+Aa-
    Zalo

    Cảm phục người đàn ông chạy xe hơn 12km để dập lửa vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khi nghe tin cháy rừng, ông Đậu Văn Tiến vội khoác chiếc áo bảo hộ, cầm theo cưa máy chạy 12km, vượt núi băng rừng để dập lửa.

    Khi nghe tin cháy rừng, ông Đậu Văn Tiến vội khoác chiếc áo bảo hộ, cầm theo cưa máy chạy 12km, vượt núi băng rừng để dập lửa.

    Vụ cháy rừng kinh hoàng tại Hà Tĩnh đã qua đi nhưng câu chuyện về người đàn ông băng rừng dập lửa đang được dư luận trầm trồ ngợi khen trong những ngày gần đây.

    Đó là ông Đậu Văn Tiến (SN 1966, trú tại thôn 8, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

    Người hùng chống "giặc lửa" Đậu Văn Tiến - Ảnh: Báo Văn hóa

    Tiên phong mở đường băng cản lửa

    Ông Tiến kể, khoảng 13h ngày 28/6, ông nhận được cuộc gọi nhờ lên khu vực rừng thuộc thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) dập lửa. Vừa nghe tin, ông Tiến vội khoác chiếc áo bảo hộ, cầm theo cưa máy chạy 12km lên khu vực cháy. Từ xa thấy khói bốc cao nghi ngút, ông Tiến vội vứt xe ngay nghĩa trang rồi bám cây leo dốc đi lên.

    Sau khi phán đoán hướng cháy, ông và các chiến sĩ, bộ đội đang làm nhiệm vụ tại đây quyết định tạo đường băng ngăn đám cháy. Là người sử dụng cưa máy thành thạo, ông Tiến xung phong đi trước để cưa những cây lớn, các cây tạp, còn các chiến sĩ đi phía sau dọn dẹp thông thoáng cây để ngăn cách đám cháy.

    Đến gần 23h đêm 28/6, khi đám cháy đầu tiên cơ bản được khống chế, ông chỉ kịp uống ngụm nước rồi ngả lưng ngay trên đường băng vừa tạo ra để chợp mắt một lúc.

    Lúc này, mọi người mới chia nhau một chút thức ăn. Nhưng suất cơm ông chưa kịp ăn thì đến 3h sáng 29/6, lửa bùng cháy lại, ông cùng các lực lượng lại hối hả tiếp tục công việc.

    “Lúc đó, cứ thấy cháy là tôi lại nóng ruột chẳng biết bụng có đói không nữa. Không chỉ riêng tôi mà mọi người tại đây tuy mệt rã rời nhưng có lệnh tất cả đều như một chiếc công tắc, sẵn sàng làm nhiệm vụ”, ông Tiến cho hay.

    Đến gần sáng ngày 29/6, khi đám cháy thứ 2 được dập, ông Tiến mới tranh thủ xuống một quán bên đường ăn vội suất cơm hộp. Nhưng chỉ vừa được vài thìa cơm, chuông điện thoại lại đổ, lúc này ngọn lửa bùng phát tại khu vực rừng tại thôn 7, thôn 8, xã Xuân Hồng. Nuốt vội miếng cơm, ông Tiến lại tiếp tục cầm cưa đến điểm cháy.

    Suốt 3 ngày đêm chiến đấu với giặc lửa, một mình ông đã dùng cưa máy cưa hàng ngàn gốc cây, tạo được hàng trăm mét đường băng cản lửa. Chính nhờ phương pháp này mà trong những ngày liên tiếp xảy ra cháy rừng, trên địa bàn huyện Nghi Xuân đã bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

    Quá trình cắt cây làm đường băng, ông Tiến bị thương ở đùi và tay vì không may bị nhánh cây đâm trúng. Không một lời kêu ca, ông lấy dao cắt mảnh vải áo, cột ngay vào vết thương ngăn không cho máu chảy ra để tiếp tục công việc. Cứ như vậy, ông Tiến cùng mọi người làm nhiệm vụ này suốt 3 ngày 2 đêm. Đến trưa 1/7, khi ngọn lửa đã tắt hoàn toàn, ông mới trở về nhà để nghỉ ngơi.

    Nói về vết thương băng bó trên tay và chân mình, ông Tiến kể lại: “Lúc đó tôi đang cưa cây thì phần xích bị đứt cắt vào chân. Vết cắt dài khoảng 7-8 cm nhưng khá sâu khiến máu phun trào ra. Tôi xé túi áo bịt máu lại rồi tiếp tục cùng mọi người cắt cây làm đường băng cản lửa. Vết thương trên tay thì không may trong lúc cắt cây một cành nhỏ đâm xuyên vào…”.

    Sau những ngày tham gia cứu rừng, ông Tiến có nhiều thương tích trên người - Ảnh: Lao động

    Người hùng thầm lặng trong việc chống “giặc lửa”

    Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ, cho biết sau khi tham gia chiến đấu tại chiến trường ở nước bạn Lào, ông Tiến trở về địa phương lấy vợ sinh con.

    Ở quê, ông Tiến là một cựu binh đầy trách nhiệm và nhiệt huyết khi luôn tiên phong tham gia các công việc cộng đồng, đặc biệt là trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

    “Phòng chống cháy rừng là trách nhiệm của toàn dân và toàn quân. Rừng chính là lá chắn cho người dân trong những ngày xảy ra mưa bão, là lá phổi xanh điều hòa nhiệt độ trong những ngày nắng nóng. Hiểu được tầm quan trọng này, thấy người dân ở xã cạnh bên có rừng bốc cháy nên ông Tiến đã xung phong lao lên rừng để dập lửa. Chúng tôi rất tự hào vì ông Tiến”, ông Anh nói.

    Nói về hành động đầy trách nhiệm của ông Tiến, ông Phạm Tiến Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: "Ông Tiến quả là người hùng thầm lặng trong việc chống 'giặc lửa'. Mặc dù sau vụ cháy, chính quyền địa phương có gửi ông ít tiền gọi là thù lao, nhưng ông nhất quyết không nhận. Mời ông ăn bữa cơm để cảm ơn nhưng ông cũng kiên quyết từ chối".

    Theo ông Hưng, ông Tiến hiện đang sinh hoạt tại Hội Cựu chiến binh xã Xuân Phổ, năm nào cũng được hội vinh danh là hội viên xuất sắc trong các phong trào ở địa phương. “Ngoài ông Tiến, có rất nhiều đơn vị, cá nhân có công lớn trong việc dập tắt vụ cháy rừng phòng hộ. Huyện đang lập danh sách để kịp thời tặng thưởng cho những người này”, ông Hưng nói.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-phuc-nguoi-dan-ong-chay-xe-hon-12km-de-dap-lua-vu-chay-rung-o-ha-tinh-a283088.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan