+Aa-
    Zalo

    Cảm phục người "hiệp sĩ" vì nghĩa ngăn chặn hơn 500 vụ cướp ở Sài Gòn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thoạt nhìn, ít ai nghĩ người đàn ông có nước da ngăm đen, vóc dáng bé nhỏ và nhiều hình xăm trên cơ thể lại chính là một “hiệp sĩ đường phố” dũng cảm

    Thoạt nhìn, ít ai nghĩ người đàn ông có nước da ngăm đen, vóc dáng bé nhỏ và nhiều hình xăm trên cơ thể lại chính là một “hiệp sĩ đường phố” dũng cảm, nhiều năm liền làm việc nghĩa vì cái tâm, không tư lợi cá nhân và đúng theo quy định của pháp luật. Đến tận bây giờ, ông vẫn chạy chiếc xe cà tàng, ở nhà thuê, nhưng tình cảm bà con dành cho ông thì đong đầy theo năm tháng, vì chẳng mấy ai sẵn sàng bỏ công ăn việc làm để đi “vác tù và hàng tổng” như ông.

    Hơn 20 năm đi bắt cướp

    Từng ngăn chặn nhiều vụ cướp, ông Trần Văn Hoàng (SN 1968, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM), Đội trưởng đội “hiệp sĩ đường phố” quận Tân Bình được người dân TP.HCM mến mộ bởi sự bộc trực, ngay thẳng, bất chấp hiểm nguy. Vì cái nghĩa, cái tình, ông sẵn sàng tay không bắt cướp hoặc mang danh “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

    Ông Hoàng không có hình thể cơ bắp, tráng kiện như các hiệp sĩ được miêu tả trong truyện cổ tích mà mang vóc dáng nhỏ bé, chỉ cao hơn 1m50. Như báo chí đã đưa tin, vào Sài Gòn lập nghiệp được mấy năm, ông thành gia lập thất với người vợ nghèo hệt như mình. Ông vật lộn mưu sinh với đủ nghề, từ đạp xích lô, chạy ba gác rồi dừng lại ở nghề xe ôm. Gia tài mà ông gây dựng sau bao năm đi bắt cướp vẫn chỉ là chiếc xe cà tàng, vợ chồng ông vẫn ở nhà thuê, kinh tế trăm bề khốn khó. Nhưng hoàn cảnh đó không thể quật ngã lòng dũng cảm và bản lĩnh phi thường trong người “hiệp sĩ” ấy.

    Sở dĩ ông dấn thân làm việc nghĩa vì những bất bình trong cuộc sống đời thường mà ông từng chứng kiến. Ông kể, có người dân nghèo bán hết tài sản trong nhà được mấy cây vàng để chữa bệnh nhưng cuối cùng lại bị bọn cướp trắng trợn cướp sạch. Lần khác, ông lại chứng kiến bạn của mình, một “hiệp sĩ đường phố” bị cướp truy sát dẫn đến tử vong. Thấy vậy, ông chỉ muốn ra tay truy bắt những tên cướp làm đảo lộn cuộc sống bao người dân vô tội. Niềm đam mê bắt cướp trong ông nhen nhóm rồi ngấm vào máu thịt ông từng ngày.

    "Hiệp sĩ" Trần Văn Hoàng (bên trái) nhận bằng khen.

    Theo báo Lao động, trận đầu của ông là màn chạy bộ đuổi theo hai tên trộm xe máy trên đường Trường Chinh, dùng tay không tước dao rồi giải về đồn công an. Nhiều thanh niên vì nể cái tính bộc trực và những hành động quả cảm đã theo ông học “nghề” bắt cướp từ hơn chục năm trước; trong số đó có cả những “hiệp sĩ” lừng danh một thời. Ông Hoàng được họ gọi bằng chú, bằng anh, bằng thầy với tất cả sự tôn trọng, mến yêu. 25 năm hành hiệp, ông đã ngăn chặn hơn 500 vụ cướp tại TP.HCM, được tặng nhiều bằng khen từ công an, chính quyền địa phương nơi sinh sống. Cay cú vì bị cản trở “việc làm ăn”, bọn cướp nhớ mặt, đến đe dọa ông hàng chục lần nhưng điều đó chỉ khiến ông thêm quyết tâm làm việc nghĩa.

    Từng bị chém hụt tại nhà

    Như chúng tôi đã đưa tin, ông Hoàng cùng với các thành viên trong đội “Hiệp sĩ” quận Tân Bình, TP.HCM đã phát hiện ra nhóm đối tượng trộm xe SH trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 3, quận 3, TP.HCM. Trong quá trình truy đuổi, ông Hoàng bị đâm trọng thương, phải nhập viện trong tình trạng mất nhiều máu, có vết thương ở ngực trái do bị chém, rách màng ngoài tim, thủng phổi, vết thương thấu bụng rách gan, rách dạ dày... Sau khi nhập viện, ông được các bác sĩ phẫu thuật, khâu vết thương. Trò chuyện với PV, bà Trương Thị Xí (42 tuổi) vợ ông Hoàng cho hay, khi vừa nghe tin dữ, bà bồn chồn lo lắng, tức tốc chạy đến bệnh viện thăm nom. Tuy nhiên, khi đến nơi, các bác sĩ không cho người nhà bệnh nhân vào thăm vì đang tiến hành phẫu thuật. Bà phải chờ đến sáng hôm sau mới được tận mắt nhìn chồng, nghe chồng nói chuyện vài câu. Đến lúc này, bà mới trút được tảng đá đè trong lòng mình.

    “Từ năm 1995 chồng tôi đã tham gia phá nhiều vụ trộm cướp trên địa bàn thành phố. Lúc đầu, tôi thấy các đối tượng tội phạm thường đe dọa tính mạng ông ấy nên can ngăn ông đừng tham gia”, bà Xí kể. Sau nhiều lần bị vợ can ngăn, ông Hoàng giải thích cho bà Xí hiểu rằng, ông không chịu nổi khi chứng kiến bọn trộm cướp hoành hành, ngang nhiên làm khổ nhiều người dân vô tội.

    Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, ban ngày phải chạy xe ôm kiếm sống, đêm đêm phụ giúp vợ bán áo mưa để nuôi con nhưng “hiệp sĩ” Hoàng không bao giờ quên nhiệm vụ bắt cướp. Biết chồng không thể từ bỏ niềm đam mê của mình, bà Xí tìm cách động viên, chia sẻ cùng ông nhất là sau những lần bị các đối tượng hù dọa, thậm chí vác mã tấu đến nhà đòi thanh toán.

    Lãnh đạo TP.HCM tới bệnh viện Nhân Dân 115 thăm "hiệp sĩ" Trần Văn Hoàng.

    Cũng theo bà Xí, trước những tin nhắn, cuộc gọi của bọn tội phạm đe dọa "sẽ chém rớt đầu" chồng, bà từng lo lắng, thậm chí cắt tóc cầu an cho chồng. Bà cho biết, khoảng 3 hay 4 năm về trước, hai vợ chồng bà đang ngồi trong nhà, bỗng dưng có 2 tên cướp dùng mã tấu xông vào nhà đòi “xử” ông Hoàng. Tuy nhiên, vợ chồng ông đã kịp thời né tránh. “Nếu chồng tôi chậm chạp chút và không né kịp có thể đã bị chém tử vong rồi”, bà Xí nhớ lại.

    Khi khoẻ lại sẽ tiếp tục truy bắt tội phạm

    Theo bác sĩ Trương Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê hồi sức Ngoại, bệnh viện Nhân Dân 115, sức khỏe ông Hoàng hiện tiến triển tốt, vừa được ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt. Trên giường bệnh, ông Hoàng chia sẻ, thời gian qua, luôn có vợ con đồng hành khích lệ ông trong việc ngăn chặn tội phạm. “Hai mấy năm bắt cướp tới giờ, tôi luôn được bà xã và con khích lệ tinh thần. Cuộc sống gia đình, một mình bã xã tôi lo hết. Bà xã biết tôi có niềm đam mê bắt cướp nên không ngăn cản tôi mà luôn ủng hộ tôi”, ông tâm sự.

    Ông Hoàng cũng thay mặt gia đình chân thành cảm ơn cơ quan chức năng, mạnh thường quân, bạn bè, anh em, người dân khắp nơi đã đến động viên, thăm hỏi, giúp ông vượt qua khó khăn lần này. Ông Hoàng khẳng định, sau khi khỏe lại, ông sẽ tiếp tục truy đuổi, bắt tội phạm trên địa bàn thành phố.

    Cảm kích trước hành động cao đẹp của các "hiệp sĩ đường phố”, những ngày qua đoàn lãnh đạo TP.HCM, đại diện các ban, ngành, đoàn thể trên TP.HCM đã đến thăm hỏi. Đồng thời, các "hiệp sĩ" được trao tặng bằng khen và huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.

    Đề nghị trang bị áo giáp cho các “hiệp sĩ đường phố”

    Nghe xong chuyện ông Hoàng gặp tai nạn trong khi bắt cướp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Công an TP.HCM mua áo giáp để trang bị cho các “hiệp sĩ đường phố” để đảm bảo an toàn cho họ. Chi phí để sắm áo giáp cho các “hiệp sĩ” sẽ được Thành ủy vận động từ các doanh nghiệp, đơn vị tư nhân trên địa bàn thành phố. Bí thư Thành ủy TP.HCM đã thay mặt lãnh đạo và nhân dân thành phố cảm ơn nghĩa cử cao đẹp, không quản nguy hiểm, xả thân bảo vệ bình yên cho thành phố của các “hiệp sĩ”.

    Lành Nguyễn

    Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật tháng số 21

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-phuc-nguoi-hiep-si-vi-nghia-ngan-chan-hon-500-vu-cuop-o-sai-gon-a230791.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan