(ĐSPL) - Sáng sớm đầu tháng 4/2014, ngồi trong sân TAND TP.HCM, một người phụ nữ già, dáng lọm khọm, da nhăn nheo với nhiều vết đồi mồi khiến tôi phải chú ý. Tôi cứ nghĩ, bà là mẹ của một bị cáo nào đó sẽ được đưa ra xét xử hôm ấy. Thế nhưng, khi đến bên, bà đưa mắt nhìn xa: “Con tôi chết rồi. Hôm nay tôi đến xin giảm án cho người đã sát hại con mình”. Giọng của bà nhẹ hều nhưng đủ khiến người đối diện ray rứt.
Cái chết tức tưởi của đứa con ngoan
Bà tên là Nguyễn Thị Ch., năm nay vừa tròn 65 tuổi. Ngay từ tờ mờ sáng, bà nhờ người thân chở từ xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre lên TP.HCM. Bà hạ sinh được ba đứa, trong đó, anh Nguyễn Văn Th. (SN 1976) là con giữa. Thuở trước, bà cũng mong con cái được học hành đến nơi đến chốn, thoát cảnh làm nông vất vả. Thế nhưng, cái ăn, cái mặc còn khó, nói gì đến chuyện con chữ, sách vở. Cả ba người con bà, ai cũng chỉ học hết cấp 1 rồi nghỉ ở nhà phụ giúp đồng áng. Bà nhìn con hàng xóm được cắp sách đến trường, ngẫm lại con mình mà ứa nước mắt.
Theo lời bà, anh Th. là người hiền lành, ít nói. Thuở còn nhỏ, anh thường bảo, lớn lên sẽ kiếm thật nhiều tiền để phụng dưỡng, báo hiếu cha mẹ. Bước sang tuổi 17, anh nghe mọi người bảo ở TP.HCM công việc nhiều, lương lại cao nên nuôi ý định lên đây lập nghiệp. Ngày anh xin phép, bà lặng người: “Con còn nhỏ quá, chờ vài năm rồi hãy tính”. Anh an ủi: “Con lớn rồi mà mẹ. Con không muốn suốt đời phải vùi đầu vào ruộng đồng mà vẫn không đủ sống”. Thương con, bà gật đầu đồng ý. Ngày anh bắt xe lên thành phố, bà nhìn chiếc áo vá chằng vá đụp khuất dần mà nước mắt tràn mi.
Mỗi năm, anh về quê thăm nhà đôi lần. Lúc nào cũng thế, anh chuẩn bị quà cáp cho tất cả mọi người và không bao giờ quên tấm áo, miếng vải cho mẹ. Bẵng đi khoảng thời gian, anh dẫn một thiếu nữ khá xinh, nước da trắng muốt, giọng ngọt ngào, nhỏ hơn 4 tuổi về ra mắt mẹ. Tình cảm nam nữ như mật ngọt, anh không đăng ký kết hôn, thuê một phòng trọ nhỏ sống chung với người này như vợ chồng. Năm anh 22 tuổi, chị vừa tròn 18 đã có một đứa con chung. Bà lặn lội từ quê lên phòng trọ nhỏ nuôi con dâu những ngày ở cữ. Mấy năm sau, bà lại có thêm hai đứa cháu nữa. Đối với bà, tuổi già chẳng có gì bằng sự hạnh phúc của con cái, cháu chắt. Bà mãn nguyện với những gì mình đang có. Thế rồi, một buổi chiều cuối năm 2012, bà chết lặng khi nhận được tin báo từ con dâu: “Anh Th. bị đâm chết rồi”.
Bà Ch. đau đớn cho biết: “Người sát hại Th. chính là đứa bạn thân của nó”. Trong khoảng thời gian sinh sống tại TP.HCM, làm phụ hồ ở nhiều công trình, anh Th. quen biết với Nguyễn Thanh Tùng (SN 1976, ngụ quận 6, TP.HCM). Sau nhiều lần tâm sự đời tư, hai người cảm mến nhau ở cái nghèo khó nên thân thiết từ hồi nào không hay. Lắm khi, anh Th. cũng đưa Tùng về quê chơi và không ít lần mời về phòng trọ lai rai. Có lần, anh Th. nói: “Con với thằng Tùng như anh em ruột, chưa làm lễ kết thân nhưng như đã uống chén rượu ăn thề”.
Giết người còn đòi chém cả công an
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 17h ngày 25/12/2012, anh Th. sang nhà Tùng chơi và rủ: “Đi nhậu với tao”. Lúc này, Tùng không có tiền nên từ chối. Anh Th. cười: “Tao mới lấy được của bạn hai triệu đồng. Tao mời mày nhậu một bữa có sao đâu”. Ngần ngừ trong giây lát Tùng đồng ý: “Tao với mày đều nghèo khổ nên chầu nhậu chia đôi”. Hai người bạn thân đến quán ở gần cầu Mỹ Thuận (quận 8) gọi mồi và bia để nhậu. Những câu chuyện không đầu không cuối được hai người được đưa vào bàn nhậu.
Quay đi, ngoảnh lại, cả hai người đều đã sương sương. Chừng 21h, Tùng đăng ký lên sân khấu hát một bản. Khi quay xuống, không thấy anh Th. đâu, Tùng cứ nghĩ bạn đi vệ sinh nên ngồi đợi. Chờ mãi vẫn không thấy tăm hơi bạn đâu, Tùng hỏi một nữ tiếp viên và được biết Th. đã lấy xe đi từ ban nãy và vẫn chưa thanh toán tiền. Túi rỗng không, Tùng đành nhỏ nhẹ xin chủ quán khất nợ, chừng 400.000 đồng, đến hôm sau trả.
Rời khỏi quán, Tùng ấm ức, điều khiển xe máy đến quán của bạn gái Th. trên đường Nguyễn Văn Luông (phường 11, quận 6) để tìm bạn. Đứng bên ngoài, thấy anh Th. đang ngồi ngủ, không kìm nổi sự tức giận, Tùng lao vào kéo dậy: “Sao lúc nãy mày bỏ về mà không nói tao tiếng nào? Mày biết tao không có tiền mà về vẫn không thanh toán là sao?”. Anh Th. trả lời: “Tao không biết gì hết”. Cơn giận càng cuồn cuộn nổi, Tùng lao vào sỉ vả rồi đánh Th.. Bạn gái anh Th. thấy vậy vội vàng can ngăn.
Cứ ngỡ, mọi chuyện chừng đó là chấm dứt. Thế nhưng, cơn hậm hực vẫn còn trong lòng, Tùng về nhà trọ, lấy một con dao rồi quay trở lại tìm anh Th. đòi tiền nhậu. Dù Tùng chửi bới thế nào, anh Th. vẫn chỉ có một câu trả lời: “Tao không biết”. Trong lúc tức giận, Tùng xông vào đánh anh Th.. Anh Th. cầm ghế đánh trả. Ngay sau đó, Tùng đáp lại bằng nhiều nhát dao khiến bạn mình ngã quỵ. Đến lúc này, thấy máu trên người anh Th. chảy quá nhiều, Tùng hoảng hốt bỏ chạy. Ngay sau đó, anh Th. được mọi người đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong.
Riêng Tùng, sau khi gây án gọi điện về cho người thân và được khuyên nhủ nên ra đầu thú. Gã cũng có ý định đầu thú. Tuy nhiên, khi gặp công an, gã lại đổi ý, nảy sinh ý định, dùng dao dọa để công an bắn chết. Mặc dù được công an yêu cầu bỏ dao xuống nhưng gã vẫn cầm dao xông đến. Công an đành bóp cò, bắn hai phát chỉ thiên và một phát trúng vào chân trái làm Tùng ngã xuống đường rồi khống chế bắt giữ, đưa đến bệnh viện quận 6 cấp cứu.
|
Tùng bị dẫn giải sau phiên tòa. |
Tấm lòng bao dung
Trong phiên tòa hôm đó, bà Ch. chết lặng khi nghe từng lời khai của Tùng. Dù đã cố kiềm chế nhưng nước mắt bà vẫn rơm rớm. Nỗi đau mất con là vô hạn, có lẽ, hơn một năm trôi qua, xót xa ấy cũng đã vơi đi nhiều. Thế nhưng, khi nghe Tùng khai nhận, cảnh tượng con trai bị sát hại lại trở về khiến lòng người mẹ se sắt. Đối với những người bình thường, họ sẽ căm phẫn, hận thù kẻ đã tước đoạt mạng sống máu mủ của mình. Thế nhưng, khi được gọi lên thẩm vấn, bà khiến không ít người trong khán phòng thổn thức: “Tôi biết, trong vụ án này, Th. cũng có một phần lỗi. Tôi là một người mẹ mất con, tôi thấu hiểu nỗi đau này như thế nào. Tôi không muốn thêm một người mẹ nữa phải rơi vào hoàn cảnh giống mình. Tôi mong, HĐXX cho Tùng một cơ hội, được sống để sớm trở về, báo hiếu cha mẹ”.
Giờ nghị án, bà Võ Thị Đ. (mẹ Tùng) đến bên cảm ơn bà Ch. vì không căm hờn đứa con trai dại dột của mình. Bà Ch. nghẹn ngào: “Con tôi chết thì cũng đã chết rồi. Giờ bất kể làm gì thì nó cũng không thể sống lại được. Chúng ta sống thì phải lo cho người sống, còn người chết thì chỉ để nhớ thôi. Điều tôi lo nhất là ba đứa con của Th. vẫn còn quá nhỏ. Không biết rằng, khi lớn lên, chúng sẽ như thế nào”. Bên cạnh đó, bà còn nói: “Khi vụ án xảy ra, gia đình chị đưa đến 55 triệu đồng để lo ma chay. Tôi biết, gia đình chị cũng là người đàng hoàng. Mà tôi thì không bao giờ muốn một gia đình như thế lại rơi vào bi kịch”.
Tay nắm chặt tay mẹ bị cáo, bà Đ. kể, sinh được hai người con, Tùng là con út và cũng là đứa con trai duy nhất. Khi mới học lớp 8, do hoàn cảnh gia đình, Tùng phải nghỉ. Vào tháng 3/1997, Tùng được gọi đi nghĩa vụ quân sự. Từ nhỏ đến lớn, Tùng chưa bao giờ phải động tay, động chân vào việc gì nên không chịu đựng nổi những phép tắc của quân ngũ. Giữa tháng 11/1997, Tùng bỏ trốn về địa phương. Cũng trong năm đó, Tùng mâu thuẫn, gây án và bị TAND TP.HCM tuyên phạt 18 năm tù giam về tội giết người. Sau đó, Tùng thuê phòng trọ để làm phụ thợ hồ.
HĐXX nhận định, hành vi của Tùng đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến tính mạng của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, Tùng tái phạm nguy hiểm nên tòa quyết định tuyên hình phạt tử hình về tội giết người. Tùng rệu rã khi nghe mức án. Trong khi đó, bà Đ. và con gái khóc ngất kêu gào tên bị cáo. Chiếc xe bít bùng đã khuất dạng từ lâu, những tiếng nấc dài của người thân vẫn không thôi vang lên.
Những câu hỏi rơi nước mắt Khi Tùng bị tuyên án tử, bà Ch. cũng rơi nước mắt, quay quắt: “Sao viện Kiểm sát đề nghị mức án chung thân mà lại tuyên tử hình? Sao mức án lại nặng quá vậy?”. Ngay sau đó, bà chạy đến, nắm chặt tay bà Đ. động viên: “Bà cố gắng lên, đừng khóc nữa. Tôi nghe mọi người bảo vẫn còn 15 ngày để kháng cáo, tôi sẽ viết đơn xin giảm án cho Tùng”. Thế rồi, bà quay sang những người xung quanh: “Liệu tôi viết đơn xin giảm án, Tùng có được thoát án tử không?”. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-dong-tam-long-nguoi-me-xin-giam-an-cho-ke-sat-hai-con-minh-a28292.html