+Aa-
    Zalo

    Cần gì để đưa đại dự án 32 nghìn tỷ nhiệt điện Thái Bình 2 "về đích"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ông Nguyễn Đình Thế, Tổng giám đốc Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), cho rằng, vấn đề của dự án nhiệt điện Thái Bình 2 hiện chỉ là tiền và cơ chế.

    Ông Nguyễn Đình Thế, Tổng giám đốc Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), cho rằng, vấn đề của dự án nhiệt điện Thái Bình 2 hiện chỉ là tiền và cơ chế.

    Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đang đối mặt nguy cơ chậm tiến độ. Ảnh: ANTĐ

    Có tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng, tiến độ đạt hơn 84%, nhưng dự án nhiệt điện Thái Bình 2 do Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu vẫn có nguy cơ chậm tiến độ. Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư.

    Theo ANTĐ, dự án đã ký hợp đồng vay vốn các tổ chức tài chính nước ngoài với giá trị 937,14 triệu USD. Tính đến ngày 31/12/2018, đã giải ngân được 610,32 triệu USD. Phần còn lại chưa được giải ngân là 326,83 triệu USD và đã hết hạn giải ngân vào ngày 28/9/2018.

    Đại diện PVN cho biết, việc không thể giải ngân tiếp vốn vay là do các các bên cho vay dừng giải ngân để làm rõ các nội dung như chậm tiến độ Dự án, chậm thanh toán; sai phạm của các cá nhân tại PVN, Ban Quản lý dự án và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) có liên quan và năng lực của tổng thầu PVC trong triển khai Dự án.

    Trước tình hình đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phải có văn bản gửi Bộ Công Thương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cho phép PVN được dùng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh. Đến nay, điều này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

    VietNamNet dẫn lời ông Nguyễn Đình Thế, Tổng giám đốc Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), cho rằng: Hiện nay vấn đề của dự án chỉ có là tiền và cơ chế. Một là cần có nguồn tiền. Hai là làm sao để giải ngân được, đưa dự án về đích.

    Ngoài ra, trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, ông Đinh Văn Sơn, thành viên Hội đồng thành viên PVN, cho rằng, nếu dừng dự án nhiệt điện Thái Bình 2 thì tất cả chi phí chúng ta bỏ ra không thu hồi được. Hơn 30 ngàn tỷ đã giải ngân là giá trị sổ sách. Còn tính giá trị thực tế khi đang dở dang, là đống sắt vụn thì giá trị giảm... Đó là chưa nói lấy nguồn thu nào để trả nợ vay dự án.

    “Dự án đó dù chậm, nhưng nếu không đi vào vận hành được thì trước tình hình cả nước sau 2020 thiếu điện, nguồn nào thay thế 1.200 MW đó. Đó là câu hỏi phải suy nghĩ”, ông Đinh Văn Sơn nói.

    Chiều 15/7, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ họp bàn các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới.

    Nhấn mạnh một nền năng lượng tự cường, Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương giải quyết nhanh, đơn giản hoá các trình tự thủ tục đầu tư với các dự án nguồn điện của EVN, dự án đồng bộ nguồn khí, các dự án thuỷ điện.

    Thủ tướng nêu rõ, Thường trực Chính phủ đồng ý xem xét cơ chế đặc thù áp dụng cho các dự án điện cấp bách trong thời gian tới. Các cơ quan liên quan sớm trình Chính phủ xem xét dự thảo.

    Thủ tướng đồng ý nguyên tắc mua hết công suất thuỷ điện nhỏ, điện mặt trời với giá hợp lý và với điều kiện đáp ứng khả năng nối lưới của từng dự án. Bộ Công Thương đổi mới phương pháp thực hiện giám sát tiến độ các dự án điện trọng điểm; thường xuyên giao ban, kịp thời báo cáo Chính phủ tiến độ các dự án này; tiếp tục rà soát các dự án điện cấp bách, cần triển khai; bảo đảm đủ nguồn cung than, khí cho các nhà máy điện.

    Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương trình phương án xử lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Đồng thời, Bộ này phải khẩn trương báo cáo, trình Chính phủ vấn đề Quy hoạch Điện VIII, báo cáo vấn đề liên quan dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1.

    Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế cho vay vượt hạn mức tín dụng đối với dự án nguồn điện. Các tập đoàn EVN, TKV tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án điện, không được chậm tiến độ. Bộ Công Thương ưu tiên tập trung chỉ đạo vấn đề này.

    Vi An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-gi-de-dua-dai-du-an-32-nghin-ty-nhiet-dien-thai-binh-2-ve-dich-a284395.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan