Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, khi bạn nhận được bất kỳ khoản tiền lạ nào vào tài khoản, hãy chắc chắn rằng bạn biết chính xác nguồn gốc của số tiền và người gửi số tiền đó.
Nếu không rõ về số tiền, hãy liên hệ với người gửi để xác nhận. Nếu người gửi là một người xa lạ với bạn thì đó là một khoản tiền chuyển nhầm.
Trong trường hợp này, bạn hãy giữ lại và không sử dụng cho mục đích cá nhân. Tuy nhiên bạn cũng không nên vội vàng chuyển trả lại cho bất cứ người nào liên hệ với bạn cho đến khi mọi thông tin được xác minh một cách chắc chắn.
Nếu đó là khoản tiền nhỏ, bạn có thể đến trực tiếp ngân hàng hoặc sử dụng ứng dụng mobile banking để kiểm tra sao kê tài khoản, xác minh khoản tiền. Sau đó, bạn chỉ chuyển trả lại vào đúng tài khoản đã chuyển nhầm tiền, không chuyển đến bất kỳ tài khoản nào khác nếu được yêu cầu.
Nếu số tiền chuyển nhầm khá lớn, bạn hãy liên hệ với ngân hàng càng sớm càng tốt, và sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng hoặc liên hệ với cơ quan công an để được hỗ trợ. Cơ quan chức năng sẽ giúp bạn xác nhận nguồn gốc số tiền và hướng dẫn cách xử lý.
Nếu nhận được cuộc gọi nào từ ngân hàng, bạn kiểm tra xem đó có phải số điện thoại chính thức của ngân hàng không. Đặc biệt, nếu nhận được email hoặc tin nhắn SMS yêu cầu bạn nhập thông tin tài khoản hoặc mật khẩu để gửi tiền, tuyệt đối không làm theo hay đăng nhập vào bất kỳ đường link nào.
Theo quy định của pháp luật, việc không trả lại số tiền bị chuyển nhầm sẽ bị coi là chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật..
Trên thực tế, không ít đối tượng xấu đã lợi dụng sự cả tin và lòng tốt của nhiều người để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn rất tinh vi. Các đối thường dựng kịch bản rất tinh vi để dẫn dắt nạn nhân, điển hình như kịch bản cho vay nặng lãi.
Theo đó, đối tượng xấu chuyển tiền vào tài khoản của nạn nhân với lời nhắn tương tự cho mượn tiền hoặc giải ngân khoản vay... Khi nạn nhân nhận được tiền, kẻ gian sẽ tự xưng là người thu hồi nợ, dọa nạt và yêu cầu nạn nhân trả lại số tiền đã nhận kèm theo khoản lãi cắt cổ.
Một kịch bản khác là đối tượng chiếm đoạt tài sản của người bị hại thông qua đường link giả. Cụ thể, sau khi chuyển tiền cho người bị hại, kẻ gian sẽ liên hệ xin nhận lại khoản tiền.
Lúc này, các đối tượng xấu nói rằng mình đang ở nước ngoài. Để trả lại tiền, người nhận tiền chuyển nhầm phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link.
Sau khi nạn nhân điền xong thông tin, toàn bộ tiền trong tài khoản người nhận sẽ bị chiếm đoạt.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều kịch bản lừa đảo tinh vi, đánh vào lòng tốt và sự nhẹ dạ của nạn nhân. Do đó, mọi người cần nâng cao sự cảnh giác khi tiếp xúc với bất kỳ người lạ nào khi liên quan đến vấn đề tài chính.
V.A(T/h)