền Trung, Tây Nguyên nhưng giờ TP thua các tỉnh bạn. Ví dụ so với Quảng Nam, từ chỗ là tỉnh nghèo, họ đã vượt Đà Nẵng về thu hút đầu tư.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV báo Người Đưa tin, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho biết, ông vừa mới nghe thông tin sự việc, và trên phương diện là người Đà Nẵng, ông thấy rất tiếc về điều này.
Ông Nguyễn Bá Sơn cho hay, về nguyên tắc, sẽ còn các buổi làm việc nữa liên quan đến kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Bởi thực ra, kết luận trên chỉ mới ban đầu. "Đây là chuyện Ủy ban Kiểm tra Trung ương mời hai đồng chí Nguyễn Xuân Anh và Huỳnh Đức Thơ ra công bố kết luận liên quan đến 2 đồng chí. UBKTTW có kết luận như vậy rồi thì cần tổ chức làm rõ, kiểm điểm làm rõ từng sai phạm một, tiếp nữa là tiến hành các bước kỷ luật nếu có theo trình tự quy định của Đảng”, ông Nguyễn Bá Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cũng cho rằng, sau khi nhận được thông tin trên, tâm trạng của người dân Đà Nẵng và người yêu quê hương nói chung đều cảm thấy tiếc nuối, giá như đừng xảy ra chuyện này.
Ngày 18/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa thông báo kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và một số cá nhân.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, với cương vị là người đứng đầu Thành ủy, ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Nguyễn Xuân Anh được cho đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của ông Nguyễn Xuân Anh đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.
Theo báo VnExpress, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nêu rõ, ông Nguyễn Xuân Anh đã kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm. Ông Nguyễn Xuân Anh cũng được xác định thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 02 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, UBKT T.Ư xác định cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 -2020.
Với trách nhiệm đứng đầu UBND Thành phố, ông Huỳnh Đức Thơ chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị.
Ngoài ra, ông Thơ chưa chủ động đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy nhân sự ở một số cơ quan chính quyền Thành phố thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý theo quy định.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luân, những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật.
(Tổng hợp)