+Aa-
    Zalo

    Cần điều kiện gì để nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Pháp luật Việt Nam đã có những quy định công nhận quan hệ cha, mẹ và con cái có yếu tố nước ngoài.

    (ĐSPL) - Việc nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài bao gồm: Công dân Việt Nam với người nước ngoài; Công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài; Người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam.

    Việc nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình 2014, theo đó, thì điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện như sau:

    Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có):

    Hai bên đều còn sống vào thời điểm nộp hồ sơ; việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp về việc nhận cha, mẹ, con.

    Nếu người được nhận là con chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của mẹ hoặc cha, trừ trường hợp mẹ hoặc cha đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Nếu con chưa thành niên từ đủ chín tuổi trở lên thì việc nhận cha, mẹ, con phải có sự đồng ý của người con đó.

    Con đã thành niên nhận cha không phải có sự đồng ý của mẹ, nhận mẹ không phải có sự đồng ý của cha.

    Trường hợp con chưa thành niên nhận cha thì mẹ làm thủ tục nhận cha cho con, nhận mẹ thì cha làm thủ tục cho con. Trường hợp con chưa thành niên nhận cha mà người mẹ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc nhận mẹ mà người cha đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ làm thủ tục nhận cha hoặc nhận mẹ cho con.

    Tờ khai đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.

    Thẩm quyền đăng ký việc nhận cha, mẹ, con

    Sở Tư pháp nơi đăng ký thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con.

    Nếu không có đăng ký thường trú nhưng có đăng ký tạm trú thì về cư trú thì Sở Tư pháp nơi đăng ký tạm trú của người đó.

    Cơ quan đại diện tại nước tiếp nhận công nhận và đăng ký việc người nước ngoài nhận công dân Việt Nam cư trú tại nước đó là cha, mẹ, con, nếu việc đăng ký không trái với pháp luật của nước tiếp nhận.

    Trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài là cha, mẹ, con thì Cơ quan đại diện tại nước nơi cư trú của một trong hai bên, công nhận và đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.

    Hồ sơ nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài

    Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

    Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân, như Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như Giấy thông hành hoặc Thẻ cư trú (đối với người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);

    Bản sao Giấy khai sinh của người được nhận là con trong trường hợp nhận con; của người nhận cha, mẹ trong trường hợp xin nhận cha, mẹ;

    Giấy tờ hoặc chứng cứ khác chứng minh quan hệ cha, con hoặc mẹ, con;

    Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), bản sao Thẻ thường trú (đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam) của người được nhận là cha, mẹ, con.

    Hồ sơ nhận cha, mẹ, con phải do người có yêu cầu nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền.

    Thời hạn giải quyết việc nhận cha, mẹ, con

    Thời hạn giải quyết việc nhận cha, mẹ, con không quá 25 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp, Cơ quan đại diện nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí.

    Trường hợp cần xác minh thì thời hạn trên được kéo dài thêm không quá 10 ngày làm việc.

    Lệ phí: 1.000.000 đồng/trường hợp.

    Trình tự thủ tục thực hiện tại Sở Tư pháp

    Sở Tư pháp có trách nhiệm nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Sở Tư pháp trong thời gian 07 ngày làm việc, gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con.

    Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết việc nhận cha, mẹ, con trong thời gian 07 ngày làm việc tại trụ sở Ủy ban nhân dân. Nếu có khiếu nại, tố cáo về việc nhận cha, mẹ, con thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải gửi văn bản báo cáo ngay Sở Tư pháp.

    Nếu nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo về việc nhận cha, mẹ, con hoặc có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của các bên cha, mẹ, con hoặc giấy tờ trong hồ sơ thì Sở Tư pháp thực hiện xác minh.

    Trên cơ sở thẩm tra, xác minh, nếu xét thấy các bên cha, mẹ, con đáp ứng đủ điều kiện nhận cha, mẹ, con thì Giám đốc Sở Tư pháp ký Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con.

    Trường hợp từ chối công nhận việc nhận cha, mẹ, con thì Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho người có yêu cầu, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

    Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Giám đốc Sở Tư pháp ký Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, trừ trường hợp có lý do chính đáng mà các bên cha, mẹ, con có yêu cầu khác về thời gian thì Sở Tư pháp ghi vào sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và trao Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con cho các bên cha, mẹ, con. Khi trao Quyết định công nhận cha, mẹ, con, bên nhận và bên được nhận phải có mặt.

    Luật gia Đồng Xuân Thuận

    [mecloud]iwrfUBp1pH[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-dieu-kien-gi-de-nhan-cha-me-con-co-yeu-to-nuoc-ngoai-a109601.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.