+Aa-
    Zalo

    Cận cảnh đường nghìn năm tuổi dưới lòng Thánh địa Mỹ Sơn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam phát hiện được một con đường cổ rộng 8m và bờ tường dẫn chìm trong lòng đất tại Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam.

    Các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam phát hiện được một con đường cổ rộng 8m và bờ tường dẫn chìm trong lòng đất tại Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam.

    Sau thời gian khảo sát chi tiết, khoảng đầu tháng 3/2017, nhóm chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam bắt đầu thực hiện việc khai quật và trùng tu tháp K, nằm trong vùng lõi quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) - thông tin trên được nhiều báo chí đăng tải.

    Trong quá trình trùng tu, họ đã phát hiện một con đường cổ rộng 8m được dẫn bởi hai bờ tường song song (mỗi bờ tường rộng 0,6 m), bị chôn vùi ở độ sâu gần 1m so với mặt đất. Bước đầu, các hiện vật và con đường được nhóm chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam xác định có niên đại trùng với thời kỳ xây dựng tháp K (thế kỷ XI-XII).

    Con đường cổ dẫn vào tháp K mới vừa phát lộ và đang được khai quật, trùng tu (Ảnh: báo Dân trí)

    Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban quản lý Di sản Mỹ Sơn, cho hay, chuyên gia Ấn Độ chỉ mới khai quật 15 m chiều dài của con đường và bờ tường dẫn được đắp bằng gạch cổ. Hiện, Ban quản lý chưa biết con đường này kéo dài đến đâu.

    Cũng theo ông Hộ, từ các tài liệu thì có thể nhận định đây là con đường được dành riêng cho vua chúa, chức sắc cao quý của Chămpa đi vào các khu đền tháp trung tâm để cúng tế.

    Báo Điện tử VTV cũng cho biết, bên cạnh đó, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam còn phát hiện nhiều hiện vật có giá trị như 2 tượng đá mình người, đầu sư tử, các hiện vật chóp tháp cùng các chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung được chôn lấp dưới các chân tháp cổ có niên đại hàng trăm năm. Hiện các hiện vật này đang được bảo quản để nghiên cứu.

    Hai bức tượng sư tử được phát hiện ở khu vực tháp K (thuộc thánh địa Mỹ Sơn). Ảnh: báo Tri thức trực tuyến

    Liên quan đến vấn đề này, báo Dân trí dẫn lời ông Hộ cho hay, với việc phát lộ tuyến đường cổ và bờ tường dẫn vào tháp K sẽ làm phong phú thêm những giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật mà người xưa đã tạo lập trong quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

    Ông Hộ hy vọng các nhà khoa học sẽ sớm có kết luận về quy mô, mục đích và ý nghĩa của tuyến đường để vừa góp phần làm tăng thêm giá trị cổ xưa của Di sản, vừa từng bước giải mã những huyền bí ngàn năm trong lòng tháp cổ Mỹ Sơn.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-canh-duong-nghin-nam-tuoi-duoi-long-thanh-dia-my-son-a188610.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan