+Aa-
    Zalo

    Cán bộ giàu nhanh bất thường: Phát hiện không khó vấn đề có làm hay không?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Công tác nhân sự đang được Nhà nước và nhân dân quan tâm trong bối cảnh Đại hội Đảng các cấp đang diễn ra.

    Công tác nhân sự đang được Nhà nước và nhân dân quan tâm trong bối cảnh Đại hội Đảng các cấp đang diễn ra. Vấn đề quan trọng để đánh giá có tham nhũng hay không là thể hiện bằng tài sản nhưng làm thế nào để phát hiện cán bộ kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, giàu bất thường… là điều dư luận đặc biệt quan tâm. Xung quanh vấn đề này, PV Tạp chí ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quốc Thái, nguyên Phó Viện trưởng viện Phúc thẩm 1, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, người có nhiều ý kiến thẳng thắn trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

    Những người “quản trị đất nước” phải có đức, có tài

    PV: Tổng Bí thư khẳng định, kiên quyết không để lọt cán bộ giàu nhanh, giàu bất thường, nhiều nhà đất, tài sản mà không giải trình được nguồn gốc… vào Trung ương. Theo ông, vì sao người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh điều kiện này?

    Ông Hồ Quốc Thái, nguyên Phó Viện trưởng viện Phúc thẩm 1, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

    Ông Hồ Quốc Thái: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý không bỏ sót người có đức, có tài và không để lọt những người không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, những người không xứng đáng, không đủ phẩm chất tư cách vào Ban chấp hành Trung ương. Bởi vì nếu những người đã vướng vào tham nhũng, có phẩm chất đạo đức không trong sáng mà lại được cơ cấu vào cơ quan lãnh đạo của Đảng thì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

    Để loại bỏ những cán bộ tiêu cực, tha hóa, giàu nhanh bất thường thì chỉ dựa vào bộ máy của Đảng, Nhà nước là chưa đủ, mà phải dựa vào ý kiến của nhân dân. Thực tế, trong nhiều nhiệm kỳ qua còn lọt vào Ban chấp hành những ủy viên cơ hội, thiếu năng lực lãnh đạo, thiếu gương mẫu và không có tài năng. Thậm chí, có cả Phó Chủ tịch HĐND mà cũng ngang nhiên chống lại chính sách của Đảng và Nhà nước trong phòng chống dịch covid-19.

    Thông thường đã là ủy viên Trung ương cũng như ủy viên Ban chấp hành các cấp bộ Đảng khác đều giữ những trọng trách trong bộ máy Nhà nước, các tổ chức chính trị ở Trung ương cũng như ở các địa phương. Họ là những người “quản trị đất nước” ở các cấp độ khác nhau. Người quản trị tốt, đất nước bình yên và phát triển nếu không thì ngược lại.

    Vì thế, các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu, các cơ quan tham mưu về cán bộ phải công tâm, khách quan, vô tư, trong sáng. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện qua nhiều kênh, lắng nghe nhiều chiều. Đánh giá cán bộ phải liên tục, xuyên suốt, đa chiều, dựa vào nhiều tiêu chí, phải đánh giá bằng sản phẩm, có so sánh.

    Theo Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, cả nước chỉ có 5 trường hợp vi phạm kê khai tài sản trên tổng số 1,1 triệu người thuộc diện bắt buộc kê khai.

    Tại Hà Nội, năm 2018 chỉ phát hiện 1 trường hợp kê khai không trung thực trong tổng số hơn 34.000 cán bộ thuộc diện phải kê khai theo luật. Năm 2017, Hà Nội cũng báo cáo có 1 trường hợp kê khai không trung thực.

    PV: Vậy theo ông, làm thế nào để nhận diện những khuyết điểm này và không bỏ sót người có đức, có tài?

    Ông Hồ Quốc Thái: Cách đây gần 30 năm (1991), tôi đi dự Đại hội Đảng khối Nội chính TW, tại đó khi tham luận bác Bình Phương-Nguyên Chánh Văn phòng Trung ương đã nói đại ý: Việc cơ cấu chỉ có thể chọn ra người điển hình của vùng miền ấy thôi chứ không chọn ra những người xuất sắc cho Ban chấp hành các cấp bộ Đảng. Trong bối cảnh hiện nay, có người cho rằng, số lượng đảng viên ở nhiều xã, phường rất đông vì thế việc tổ chức đại hội toàn thể gặp khó khăn.

    Tôi nghĩ rằng khó khăn không bao giờ nhiều hơn biện pháp, nhất là với thời 4.0 hiện tại. Việc tổ chức một đại hội toàn thể ở một Đảng bộ như vậy làm sao khó bằng việc tổ chức hội nghị Phong trào không liên kết vừa qua trong mùa dịch bệnh cả thế giới.

    Đảng ta lấy tự phê bình và phê bình làm một trong những công cụ để xây dựng Đảng. “Vũ khí” đó được rèn trên cơ sở quy luật mà C.Mác đã vạch ra: Đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập là nguồn gốc và động lực của sự phát triển. Theo quan điểm của tôi, sử dụng “vũ khí” tự phê bình và phê bình như thế nào cho có hiệu quả trong xây dựng Đảng là việc cấp bách hiện nay.

