(ĐSPL) - Thay vì sa vào nguy cơ chiến tranh do tranh chấp biển đảo, các bên hữu quan ở Châu Á cần phải nhờ cậy trọng tài quốc tế.
|
Cần phải đưa tranh chấp biển đảo Châu Á, đặc biệt là Biển Đông, ra trọng tài quốc tế |
Theo Financial Times, kể từ cuối những năm 1970, các quốc gia lớn nhất Châu Á dường như đã quên việc đấu đá lẫn nhau, tập trung vào công việc kinh doanh làm giàu và đã đạt được những thành tựu vô cùng ngoạn mục.
Hiện thời, có những dấu hiệu đáng báo động cho thấy “những người khổng lồ” Đông Á đang theo đuổi cách tiếp cận nguy hiểm, tập trung sức lực vào chủ nghĩa dân tộc và tranh chấp lãnh thổ.
Tình trạng gia tăng căng thẳng trong khu vực là đáng báo động. Cách đây không lâu, tại Diễn đàn Jeju vì Hòa bình và Thịnh vượng, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cảnh báo rằng gia tăng căng thẳng trong khu vực Châu Á "giống như một tổ ong vò vẽ đang bị chọc tung”.
Để chứng minh, Ngoại trưởng Yun Byung-se đã liệt kê một loạt các sự cố đáng báo động trong tháng qua: một vụ suýt chạm giữa máy bay chiến đấu của Trung Quốc và một máy bay do thám của Nhật Bản, những cuộc đối đầu giữa tàu thuyền Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông, Triều Tiên bắn đạn pháo về phía một tàu Hàn Quốc và đe dọa thử hạt nhân lần thứ tư…
Danh sách nói trên là đáng báo động, nhưng chưa phải là đầy đủ. Trong tháng qua, các lực lượng hải quân Nga và Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận chung. Trước đó, là cuộc tập trận chung giữa các lực lượng hải quân Mỹ và Philippines. Và vài ngày sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc đưa ra cảnh báo nói trên, tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã công khai phê phán Trung Quốc “gây mất ổn định khu vực” và khiến cho Phó Tổng tham trưởng Vương Quán Trung của Quân đội Trung Quốc “nổi đóa” trên bục phát biểu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã cáo buộc Trung Quốc có hành động "đe dọa và cưỡng ép". Về phần mình, ông Vương Quán Trung đáp trả rằng Mỹ và Nhật Bản đã phối hợp “khiêu khích và thách thức Trung Quốc".
Vậy tại sao “tổ ong vò vẽ” ở Châu Á lại bị chọc tung?
Lời giải thích hợp lý nhất bắt đầu với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc, một nền kinh tế đã vượt qua nền kinh tế Nhật Bản về GDP và đang trên đường vượt Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Một Trung Quốc giàu có hơn và mạnh hơn đã tăng chi tiêu quân sự và trở nên hung hăng quyết đoán hơn về tuyên bố chủ quyền. Các quốc gia nhỏ hơn như Việt Nam và Philippines đang rung hồi chuông báo động. Mỹ và Nhật Bản, hai cường quốc lớn khác trong khu vực, không khoanh tay đứng nhìn. Mỹ đang tìm cách củng cố hệ thống đồng minh ở Châu Á, còn Nhật Bản muốn viết lại hiến pháp hòa bình để đỡ bị ràng buộc hơn trong hành động quân sự.
Nếu xung đột nổ ra, nó có thể bị xếp hạng là một trong số các cuộc xung đột không đáng có nhất trong lịch sử thế giới. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhỏ xíu giữa đại dương vốn là nơi cư ngụ của loài dê hoang dã. Một trong những địa điểm tranh chấp căng thẳng nhất giữa Manila và Bắc Kinh là Bãi Cỏ Mây ở quần đảo Trường Sa thường ngập chìm trong làn nước biển.
Thay vì mạo hiểm tranh giành “khu bảo tồn của loài dê hoang dã” và bãi cát ngầm ngập chìm trong nước biển, các bên cần viện đến sự phán xử của trọng tài quốc tế. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ngụ ý nói về trọng tài quốc tế, khi yêu cầu tất cả các bên hữu quan tôn trọng luật pháp quốc tế trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Đối thoại Shangri-La vừa qua ở Singapore.
Chỉ có điều, Trung Quốc lại không chịu đưa cái gọi là “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) mà họ tự ý vẽ ra để biện minh cho yêu sách của nước này đối với hầu hết diện tích Biển Đông ra trước bất kỳ hình thức phán quyết quốc tế nào. Philippines đang cố thách thức các yêu sách của Trung Quốc theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ trọng tài quốc tế.
Trong khi đó, một thế hệ của trẻ em Trung Quốc đã được giáo dục rằng các vùng nước bên trong cái “đường lưỡi bò” tham lam phi lý kia là của Trung Quốc. Vốn coi “chấn hưng dân tộc Trung Hoa” là nhiệm vụ trung tâm, Trung Quốc khó có thể từ bỏ yêu sách (vô cùng phi lý) của mình.
Nhưng thay cho tuyệt vọng trước việc Trung Quốc từ chối chấp nhận trọng tài quốc tế, các cường quốc khác trong khu vực cần quyết tâm đưa vụ việc này ra trước luật pháp quốc tế. Để làm điều đó, họ cần phải nhất quán hơn trong việc nhìn nhận lại bản thân. Mặc dù không phải là một bên tranh chấp lãnh thổ, Mỹ có thể giúp thúc đẩy luật pháp quốc tế bằng việc phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Tòa án Công lý quốc tế được thành lập để giải quyết các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ. Trong quá khứ, tòa này đã ra phán quyết về một hòn đảo nhỏ tranh chấp giữa Anh và Pháp cũng như vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Qatar và Bahrain. Vấn đề ở chỗ để Tòa án Quốc tế ICJ có thể phán quyết, cả hai bên tranh chấp đều phải chấp nhận thẩm quyền của tòa . Trung Quốc đã không hề quan tâm đến việc này và mặc dù Nhật Bản đã tán đồng với ý tưởng rằng ICJ có thể phán quyết về quần đảo Senkaku, nhưng nước này lại theo đuổi lập trường “không có gì để thảo luận” về chủ quyền của quần đảo này .
Có thể thông cảm việc Nhật Bản khó có thể đưa ra bất kỳ nhượng bộ đơn phương nào trong về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Nhưng suy cho cùng lợi ích của Nhật Bản - và lợi ích của Châu Á nói chung, tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết một cách văn minh, thông qua trọng tài quốc tế. Việc thiết lập và áp dụng nguyên tắc này có thể là cách duy nhất để giữ cho “tổ ong vò vẽ” ở Châu Á không bị vỡ tung và không gây ra những hậu quả không thể lường trước được.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-dua-tranh-chap-bien-dao-chau-a-ra-trong-tai-quoc-te-a36394.html