+Aa-
    Zalo

    Cảm phục người phụ nữ nghèo 79 lần hiến máu cứu người

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hàng chục năm âm thầm hiến máu cứu người, nhưng chưa bao giờ bà đòi hỏi gì từ việc làm này. Với bà, đó là việc nên làm, có ý nghĩa cho cộng đồng và xã hội...

    (ĐSPL) - Hàng chục năm âm thầm hiến máu cứu người, nhưng chưa bao giờ bà đòi hỏi gì từ việc làm này. Với bà, đó là việc nên làm, có ý nghĩa cho cộng đồng và xã hội, một nghĩa cử cao đẹp. Bà bất ngờ khi được biết, mình là cá nhân tiêu biểu trong phong trào tình nguyện quốc gia.

    Giấy xác nhận kỷ lục người hiến máu nhiều nhất Việt Nam. (Ảnh Ái Minh)

    Thương người hơn cả thương thân

    Sinh ra và lớn lên trong gia đình lao động nghèo nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (52 tuổi, ngụ quận 8, tạm trú xã Tân Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM), luôn có tâm nguyện giúp đỡ những người nghèo khổ hơn mình. Cách đây 20 năm, trong một lần đi thăm bạn nằm tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, bà Nhàn không kìm được nước mắt khi chứng kiến cảnh một bệnh nhi bị bệnh máu trắng, nhưng không có tiền để thay máu. Qua hỏi thăm, bà biết được bệnh nhi này khoảng 6 tuổi, có hoàn cảnh rất éo le. Cha mẹ làm công nhân nhưng được đồng nào đều chắt chiu để truyền máu cho con. Sau khi bán hết gia sản, khánh kiệt, người mẹ trẻ vẫn không có đủ tiền cho con chữa bệnh.

    Chứng kiến cảnh người mẹ trẻ ôm con khóc sướt mướt bên hành lang, bà không cầm được nước mắt: “Tôi thấy xót xa cho hoàn cảnh của hai mẹ con họ. Sau khi hỏi chuyện xong, tôi chạy thẳng vào phòng y tá đề nghị cho máu cứu bệnh nhi này. “Cô y tá ơi, cô có nhận máu của tôi để cứu bệnh nhi này không”. Tuy nhiên, y tá cho biết, việc cho máu không thể làm vội được. Bệnh nhân cho máu phải nhịn ăn buổi sáng, làm các xét nghiệm, thử máu, sau đó hai ngày mới có thể hiến máu được, số máu hiến một người không thể đủ cho bệnh nhi này. Thế rồi tôi đành về nhà tại quận 8. Như đã hẹn, hai ngày sau, tôi đón xe bus, rồi đi xe ôm xuống bệnh viện Đa khoa Bình Dương để hiến máu”.

    Kỷ niệm khó quên với những lần hiến máu đầu tiên của bà Nhàn là những chuyến đi kéo dài hàng giờ đồng hồ. Thậm chí, đó còn là những bước đi mệt mỏi rã rời sau khi hiến máu. Bà kể: “Mỗi lần hiến máu tôi phải đi bốn chuyến xe bus, sau đó tự bỏ tiền đón xe ôm vào bệnh viện. Những hôm hết tiền, tôi đành đi bộ. Vì lấy máu thì phải nhịn ăn sáng, nên sau khi hiến máu xong tôi đã mệt, đói bụng, lại phải đi bộ cả cây số mới đón được xe bus. Những lúc như thế tôi cũng tự hỏi, không biết tại sao mình cứ tự đày đọa bản thân mình, có lúc tôi cũng định bỏ cuộc. Nhưng rồi hình ảnh hai mẹ con bệnh nhi ôm nhau khóc vì không có tiền truyền máu, nghĩ tới bao nhiêu bệnh nhân khác đang rất cần máu, tôi lại quên đi tất cả”.

    Biết hành động hiến máu cứu người là việc tốt, nhưng bà Nhàn kiên quyết không tiết lộ chuyện này cho gia đình biết vì sợ bị ngăn cản, nếu chẳng may hiến máu mà lây bệnh thì gia đình biết xoay xở thế nào. Mặc dù được các bác sỹ, nhân viên y tá tư vấn tận tình rằng, quy trình hiến máu sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe của người đi hiến máu, các khâu an toàn vệ sinh, số lượng máu mỗi lần hiến sẽ tuân theo quy định chung của Bộ Y tế nhưng nhiều người dân vẫn chưa nhận thức được vấn đề này. Khác với thực tế, nhiều lần bà Nhàn hiến máu về cảm thấy tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt hơn. Và, đặc biệt không hề có chuyện lây bệnh như nhiều người đồn đoán.

    Hiến máu tới 79 lần!

    Thời gian đi làm công nhân thủy hải sản tại quận 8, thấy người ta treo băng rôn khẩu hiệu hiến máu cứu người, bà cũng tò mò nhiều lần muốn đi, nhưng chưa có cơ hội, chuyến đi thăm bạn tại bệnh viện đa khoa Bình Dương, ước muốn của bà mới trở thành hiện thực. Do nhà ở xa, nên sau này bà chuyển về hiến máu tại trung tâm Hiến máu Nhân đạo TP.HCM. Kể từ lần hiến máu đầu tiên đến đầu năm 2015, bà Nhàn đã hiến máu tình nguyện 79 lần với tổng hơn 20 lít máu cho trung tâm Hiến máu Nhân đạo TP.HCM. Thời điểm hiện tại, bà được cho là người có số lần hiến máu nhiều nhất Việt Nam.

    Thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống là lúc bà Nhàn phải làm thuê làm mướn đủ thứ nghề như giúp việc, buôn bán nhỏ... nuôi đàn con thơ gồm năm đứa đang tuổi ăn tuổi học. Lúc đó bà vẫn phải thuê nhà trọ ở. Bà kể lại: “Hai chục năm trước, giá thuê nhà trọ của vợ chồng tôi chỉ 40 ngàn đồng/tháng. Nhiều người bảo tôi sao không đi bán máu lấy tiền đóng tiền nhà (một chai máu tôi hiến lúc đó (nếu bán) có giá 62 ngàn đồng). Tôi nói lại với họ rằng, với tôi tiền cũng cần lắm, nếu không có tiền con tôi không biết ăn gì để sống, để lớn. Nhưng máu của tôi không phải là hàng hóa để mua bán. Bên ngoài xã hội nhiều người còn nghèo khổ hơn tôi. Tôi thương họ nên mới tình nguyện hiến máu để cứu giúp”.

    Bà Nhàn kể về chuyện mình đi hiến máu. (Ảnh Ái Minh)

    Càng về sau, chuyện hiến máu được bà Nhàn quan niệm chẳng có gì lớn lao. Việc làm đó như một thói quen với bà. Tất cả cũng chỉ xuất phát từ tấm lòng nhân hậu, thương người như thể thương thân. Nhiều người còn thản nhiên bảo bà Nhàn: “Sao chị dại thế, có máu nhiều không biết đường bán lấy tiền tiêu xài cho đã, cho người ta nhưng có ai cho lại mình đâu”. Rồi có người còn cho bà là người không bình thường. Nhiều người phản đối nhưng bà vẫn không bỏ cuộc. Bà cho hay, chừng nào mình còn sống, những việc còn có ích lợi cho người khác thì vẫn nên làm.

    Cho rằng một mình hiến máu sẽ chẳng được bao nhiêu, bà vận động người dân quận 8 đi hiến máu. Ban đầu họ sợ, nên không dám tin là hiến máu sẽ an toàn. Ngay lúc đó, bà xung phong đi đầu, có những thời điểm thẻ hiến máu của bà đã hết tiêu chuẩn hiến nhưng vì muốn được mọi người tin tưởng, bà mượn thẻ người khác để hiến máu. Bà chia sẻ: “Muốn vận động người khác làm thì mình phải có hành động cụ thể họ mới tin. Có năm tôi hiến 5 lần, thậm chí 7 lần. Trong khi quy định của bộ Y tế chỉ 3 lần. Sau khi thấy tôi hiến máu không có vấn đề gì nên nhiều người đã tự động đi hiến máu, có gia đình cả ba thế hệ đều tự nguyện hiến máu”.

    Với sự nhiệt tình và việc làm ý nghĩa của mình, bà Nhàn đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các tổ chức, ban ngành. Năm 2010, bà được xác lập kỷ lục gia hiến máu nhiều nhất Việt Nam. Mới đây nhất, tối 18/1/2015, bà là một trong năm cá nhân tiêu biểu được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào tình nguyện Quốc gia năm 2014. Nói về giải thưởng, bà Nhàn tâm sự: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng hiến máu là có giải thưởng hay giấy khen này nọ. Tôi chỉ làm việc theo lương tâm mình và mong muốn góp chút công sức vì cộng đồng, đồng thời, cũng là tích đức cho con cháu về sau”.

    Hiện nay, với cuộc sống khó khăn, bệnh đau xương khớp tái diễn, nhưng bà vẫn chăm chỉ đi giúp việc nhà, thời gian rảnh bà nhận giặt quần áo thuê để kiếm sống. Suốt 27 năm qua, tuy nghèo, phải đi thuê nhà trọ triền miên, trong căn nhà trọ nhỏ bé tại huyện ngoại ô thành phố, bà ở cùng các con cháu với giá 4 triệu đồng/tháng, nhưng bà vẫn khẳng định sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ để có sức khỏe sống và tiếp tục hiến máu. Bà tâm sự: “Tôi chỉ ước mơ về già có được chiếc xe đẩy bán bánh mỳ, bán nước mía để có tiền trang trải cuộc sống và tự bảo vệ sức khỏe của mình”.

    Người hiến máu tình nguyện tiêu biểu

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, bà Phạm Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc trung tâm Hiến máu Nhân đạo TP.HCM cho biết: “Bà Nhàn là một trong những người hiến máu tình nguyện tiêu biểu tại trung tâm chúng tôi. Ngoài việc bản thân tự nguyện đi hiến máu nhân đạo, bà còn vận động được hơn 20 người dân khác cũng đến hiến máu tại trung tâm. Chúng tôi luôn ghi nhận thành tích của bà. Hành động hiến máu cứu người của bà Nhàn là một nghĩa cử cao đẹp đáng học hỏi”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-phuc-nguoi-phu-nu-ngheo-79-lan-hien-mau-cuu-nguoi-a83902.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan