(ĐSPL) - “Cán bộ là người làm gương cho người dân khác để thực hiện những quan điểm của Đảng và Nhà nước, việc chống hàng giả, hàng nhái là pháp lệnh của Nhà nước, nếu ngay cả cán bộ làm trái thì họ làm gương được cho ai?” - PGS.TS Vũ Hào Quang nói.
Ngày 21/10, tại buổi tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại trụ sở Bộ KH-CN, đã có rất đông người xông vào săm soi, lựa chọn và lấy đi nhiều tang vật thu được.
Liên quan tới vấn đề này, Chánh văn phòng Bộ KH-CN cho biết, trong sự cố nghiêm trọng này, Ban Tổ chức chưa thực hiện đúng quy trình, không đảm bảo công tác tổ chức, hướng dẫn, tuyên truyền để việc tiêu hủy được diễn ra đúng theo quy định pháp luật.
Nhiều người tranh vào nhặt đồ trong buổi tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp. (Ảnh: Lao Động) |
Nhận định về sự việc trên, PGS.TS Vũ Hào Quang - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng đây là một “lỗi lớn” và cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
“Việc cơ quan chức năng tiêu hủy hàng giả hàng nhái là rất đáng hoan nghênh, truyền thông cần tuyên truyền mạnh mẽ việc làm này để răn đe những kẻ làm hàng giả hàng nhái gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Như vậy, việc Bộ KH-CN tiêu hủy số tang vật vi phạm là họ đã làm đúng pháp luật. Bất cứ hành vi nào mang tính chất “hôi của” thì đều là trái với pháp luật, đó được coi như một hiện tượng lấy cắp. Tôi coi đây là một lỗi lớn và không thể chấp nhận.” - PGS.TS Vũ Hào Quang đánh giá.
PGS.TS Vũ Hào Quang cho biết thêm: “Nếu như là cán bộ “hôi của” thì điều này phải phê bình rất nghiêm khắc. Vì cán bộ là người làm gương cho người dân khác để thực hiện những quan điểm của Đảng và Nhà nước. Việc chống hàng giả, hàng nhái là pháp lệnh của Nhà nước, nếu ngay cả cán bộ làm trái thì họ làm gương được cho ai? Hơn nữa những người làm công tác báo chí hay cán bộ cũng tham gia “hôi của” thì đều trái với quy định của Nhà nươc, là gương xấu đối với người dân.”
PGS.TS Vũ Hào Quang phân tích, khi cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy hàng vi phạm mà cán bộ lại lao vào “hôi của” thì đây không khác gì hành vi tiếp tay cho những kẻ làm hàng giả hàng nhái.
“Nếu không có sự tham gia của cán bộ, nhân dân giám sát thì sự nghiệp phòng chống hàng giả hàng nhái không bao giờ đi đến thành công được. Theo tôi cần có một hình thức phê bình nghiêm khắc dành cho các cán bộ (có cả nhà báo) có hành vi “hôi của”, vì việc làm của họ là gương xấu cần phải lên án gay gắt.” - PGS.TS Vũ Hào Quang nhận định.
Trước đó, ông Bùi Thế Duy, Chánh văn phòng Bộ KH-CN cho biết, ngày 21/10, tại trụ sở cơ quan này, Thanh tra Bộ KH-CN đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an thành phố Hà Nội tổ chức tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp. Việc tiêu hủy được thực hiện bởi Hội đồng tiêu hủy do các cán bộ liên ngành thực hiện.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, Bộ trưởng Bộ KH-CN đã trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan báo cáo chi tiết về quy trình và cách thức tiến hành việc tiêu hủy hàng hóa. Đồng thời, yêu cầu các cá nhân có trách nhiệm xác định các tổ chức và cá nhân có liên quan đến sự việc.
Xuân Tùng