    Trong hai nhiệm kỳ Quốc hội gần đây có hàng loạt đại biểu bị bãi nhiệm đã phần nào cho thấy những bất cập. Nếu nhân dân thực sự được tham gia vào quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp ở những cấp độ khác nhau thì quyết tâm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ là hiện thực bởi như đồng chỉ đã từng nói rằng: “Dân người ta biết cả đấy”.

    Cán bộ giàu dân biết sao cơ quan thẩm tra không biết?

    PV: Nhiều ý kiến cho rằng, quan giàu hỏi dân ra ngay nhưng vì sao quá trình kê khai tài sản lại không phát hiện ra sai phạm? Phải chăng, chúng ta không kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức?

    Việc kê khai tài sản chưa thực sự phát huy được tác dụng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng chỉ bởi còn mang nặng tính hình thức (Ảnh minh họa).

    Ông Hồ Quốc Thái: Việc kê khai tài sản của cán bộ đảng viên đã được thực hiện hơn 20 năm qua. Mẫu số chung của các năm là 100% người kê khai đúng thời hạn, đúng yêu cầu. Vì sao kê khai tài sản gần như chẳng có gì nhưng khi tham nhũng bị phát hiện thì tiền đâu, ngoại tệ đâu mà lắm thế, mà nhiều thế?

    Muốn việc kê khai tài sản của của cán bộ rõ ràng, minh bạch thì trước hết người đó phải chịu một thiệt thòi về “quyền”- quyền cá nhân. Chúng ta đang tiến hành việc này đối với những cán bộ, đảng viên ứng cử hoặc tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Nếu họ không chịu hy sinh “quyền” thì mặc nhiên họ đã tự loại họ ra khỏi cuộc “chiến đấu” ấy rồi.

    Vì thế Ban Chấp hành Trung ương phải có nghị quyết cụ thể để những người “không chịu hy sinh” đó hoặc là không tham gia hoặc là trót tham gia thì rời bỏ và cuối cùng họ không làm một trong hai thủ tục đó thì xóa tên họ trong danh sách ứng cử hay tham gia vào vị trí mà họ từng nhắm tới.

    Theo quan điểm của tôi, phải công khai, minh bạch danh sách ứng cử. Nếu dân tham gia vào quá trình chuẩn bị đại hội cũng như ở mức độ cần thiết trong Đại hội thì các “ứng viên” cơ hội, tham nhũng, bất tài hay thiếu phẩm chất đạo đức làm gì còn cơ hội để vào cuộc tìm kiếm một vị trí nào đó trong vai trò lãnh đạo nữa.

    Cách sử dụng “vũ khí” trong xây dựng Đảng cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí và các phương tiện truyền thông (kể cả những lời “nghịch nhĩ chân thực”) sẽ cùng với Điều lệ, Nghị quyết, chỉ thị... của Đảng sẽ ngăn chặn có hiệu quả và đẩy lùi những điều mà nhà báo đặt ra.

    PV: Thực tế, nhiều cán bộ quan chức đều có tài khoản ngân hàng mở tại nước ngoài và tài sản, bất động sản… “núp bóng” người nhà, người thân. Vậy làm sao có thể “điểm mặt chỉ tên” từng tài sản bất chính, thưa ông?

    Ông Hồ Quốc Thái: Đây cũng là chuyện hy sinh “quyền” của cán bộ, đảng viên muốn có cho mình một vị trí lãnh đạo trong Đảng hay trong bộ máy chính quyền các cấp. Quan chức kê khai tài sản không trung thực- việc này dân biết cả đấy nhưng vấn đề do hệ thống pháp luật quy định lại khó kiểm soát và vấn đề các cơ quan thẩm tra có làm tới cùng hay không?

    Tôi có biết một cán bộ cấp cao của một nhiệm kỳ trước. Bà chị của vợ ông ta là một nông dân ở tỉnh H.T tặng cho vợ ông ta một bất động sản tại Hà Nội. Thủ tục được thực hiện tại một văn phòng công chứng. Theo luật Công chứng thì không được tiết lộ giao dịch này.

    Từ câu chuyện này, tôi nhớ có một câu chuyện ở nước Mỹ rằng: Hiến pháp Mỹ công nhận những công dân được sinh ra ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có quốc tịch Hoa kỳ. Nhưng đạo luật nhập cư của Mỹ thì việc người đang mang thai nhập cư vào nước Mỹ không phải dễ dàng gì. Nói thế để thấy rằng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn có những quy phạm để biết được những điều gì mà luật Công chứng bị ràng buộc.

    Luật Phòng chống tham nhũng của chúng ta cũng có những quy định làm hạn chế “quyền” hoặc ràng buộc những đối tượng điều chỉnh cụ thể. Tuy nhiên những vấn đề chưa minh bạch, chưa thực sự công khai Quốc hội phải nghiên cứu để bổ sung hoặc sửa đổi cho thực sự có hiệu quả trong phòng ngừa và chống tham nhũng. Vấn đề chống tham nhũng hiện nay là vấn đề của toàn cầu vì thế nó không trái với những công ước quốc tế và không đụng chạm gì đến vấn đề nhân quyền bởi tham nhũng là tội phạm.

    PV: Xin cảm ơn ông!

    Gần 100 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý bị kỷ luật

    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết về "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng".

    Trong bài viết Tổng Bí Thư nêu thực tế: “Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội... trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến quyền lợi, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự”.

    Hương Lan

    Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (75)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-bo-giau-nhanh-bat-thuong-phat-hien-khong-kho-van-de-co-lam-hay-khong-a323523.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.