+Aa-
    Zalo

    Cảm phục người đàn ông tặng gia tài 100 tỷ đồng cho trẻ mồ côi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không chỉ nhận nhiều đứa trẻ không nơi nương tựa về nuôi, ông Bùi Công Hiệp (TP.HCM) còn trao tặng cả gia tài gồm 1 ngôi nhà và 2500m2 đất cho chính những trẻ mồ côi này.

    Không chỉ nhận nhiều đứa trẻ không nơi nương tựa về nuôi, ông Bùi Công Hiệp (TP.HCM) còn trao tặng cả gia tài gồm 1 ngôi nhà và 2500m2 đất cho chính những trẻ mồ côi này.

    Cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần. Ảnh: Vietnamnet.

    Cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần là một ngôi nhà 3 tầng rộng rãi khang trang được xây dựng trên mảnh đất có diện tích 2500m2 (Phường Long Trường, quận 9, TP.HCM).

    Chia sẻ với Vietnamnet, ông Bùi Công Hiệp (Phường Long Phước, quận 9, TP.HCM) cho biết, toàn bộ thửa đất 25000m2 và ngôi nhà 3 tầng có trị giá hơn 100 tỷ trên đã được ông chuyển sở hữu cho tất cả các bé mồ côi. Toàn bộ những việc làm của ông nhằm lo cho các bé đều nhận được sự đồng thuận cao của vợ con.

    Chia sẻ với báo chí về bản hợp đồng tặng quyền sở hữu đã ra công chứng, ông Hiệp nói, “Mình phải nghĩ đến lúc chúng lớn, ra đời lỡ sa cơ thất thế chúng còn nơi để mà về”.

    Ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó chủ tịch UBND quận 9 xác nhận, cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần của ông Bùi Công Hiệp được quận cấp giấy phép hoạt động từ năm 2010.

    Đây là nơi nuôi dưỡng các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Quận rất quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở các điều kiện về pháp lý để các cháu được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo qui định.

    Bà Phạm Hoàng Lan, vợ ông Hiệp, kể với tờ Tuổi Trẻ, vào năm 2010 có hai dì cháu từ miền Trung vô TP.HCM làm gần xưởng cơ khí của gia đình. Người dì bán đậu hũ. Cô cháu đi làm công nhân "bị người ta gạt có em bé". Sau đó, người cháu để lại con cho dì nuôi. Một thời gian sau vì khó khăn quá người dì cũng về quê, để lại em bé nhờ vợ chồng bà Lan nuôi giúp.

    "Bé đó hiện được con gái lớn của vợ chồng tôi nhận làm con nuôi. Sau lần đó, một người rồi hai, ba đến mấy chục người... cứ đem tới gửi. Không đành lòng để các con bơ vơ, vợ chồng tôi quyết định nhận nuôi đến tận bây giờ" - bà Lan kể thêm. Hiện tại, mái ấm Thiên Thần do ông Hiệp đứng tên có 85 trẻ mồ côi. Đứa nhỏ nhất hơn hai tháng tuổi, những đứa lớn nay đã vào lớp 1.

    Phần lớn các bé đều được mẹ đứng tên trong giấy khai sinh. Những dấu vết, đồ vật trên người bé lúc nhận, ông Hiệp đều lưu giữ với mong muốn sau này con lớn lên muốn tìm lại mẹ sẽ dễ hơn.

    "Hầu hết những người mẹ trực tiếp gửi, tôi đều nhờ đứng tên khai sinh. Nếu sau này ổn định cuộc sống, thậm chí có gia đình mới vẫn yên tâm mình có một đứa con đang ở đây, muốn quay lại tìm con thì vẫn còn cơ hội gặp...".

    Những đứa trẻ không nơi nương tựa được ông Hiệp nhận về nuôi cho ăn học. Ảnh: Tuổi Trẻ.

    Mái ấm có 10 bảo mẫu được ông Hiệp thuê thay phiên chăm sóc trẻ. Nhưng những việc như nấu ăn, đưa đón các con đi học mỗi ngày, lo cho các con ngủ mỗi trưa, mỗi tối đều do ông Hiệp tự tay làm.

    Cô Võ Dung Hạnh, quản lý mái ấm, kể: "Hằng ngày 4h là chú dậy nấu ăn cho các con. Con ăn xong, chú lái xe đưa đi học. Về là chú lại xuống bếp dọn rửa, nấu bữa trưa. Ròng rã như vậy cũng đã bảy, tám năm nay".

    Ngoài mong muốn các con khỏe mạnh, ông Hiệp cũng quan tâm việc khi lớn lên, ra khỏi mái ấm các con phải biết bơi lội và đặc biệt là ngoại ngữ, tin học.

    "Tôi không đặt nặng vào kiến thức học ở trường. Tôi quan trọng các kỹ năng để con sinh tồn, bảo vệ bản thân mình. Còn ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc để con phát triển, hòa nhập với thế giới. Con muốn có những kiến thức mới mẻ, được hiểu biết rộng mở phải có ngoại ngữ để đọc sách báo, tài liệu nước ngoài, tự trau dồi kiến thức để sau này kiếm kế sinh nhai... Tôi muốn con có đầy đủ phẩm chất của một người tử tế, đặc biệt là trái tim lúc nào cũng rộng mở và cuộc sống hạnh phúc" - ông Hiệp trải lòng.

    Để nuôi dạy trẻ tốt hơn, cô Dung Hạnh kể "rảnh tay là chú đem sách ra đọc, có cả sách tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Buổi tối, sau khi các con ngủ, chú lên mạng học tiếng Anh, đọc tài liệu thêm tới tận khuya mới ngủ".

    Ông Hiệp giải thích: "Hiện giờ tôi phải chuyên đọc sách nấu ăn để nấu cho các con đủ chất, đặc biệt phải tìm hiểu về mảng giáo dục. Mình phải đọc nhiều để có cái nhìn bao quát về giáo dục thế giới. Tương lai các bé lớn lên sẽ trở thành công dân thế giới, phải hội nhập nên mình cần biết để chuẩn bị đầy đủ kỹ năng cho các con. Quan trọng phải học tiếng Anh, phải giao tiếp được để sau này còn nói chuyện với tụi nó chứ...".

    Hơn một năm trước, ông Hiệp cũng theo học một khóa phương pháp giáo dục Montessori vào buổi tối ở trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) để áp dụng trong việc giáo dục trẻ ở mái ấm.

    Thanh Tùng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-phuc-nguoi-dan-ong-tang-gia-tai-100-ty-dong-cho-tre-mo-coi-a291360.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan