Ngoài giờ học, những đứa trẻ sà vào lòng cô, ôm lấy cô, tưởng như cô là mẹ chúng. Chính những điều ấy đã khiến cô Thủy gắn bó với lớp học đặc biệt này tới 14 năm.
Cô giáo Đinh Thị Thủy và học trò. Ảnh: TTXVN |
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2 (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) là lớp học đặc biệt dành cho những trẻ em mồ côi bị bỏ rơi đang mang trong mình virus của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Tại đây, cô giáo Đinh Thị Thủy hàng ngày vẫn miệt mài cầm tay nắn từng nét chữ, chỉnh từng giọng đọc cho các em.
Năm học 2019-2020 là năm thứ 14 cô Thủy đảm nhận công việc dạy học cho những trẻ em thiệt thòi này. Hiện cô Thủy phụ trách lớp học ghép 2 - 3, còn lớp 4 - 5 do một giáo viên khác đảm nhiệm.
Lớp học của cô Thủy có gần 10 học sinh, các em ngồi thành hai dãy, một dãy lớp 2, một dãy lớp 3.
Ban đầu khi được tiếp nhận lớp, cô giáo Thủy gặp phải sự phản đối rất nhiều. Gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình, bạn bè, bản thân cô Thủy cũng băn khoăn khi chưa hiểu hết về căn bệnh này.
Cô giáo Thủy nhớ lại lần đầu tiên được trực tiếp gần gũi với các cháu bị nhiễm HIV: “ Cháu thì bị sổ mũi, cháu bị xước khắp người do bị ngứa, cháu lại chảy máu cam...vì sức đề kháng của các cháu rất yếu nên rất nhiều bệnh ngoài da, nhìn vậy lại càng thương. Khi cầm tay các con dạy tập viết, thấy máu dính vào tay mình, tôi đã phát hoảng”.
Nhưng rồi, những ánh mắt ngây thơ của con trẻ đã níu lòng cô Thuỷ lại. “Tôi kiên trì thuyết phục các thành viên trong gia đình. Bây giờ tôi không thấy lo lắng, hoảng sợ nữa mà những người thân yêu của tôi còn cùng tôi mang niềm vui và hạnh phúc đến cho các con”, cô Thuỷ cho biết.
Cụ thể, chồng cô Thủy, vốn lúc đầu không đồng tình với công việc này nhưng lúc đấy cũng vô cùng xúc động. Sau đó, anh trải chiếu ra sân cho lũ trẻ ngồi, bóc quả cho chúng ăn.
Ban đầu, khi thấy cô giảng dạy tại Trung tâm, nhiều người nghĩ cô cũng bị mắc căn bệnh HIV/AIDS. Họ rụt rè, kỳ thị khi tiếp xúc với cô. Những lúc như vậy, cô chỉ biết lặng im, tiếp tục lên lớp vì các con và tự dặn lòng rồi mọi người sẽ hiểu.
Cũng chính vì thiếu thốn tình cảm nên cách thể hiện tình yêu thương của những đứa trẻ có “H” cũng khác. Giữa cô và trò dường như không có khoảng cách. Ngoài giờ học, chúng sà vào lòng cô, ôm lấy cô, tưởng như cô là mẹ chúng. Chính những điều ấy đã khiến cô Thủy gắn bó với học trò của lớp học đặc biệt này tới 14 năm.
Vào dịp ngày nhà giáo, giáo viên nào cũng được học trò của mình tặng rất nhiều hoa và quà, nhưng cô Thủy thì khác. Những bông hoa, những món quà, những câu chúc từ học sinh của Cô đều được vẽ từ sáp màu. Những nét vẽ nguệch ngoạc, ngây ngô nhưng cũng rất tươi sáng.
“Với tôi những món quà đó đắt vô cùng, chỉ có tình cảm mới mua được và cũng chỉ có các học trò của tôi mới tạo ra được những ý nghĩa đằng sau món quà vô giá ấy” cô Thủy cười.
Nhiều đứa trẻ học ở lớp học đặc biệt này đã trưởng thành. Có em đã đi làm, có em đang học đại học... Nhưng mỗi lần trở về thăm lại ngôi nhà xưa, chúng đều tìm đến cô để kể về khó khăn, thành quả đã đạt được. Nhiều em vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm hoặc xin lời khuyên của cô Thủy mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
“Nhiều khi chúng tôi gọi vui Cô Thủy là người đi vá những tâm hồn của trẻ nhiễm H”, ông Phùng Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Bài B nhận xét.
Mộc Miên (T/h)