+Aa-
    Zalo

    Cảm phục anh thợ sửa xe 12 năm tặng gần 200 xe đạp cho học sinh nghèo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mỗi ngày, tranh thủ phút giải lao, giờ nghỉ lúc đêm vắng, anh lặng lẽ sơn sửa, lắp ráp những chiếc xe đạp cũ để tặng học sinh nghèo trong suốt 12 năm qua.

    Nghèo khó, phải chạy ăn từng bữa, nhưng suy nghĩ “lá lành đùm lá rách” thôi thúc anh tự nguyện trích khoản tiền công ít ỏi để san sẻ cùng những hoàn cảnh khó khăn. Mỗi ngày, tranh thủ phút giải lao, giờ nghỉ lúc đêm vắng, anh lặng lẽ sơn sửa, lắp ráp những chiếc xe đạp cũ để tặng học sinh nghèo. 12 năm qua, anh lặng lẽ trở thành người nâng bước các em học sinh nghèo trên đường đến trường, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn có phương tiện di chuyển trên cuộc mưu sinh đầy rẫy nhọc nhằn.

    Lời hứa

    Dù đã chuyển qua sửa xe máy hơn chục năm nhưng tiệm sửa xe của anh Lê Văn Thái, 42 tuổi, ngụ phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM lúc nào cũng ngổn ngang xe đạp cũ. Bất ngờ hơn, mỗi ngày, anh lại vùi đầu vào lắp ráp, sửa chữa, sơn phết... rồi nâng niu những chiếc xe cũ như một món đồ quý giá. Tưởng anh là nhà sưu tầm, buôn bán xe đạp cũ, nhiều người đến hỏi mua, nhưng anh đều từ chối nói rằng những chiếc xe này đều đã có chủ.

    Nếu không bỏ thời gian tìm hiểu, ít ai biết rằng chủ nhân của những chiếc đạp mà anh dày công sửa chữa là các em học sinh nghèo. Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm gặp được anh và nghe anh chia sẻ niềm vui mua xe đạp cũ để sửa chữa, trao tặng học sinh nghèo.

    Tranh thủ giờ nghỉ trưa, anh Thái sửa lại xe đạp cũ, chuẩn bị tặng học sinh nghèo (Ảnh: Hà Nguyễn).

    Anh nói: “Tôi học nghề sửa xe đạp từ những năm 1990 nhưng đến năm 2004 mới bắt đầu mua xe đạp cũ về lắp ráp, sửa chữa lại để tặng cho mấy em học sinh nghèo”.

    “Tôi làm vì thấy hình ảnh chính mình từ những em học sinh nghèo phải đội nắng, đội mưa “lội bộ” hàng chục cây số đến trường. Tôi cũng cảm nhận được niềm khát khao có được một chiếc xe đạp để đi học của các em. Khi bằng tuổi các em, tôi cũng khát khao như thế. Lúc còn nhỏ, nhà nghèo, tôi đi học chủ yếu là đi bộ. Khổ nỗi, nhà tôi lại xa trường nên mỗi lần đi học là mỗi lần đánh vật với nắng mưa, cực nhọc. Do vậy, niềm ao ước lớn nhất của tôi khi ấy là có được một chiếc xe đạp. Nhưng, với gia đình tôi lúc đó, xe đạp là cả một gia tài”, anh cho biết thêm.

    Thế nên, khi ly hương vào TP.HCM lập nghiệp, chứng kiến cảnh những em học sinh nghèo phải đi bộ đến trường, trong anh lại dâng trào nỗi đồng cảm. Nỗi đồng cảm ấy vỡ òa vào ngày anh nghe một bé gái cùng dãy trọ nói lên niềm ước mơ có chiếc xe đạp để đi học với ba mẹ.

    Anh kể: “Lúc đó, tôi vô tình nghe được bé gái cùng dãy trọ nói với ba mẹ, là bé ước mơ có được chiếc xe đạp để đi học. Nhưng bố mẹ bé khó khăn quá, thu nhập chỉ đủ trang trải cho cháu đi học, trả tiền trọ, ăn ngày 2 bữa. Tôi thấy bé ao ước đã lâu và luôn buồn bã khi thấy các bạn cùng lớp có xe đạp. Thương quá, tôi nói với bé là dù chú không có tiền, nhưng chú hứa sẽ tặng cháu một chiếc xe đạp”.

    Đồng lương ít ỏi từ nghề sửa xe không cho phép mua được xe mới, anh Thái tìm đến nguồn xe đạp cũ. Mỗi ngày, anh đều để ý những chị ve chai đi ngang cửa tiệm sửa xe. Thấy chị nào có xe đạp cũ là anh gọi vào, xin mua lại. Bằng con mắt nhà nghề, anh tuyển chọn những chiếc xe cũ còn có thể tái sử dụng, phụ tùng xe cũ còn tốt,... về tự mày mò sửa chữa, lắp ráp.

    “Cuối cùng, sau nhiều ngày sửa chữa, lắp ráp, sơn phết, dán decal,... tôi cũng làm được chiếc xe đạp như đã hứa với bé gái cùng dãy trọ. Khi tôi tặng xe cho bé, bé vui lắm. Lúc ấy, không hiểu sao tôi cũng rất vui và xúc động. Thế là, tôi nghĩ sao mỗi ngày mình không trích ra vài chục ngàn đồng từ tiền lương sửa xe để san sẻ với các em. Từ đó, tôi bắt đầu tìm mua xe đạp cũ, sửa chữa để tặng các em học sinh nghèo”, anh Thái chia sẻ thêm.

    Những chiếc xe chở nặng ân tình

    Hành trình thiện nguyện của anh Thái diễn ra một cách thầm lặng và có lúc tưởng chừng phải dừng lại. Anh kể: “Lúc đầu, tôi cũng gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là kinh tế gia đình. Bản thân tôi cũng nghèo khó, phải đi thuê trọ. Có lúc sửa xe ế ẩm, tôi phải vay mượn, cầm cố,... để có tiền trả tiền thuê nhà. Phần khác, vì chưa ai biết tôi mua xe cũ về sửa để tặng cho các em học sinh, nên nhiều chị ve chai cứ nghĩ là tôi mua xe cũ về sửa để bán lại ăn chênh lệch. Do đó, nhiều chị bán lại cho tôi với giá rất cao,...

    Nhưng mỗi khi tôi thấy các em vui, hạnh phúc vì được tặng xe là tôi lại bỏ qua mọi khó khăn. Về sau, khi biết tôi tặng xe, mấy chị ve chai không bán nữa mà cho không xe cũ. Những người có xe cũ không sử dụng cũng đem đến cho tôi”.

    Theo đuổi mục tiêu mới, mỗi ngày, trong thời gian sửa xe cho khách, anh Thái lại nghe radio, để tìm những người nghèo cần xe đạp. Và, khi có xe, anh lại âm thầm đến nhà những người nghèo trao tặng tận tay rồi lặng lẽ bắt xe ôm, xe buýt ra về.

    Anh chia sẻ: “Vì tặng xe đạp trực tiếp nên tôi chỉ tặng được những người ở gần TP.HCM. Xa nhất là đến Bình Dương thôi. Nhiều khi đi xa quá, đạp xe một mình cũng cực nên tôi phải nhờ bạn đi cùng. Nhưng, mỗi khi đem xe đến tặng, người ta vui mừng, nói lời cảm ơn, mời tôi ly nước là tự nhiên bao nhiêu mệt mỏi lại tan biến hết”.

    “Hữu xạ tự nhiên hương”, mặc dù lặng thầm nhưng những hoạt động thiện nguyện của anh dần được các nhà hảo tâm biết đến. Nhiều người âm thầm quyên góp xe đạp cũ, phụ tùng,... thậm chí gửi cả xe lẫn tiền cho anh. Số lượng xe cũ nhiều đến nỗi anh không có chỗ để gửi.

    Anh Thái bộc bạch: “Xe nhiều quá, tôi không có chỗ gửi nên sau khi chuyển về quận Tân Bình, tôi tìm đến chi hội Từ thiện Bình Phú Đông thuộc hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM để xin được hỗ trợ. Rất may là các cô, các chú ở đây nhiệt tình ủng hộ. Chi hội không chỉ cho tôi chỗ gửi xe đạp mà còn lên danh sách học sinh nghèo, gia đình khó khăn cần tặng xe,... cho tôi”.

    Anh dí dỏm nói, từ ngày được chi hội Từ thiện Bình Phú Đông hỗ trợ, hành trình thiện nguyện thầm lặng của anh như mở ra một trang mới. Anh không chỉ bó hẹp việc trao tặng xe đạp cũ cho học sinh nghèo ở TP.HCM, mà còn mở rộng ra các tỉnh như: Bến Tre, Lâm Đồng, An Giang, Kiên Giang,... 12 năm qua, anh Thái đã tặng gần 200 chiếc xe đạp cho học sinh và người nghèo.

    Lan tỏa việc thiện trong cộng đồng

    Bà Nguyễn Thị Cúc - Chánh văn phòng chi hội Từ thiện Bình Phú Đông, phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM thông tin: “Người giàu làm từ thiện đã là một điều tốt nhưng một người nghèo làm từ thiện thì lại càng đáng quý gấp nhiều lần. Anh Thái dù cuộc sống còn rất khó khăn nhưng hơn 12 năm qua vẫn luôn sẵn lòng chia sẻ cùng người nghèo. Hơn thế, những việc làm từ thiện của anh không chỉ giúp học sinh nghèo, người nghèo có phương tiện đi học, đi làm mà còn tạo sức lan tỏa việc thiện trong xã hội. Sau Thái, chi hội cũng nhận thêm những đóng góp về mặt vật chất như máy tính, đồ dùng học tập,… từ những người làm thợ như anh”.

    * Bài viết đã được đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật

    Hà Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-phuc-anh-tho-sua-xe-12-nam-tang-gan-200-xe-dap-cho-hoc-sinh-ngheo-a182148.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan