+Aa-
    Zalo

    Cần có 1 tổ chức độc lập làm “trọng tài” giám sát việc xả lũ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đó là lời khẳng định của GS.TS Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch hội Cơ học Thủy khí Việt Nam với PV báo ĐS&PL.

    (ĐSPL) - Đó là lời khẳng định của GS.TS Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch hội Cơ học Thủy khí Việt Nam với PV báo ĐS&PL.
    Theo GS. Hùng, không thể chấp nhận được việc xả lũ gây chết người, thiệt hại đến tài sản của người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở bất cứ sự việc nào xảy ra, sau khi xả lũ, các thủy điện đều viện cớ “đúng quy trình” để “phủi” trách nhiệm. Chính vì vậy, phải có một tổ chức độc lập đứng ra làm “trọng tài”, giám sát việc xả lũ của các công trình thủy điện.

    Video: Miền Trung mưa lũ bất thường giữa mùa khô.

    Phải xem lại quy hoạch thủy điện ở miền Trung
    Mới đây, việc xả lũ ở thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên-Huế) ngập lụt, khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên, đại diện thủy điện lên tiếng là xả lũ đúng quy trình. Quan điểm của GS. về vấn đề này như thế nào?
    Vụ việc này cũng tương tự như ở Quảng Nam cách đây 2 năm. Tôi được biết Chính phủ đã có quy định rất cụ thể về quy trình xả lũ ở thủy điện. Theo đó, thủy điện phải có kết quả khảo sát mực nước trong hồ chứa là bao nhiêu, mực nước dưới hạ lưu như thế nào. Nếu tất cả các thông số trên ở mức hợp lý thì thủy điện mới được xả lũ. Nhưng thực tế cho thấy, không ít thủy điện xả lũ chưa đúng quy trình. Họ chưa có sự nghiên cứu, khảo sát cụ thể.

     GS.TS Nguyễn Thế Hùng.

    Một nguyên nhân nữa đó là hiện nay, ở một khu vực có nhiều công trình thủy điện, mỗi công trình lại có một ông chủ khác nhau. Chính vì vậy dẫn đến việc “mạnh ai người ấy xả” mà không có kế hoạch ai xả trước, ai xả sau dẫn đến hậu quả người dân phải gánh chịu.
    Tôi đã lên tiếng nói rất nhiều về vấn đề này rồi, nhưng dường như lời khuyên của các nhà khoa học không được các nhà máy thủy điện xem xét, nghiên cứu.
    Theo một số thông tin, hội Nông dân huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) đang cân nhắc việc việc khởi kiện chủ đầu tư thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho dân. GS. nghĩ sao về điều này?
    Tôi cho rằng, việc khởi kiện thủy điện là rất khó. Muốn khởi kiện phải có bằng chứng. Người dân phải chứng minh được trước khi xả lũ, mực nước trong hồ chứa thủy điện là bao nhiêu, mực nước dưới hạ lưu là như thế nào để kiện họ về việc xả lũ sai quy trình. Tuy nhiên, những thông số này, người dân không thể có được. Việc người dân kiện thủy điện như “con kiến kiện củ khoai” vậy.

    Nếu tuân thủy quy trình sẽ không xuất hiện lũ “sốc”

    “Tôi cho rằng, nếu tuân thủ quy trình xả nước thì sẽ không xuất hiện “sốc” lũ cho vùng hạ du. Và nếu xây dựng, vận hành đúng với tiêu chí phát triển bền vững, làm tăng đời sống người dân thì lợi ích người dân phải đặt lên hàng đầu. Với những gì thủy điện đã làm, người dân có quyền được đền bù những gì do thủy điện xả lũ gây ra”.

    (GS.TS Nguyễn Thế Hùng khẳng định qua trao đổi với PV báo ĐS&PL)

    Vậy chẳng lẽ người dân cứ phải thấp thỏm, lo sợ sẽ bị lũ lụt cuốn bay ngôi nhà của mình bất cứ lúc nào và phải chịu thiệt mãi?
    Tôi và rất nhiều chuyên gia đã có ý kiến về việc lắp camera giám sát xem các thủy điện có xả đúng quy trình. Nghĩa là cần hệ thống camera đặt ở trong khu vực hồ chứa nước và camera giám sát mực nước dưới hạ lưu. Chứ cứ để thủy điện nói xả “đúng quy trình” nhưng ai có thể kiểm chứng được. Và phần thiệt hại người dân phải gánh chịu.
    Bên cạnh đó, điều quan trọng là chứng minh được xả lũ sai quy trình của thủy điện cần có sự vào cuộc quyết liệt, cùng với cam kết làm tới cùng của người dân và chính quyền địa phương. Không ít vụ việc xả lũ gây thiệt hại, chính quyền địa phương hứa sẽ đi đòi quyền lợi cho dân.
    Tuy nhiên, đi đến giữa chừng thì bị “tác động” nên dừng lại. Thậm chí, thủy điện đã nhận sai nhưng họ chây ì trong việc bồi thường cũng khiến cho nhiều người nản lòng mà bỏ cuộc.
    Cần có một tổ chức độc lập giám sát
    Nhiều chuyên gia cho rằng, thủy điện nhiều khi chỉ chăm chăm lợi ích của mình, muốn bảo vệ đập mà xả lũ, không quan tâm đến đời sống người dân. GS. đánh giá như thế nào về quan điểm này?
    Đúng thế. Tôi cho rằng, đó là hành động nhằm đến lợi ích của một nhóm người mà bỏ qua lợi ích, quyền lợi của người dân. Họ làm những việc không phải vì đại cục.
    Việc quy hoạch và xây dựng thủy điện phải đảm bảo điều tiết nước, nước xả lũ không được gây lũ bất thường cho vùng hạ du. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, từ năm 2009 đến nay, các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến hiệu suất phát điện mà bỏ qua lợi ích cộng đồng khiến người dân bị thiệt hại. Tôi đề nghị cần cần xem lại công tác quy hoạch, quản lý đối với hệ thống thủy điện trên các sông tại miền Trung.
    Theo ông, có cần một cơ quan đứng ra giám sát hoạt động của các thủy điện trong vấn đề xả lũ?
    Rất cần đơn vị giám sát độc lập, dưới sự hỗ trợ của camera, máy móc thiết bị và nguồn lực con người nhằm kiểm soát quy trình xả nước tại các hồ chứa thủy điện. Tôi nghĩ rằng, nếu không có một tổ chức độc lập như “trọng tài” đứng ra giám sát chặt chẽ cũng như truy trách nhiệm đối với các doanh nghiệp thủy điện thì đây là mối lo không chỉ đối với việc xả lũ mà còn nguy hiểm đến an toàn hồ đập khi không đánh giá cụ thể được lưu lượng nước về hồ cũng như xả lũ. Và, hậu họa sẽ không thể lường trước được.
    Xin cảm ơn GS!

    NGUYỄN HƯNG – DƯƠNG KHA 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-co-1-to-chuc-doc-lap-lam-trong-tai-giam-sat-viec-xa-lu-a89690.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan