Sau hơn 2 ngày “quên ăn”, nhóm của anh Lê Văn Thành đã cùng nhau đưa được hơn 300 người dân ở các thôn: Ái Quốc, Phú Thượng và Trần Phú tới khu vực an toàn.
Anh Lê Văn Thành kể lại cuộc giải cứu người trong dòng lũ. Ảnh: Zing.vn |
Khoảng 17h ngày 18/10, anh Lê Văn Thành đang đi đánh cá khu vực gần nhà, phát hiện nước lũ lên nhanh, anh tất tả chạy về cùng cả nhà với ý định kê cao đồ đạc, chuẩn bị thuyền cho vợ con phòng trường hợp nước lũ dâng cao.
Lúc này, nước lũ từ hồ Kẻ Gỗ cuồn cuộn đổ về, chỉ trong thời gian ngắn toàn bộ 12 thôn thuộc xã Cẩm Duệ chìm trong biển nước. Tiếng mọi người gọi nhau chạy lũ, tiếng kêu cứu, la hét, của người dân làm vùng quê trở nên hỗn loạn chưa từng có.
Khi vợ con đã cơ bản an toàn, anh Thành gọi thêm 3 người khác là anh Lê Văn Công (em trai anh Thành), anh Phạm Văn Đồng và em Đậu Văn Hoàng chèo thuyền vượt dòng nước chảy xiết đến tận nhà người dân để đưa họ thoát khỏi cơn lũ.
Cứu được gia đình này thì gia đình khác kêu cứu, cứ thế, sau hơn 2 ngày “quên ăn”, nhóm của anh Lê Văn Thành đã cùng nhau đưa được hơn 300 người dân ở các thôn: Ái Quốc, Phú Thượng và Trần Phú tới khu vực an toàn.
“Nếu sợ chết, chúng tôi đã không làm. Nhưng chúng tôi cũng có chút lo sợ đò mà bị lật giữa dòng lũ thì nguy hiểm tính mạng cho họ”, anh Đồng nhớ lại.
Đến giờ, các anh đã cảm thấy nhẹ nhõm khi người dân khu vực mình sống được an toàn qua đợt mưa lũ. “Việc đó, chúng tôi phải làm chứ không có gì to tát cả. Chúng tôi làm nghề đánh cá trên sông, thông thuộc địa bàn nên có kinh nghiệm thôi”, anh Thành khiêm tốn.
Trao đổi với Zing, ông Võ Tá Kỷ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, cho biết trong cơn lũ vừa qua, địa phương có nhiều tấm gương đáng được khen ngợi, trong đó có nhóm của anh Thành.
“Các anh ấy rất nhiệt tình, tâm huyết, không quản ngại khó khăn để cứu được nhiều người dân trên địa bàn đi sơ tán. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm đề xuất khen thưởng, động viên cho nhóm anh Thành vì hành động dũng cảm này”, ông Kỷ nói.
Nhiều ngày nay, anh Nguyễn Hữu Nam (40 tuổi) cũng lênh đênh cùng con thuyền của mình len lỏi khắp nơi vùng rốn lũ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Anh Nam cũng không nhớ anh cùng các ngư dân khác đã đi bao nhiêu chuyến ra vào vùng lũ để cứu trợ ngư dân.
“Mấy anh em chưa có một giấc ngủ, ăn thì cũng chỉ mì tôm sống bởi không có thời gian để pha chế mà ăn. Dù vất vả nhưng nghĩ về những người dân còn mắc kẹt đang chờ tiếp tế thì anh em chúng tôi lại động viên nhau cùng cố gắng.
Người dân vùng biển chúng tôi là vậy, họ sống với nhau bằng tình người. Và tôi mong rằng, thứ tình cảm đặc biệt ấy sẽ được chia sẻ nhiều hơn ngay hoàn cảnh khó khăn, khốn khổ này”, anh Nam buồn bã nói.
Mộc Miên (T/h)