Vụ việc cô gái 21 tuổi rơi theo hầm thang máy từ tầng 7 xuống tầng 1 và tử vong vừa xảy ra trên địa bàn phường Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội) khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2020, cả nước có tổng cộng 8 vụ tai nạn, sự cố thang máy xảy ra, trong đó 6 vụ làm chết người. Để tránh bản thân rơi vào tình huống nguy hiểm, mỗi người cần trang bị cho mình các kỹ năng sinh tồn khi gặp sự cố thang máy.
Trong quá trình sử dụng thang máy, bạn có thể gặp một số sự cố như:
- Sự cố mất điện: Có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, do điều kiện khách quan hoặc chủ quan.
- Sự cố ngừng hoạt động: Mỗi chiếc thang máy được cấu thành từ hàng trăm các loại thiết bị khác nhau, nếu một trong số các thiết bị hỏng thì sẽ dẫn tới tình trạng thang máy ngừng hoạt động.
- Thang máy chạy vượt tốc độ: Thang máy chạy với tốc độ nhanh hơn bình thường, một số người nhầm tưởng là thang máy rơi nhưng thực ra trường hợp này chỉ là chạy vượt tốc thôi.
- Sự cố rơi tự do
Nếu không may gặp sự cố trong khi đang di chuyển bằng thang máy, bạn cần thực hiện những việc sau:
Giữ bình tĩnh
Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần làm là phải thật bình tĩnh. Bạn nên nhớ rằng có rất ít trường hợp có người tử vong khi bị nhốt trong thang máy, gần như chúng ta có thể thoát khỏi một chiếc thang máy đóng kín mà không bị trầy xước.
Trong trường hợp cảm thấy quá sợ hãi, bạn hãy cố gắng thư giãn để giảm bớt nỗi sợ, tránh suy diễn tới những điều xấu. Nếu để bản thân rơi vào trạng thái hoảng loạn, bạn có thể bị thiếu oxy do thang máy không được thông gió thích hợp. Khi giữ được bình tĩnh, thương vong sẽ được hạn chế tối đa.
Trường hợp thường gặp nhất là bạn phải đợi cho tới khi thang máy bắt đầu hoạt động trở lại.
Tìm nguồn sáng
Nếu trong thang máy mất điện, bạn hãy cố gắng tìm một công cụ chiếu sáng. Ánh sáng có thể giúp bạn giảm bớt cảm giác căng thẳng và nhìn rõ hơn các nút trên bảng điều khiển thang máy. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không sử dụng bật lửa vì dễ gây cháy nổ và tiêu tốn lượng oxy có giới hạn trong thang máy.
Thử nút mở cửa
Khi thang máy đột ngột dừng lại, bạn hãy thử bấm nút mở cửa. Nếu thấy thang máy không có phản ứng, bạn hãy kêu cứu ngay lúc đó hoặc ấn chuông gọi.
Nếu nút gọi cứu hộ không hoạt động, bạn cần cho người khác biết mình đang bị mắc kẹt bằng cách tạo ra nhiều tiếng ồn nhất có thể. Bạn có thể hét lên để được giúp đỡ hoặc cởi giày và đập vào các bộ phận kim loại của cửa thang máy.
Bạn cũng nên thử gọi tới dịch vụ quản lý của tòa nhà hoặc tổng đài 114 để được hỗ trợ giải cứu. Bạn có thể tìm thấy số điện thoại của dịch vụ quản lý tòa nhà trên tường thang máy hoặc trên bảng điều khiển.
Chờ thiết bị cứu hộ trong thang máy
Thang máy tải khách hiện nay đều có bộ cứu hộ tự động Automatic Rescue Device (gọi tắt là ARD) với chức năng đưa thang về vị trí gần nhất để người bị kẹt trong thang có thể thoát ra ngoài thông qua hệ thống tích điện.
Trong một số trường hợp khi hệ thống ARD bị hỏng hoặc không hoạt động, người bị kẹt có thể nhờ sự trợ giúp bên ngoài.
Không cạy cửa thang máy
Hành động cạy hoặc đập cửa thang máy quá mạnh có thể gây đứt cáp dẫn đến rơi tự do. Thêm vào đó, đập mạnh sẽ khiến bạn bị mất sức, trong trường hợp quạt thông gió ngừng hoạt động sẽ dẫn đến hết dần khí oxy.
Không tự ý trèo ra ngoài qua thang máy
Kinh nghiệm cho thấy trong trường hợp bị kẹt, ở lại trong cabin thang máy là an toàn nhất. Nguy cơ bị kẹp giữa thang máy và trần nhà là rất cao và vô cùng nguy hiểm. Trên nóc cabin chứa nhiều thiết bị điện phức tạp, bạn rất dễ bị giật nếu bất cẩn.
Hãy kiên nhẫn
Nếu đội cứu hộ đang trên đường tới, bạn nên tìm một việc gì đó để “giết” thời gian như trò chuyện với người xung quanh, chơi game… Bạn cũng có thể thử nghĩ danh sách những việc cần làm hoặc sắp xếp lại lịch trình của mình.
Ghi nhớ tư thế sinh tồn
Các nhà khoa học và chuyên gia cho biết, khi thang máy rơi tự do, tư thế an toàn nhất là nằm ngửa sát sàn, càng gần vị trí trung tâm thang máy càng tốt. Tư thế này sẽ giúp phân bố đều lực rơi lên toàn bộ cơ thể, giảm thiếu tối đa thương tích. Đồng thời, bạn gối đầu lên một tay để tránh bị thương đầu, một tay che mặt để tránh các vật khác rơi trúng.
Đinh Kim(T/h)