Có em bé tới lớp học còn mang trên tay kim truyền, cùng với mái đầu không còn tóc, nhưng ánh mắt chăm chú nghe cô giáo giảng bài.
Bệnh viện K hi vọng cuộc sống tại bệnh viện của các bệnh nhi sẽ bình thường hoá, với những sinh hoạt hàng ngày, đến trường như các em đang ở nhà. |
Tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội có một lớp học đặc biệt mang tên “Lớp học hạnh phúc” vừa mới mở vào đầu tháng 6 này. Điều đặc biệt bởi lớp học được tổ chức tại một bệnh viện và học sinh lại là những bệnh nhi đang hằng ngày chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm nghèo.
Lớp học Hạnh phúc ra đời từ những ý tưởng mang đến cho bệnh nhi một cuộc sống bình thường nhất trong bệnh viện. Các em nhỏ sau mỗi ngày điều trị vẫn có thể "đến trường" để học tập, vui đùa cùng thầy cô, bạn bè.
Theo lãnh đạo bệnh viện, từ thứ 3 tới thứ 6 hàng tuần, các bé lớp Mầm (từ 3-5 tuổi) và lớp Lá (từ 6-10 tuổi) sẽ được học ngay tại bệnh viện, do các cô giáo hỗ trợ.
PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K hi vọng, ngoài việc các con được học thêm các kiến thức, các con cũng sẽ được học về kỹ năng sống, những câu chuyện về thế giới xung quanh mình, giúp các con luôn lạc quan, tự tin hơn, thêm nguồn động viên chiến đấu với bệnh tật...
Có em bé tới lớp học còn mang trên tay kim truyền, cùng với mái đầu không còn tóc, nhưng ánh mắt chăm chú nghe cô giáo giảng bài. Những phụ huynh đứng bên ngoài lớp học mắt đỏ hoe nhìn vào trong, khi thấy con mình hào hứng giơ tay phát biểu, khi thấy con bắt đầu cầm bút làm bài tập... Ước mơ đi học tưởng xa vời nhưng giờ đã hiện hữu, ngay trong những ngày các em chống chọi với bệnh tật.
Đứng từ xa theo dõi con vào lớp học, đôi mắt chị Lê Thị T. (mẹ của bé C.) đỏ hoe. Chị chia sẻ: “Cách đây chừng 2 - 3 tháng, thấy con than đau nhức chân, sau đó thấy sốt và sưng tấy phần gối của chân trái nên em cho con đi khám. Ai dè các bác sĩ cho biết, con bị ung thư xương. Tạm thời con sẽ truyền thuốc điều trị. Sau đó, bác sĩ sẽ đánh giá kỹ khả năng ghép xương được không, nếu không rất có thể phải cưa chân”.
Theo lời chị T., con gái hiện đang học lớp 3, hai năm lớp 1 và 2 đều là học sinh giỏi xuất sắc; cuối học kỳ vừa qua, con cũng mang về tặng mẹ 2 điểm 10 Toán, Tiếng Việt. “Con ham học lắm chị ạ, nhưng hiện gia đình đành quyết định bảo lưu năm học này để con chuyên tâm vào điều trị bệnh. Hi vọng sẽ có được kết quả tốt và con sẽ lại được đến trường gặp bạn bè”, chị T. cho hay.
Giờ học là 14h nhưng thỉnh thoảng lại có bé vào lớp muộn do các em còn bận truyền thuốc. Dù vừa trải qua đợt truyền hóa chất mệt mỏi, hầu hết các bé đều nôn khan, không ăn uống được, nhưng bé nào cũng háo hức đến lớp học.
Bé Hoàng Khánh L. (11 tuổi, Lạng Sơn) đến lớp sau khi hoàn tất việc truyền thuốc điều trị căn bệnh ung thư hạch.
L. buồn buồn cho biết: “Con rất nhớ lớp, nhớ bạn, cô giáo ở lớp con vừa nhắn “các bạn nhớ con, hỏi cô vì sao con không đi học”. Con chỉ mong sao mình mau khỏi bệnh để lại được đến trường”.
L. điều trị tại Bệnh viện K từ Tết, cứ hết đợt truyền thuốc cháu bé lại được về nhà vài ngày rồi quay trở lại viện. Lần này bé đi với bố vì mẹ mới sinh em bé. “Dù con đi viện nhưng cô giáo vẫn gửi bài qua điện thoại để con làm. Giờ có thêm các thầy, cô ở lớp học Hạnh phúc này, bài nào khó quá, con sẽ nhờ thầy cô hướng dẫn thêm”, bé L. cho biết.
Theo lãnh đạo Bệnh viện K Trung ương, có những em nhỏ may mắn hơn, sau mỗi đợt điều trị mà đủ sức khỏe, con lại được đến trường. Nhưng hầu hết những bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện K sẽ phải tạm gác lại ước mơ đến trường để chuyên tâm vào điều trị bệnh.
Nhiều gia đình kinh tế quá khó khăn, mọi cố gắng của cha mẹ chỉ mong đủ tiền trang trải viện phí, thuốc điều trị và chăm nom cho các con. Thấu hiểu được nỗi niềm ấy và hơn hết là sự đồng cảm với chính các bệnh nhi, nên Bệnh viện đã phối hợp với các đơn vị từ thiện tổ chức “Lớp học hạnh phúc” dành cho các cháu.
Cô giáo Lê Thị Quỳnh Trang, Hiệu phó Trường Mầm non Cự Khê cho biết, với mỗi lứa tuổi, các cô giáo lại lựa chọn các bài giảng phù hợp với nhu cầu và sức khỏe.
"Đối với lớp học mỗi con có một hoàn cảnh, bệnh tật khác nhau mỗi trẻ có một nguyện vọng riêng, có một sự khó khăn riêng, chúng tôi phải nhìn trẻ và hướng dẫn mình nhìn thấy tâm lý trẻ có gì khó khăn thì chúng tôi sẽ hướng trẻ vào những cái đó. Tôi thấy các con phấn khởi phần nào thì hướng các con ở phần đó, chứ không phải ép các con vào việc học hành không mà vừa học vừa chia sẻ tạo niềm vui cho các con", cô Trang chia sẻ.
Mộc Miên(T/h)