(ĐSPL) - Việc nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần được chú trọng.
Trong bản Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XII (sau đây gọi tắt là Dự thảo) của Ban chấp hành Trung ương, phần VIII được dành riêng để nói về việc “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”.
Trước hết, tôi rất đồng tình với tình hình thực tiễn được nêu trong bản Dự thảo rằng: “Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền đã lắng nghe, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, tôn trọng các loại ý kiến khác nhau.”.
Tuy nhiên, trong phần phương hướng, nhiệm vụ, câu “Cụ thể hoá và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện”, thiết nghĩ nên thêm ý “trong đó, chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”.
Cần chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. (Ảnh minh họa) |
Thực chất, khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân, và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo là một hình thức dân chủ trực tiếp để nhân dân tham gia hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước.
Do đó, giải quyết khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm, là nghĩa vụ của nhà nước nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; góp phần đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan nhà nước; ổn định tình hình chính trị, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Giai đoạn 2010-2015 là giai đoạn diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4-BCH Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Đồng thời là giai đoạn Đảng và Nhà nước ta tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, tăng cường phát huy dân chủ trong xã hội, do đó hệ thống văn bản về lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đã được điều chỉnh một cách bài bản.
Quốc hội đã ban hành Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011 và Luật tiếp công dân năm 2013, trong đó đã thể chế hóa quyền và nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước cũng như trình tự thủ tục thực hiện trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, các cơ quan Trung ương, Tỉnh, Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đến các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác rà soát, nắm bắt tình hình, giải quyết triệt để các vụ việc khiếu kiện của nhân dân, đảm bảo ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và tổ chức các sự kiện chính trị của đất nước.
Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo (2016 -2020), để đảm bảo an ninh trật tự trên từng địa phương được giữ vững, cần tiếp tục tăng cường chất lượng giải quyết khiếu kiện của công dân. Như vậy, việc khiếu nại, tố cáo của công dân mới có xu hướng giảm, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn.
Để làm tốt việc này, trước hết mỗi địa phương cần thực hiện có hiệu quả công tác quán triệt, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối với mọi tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các văn bản luật liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân (như Luật Đất đai, Bộ luật dân sự, Luật xử lý VPHC ..vv).
Ở bất kỳ thời điểm, giai đoạn nào công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng cần phải quán triệt một các thấu đáo quan điểm, chủ trương lãnh, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cũng như nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính quyết liệt các cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng.
Về phía các cấp Tỉnh ủy, cần tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và tổ chức hội thảo kinh nghiệm để tạo sự chuyển biến căn bản đối với đội ngũ cán bộ chuyên môn cơ sở.
Đó là về mục tiêu “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”.
Ngoài ra, trong phần “XIV. Hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” của Dự thảo, ở mục 2, ý “Chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức”, tôi nghĩ nên bổ sung cụm từ “công khai minh bạch” vào sau cụm từ “đẩy mạnh dân chủ hóa”.
Bổ sung thêm chữ “Tự” vào trước cụm từ “nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Diễn đạt lại như sau: Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; khắc phục chế độ đãi ngộ theo kiểu "bình quân".
Về 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII, nhiệm vụ trọng tâm 1, đề nghị bỏ cụm từ “trong nội bộ” thay bằng cụm từ “trong cán bộ đảng viên” sau cụm từ “biểu hiện", “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảo vị trí của nhiệm vụ trong tâm 4 lên trước nhiệm vụ trọng tâm 3.
THANH AN
Xem thêm video:
[mecloud]wq96P0FPgJ[/mecloud]