(ĐSPL) – Đó là câu chuyện về người ôsin đã nhận nuôi đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo sau khi gia đình đứa bé đó bố vào tù, mẹ thì nhảy sông tự tử.
15 tuổi đi làm “ôsin”
Người “ôsin” nhân hậu tron câu chuyện này chính là chị Phùng Thị Hồng (SN 1988, Yên Dũng, Bắc Giang). Chị Hồng có bố là ông Phùng Văn Bắc (SN 1943), mẹ là bà Vũ Thị Tám (SN 1954).
Gia đình khó khăn, học hết cấp hai, chị Hồng đi làm giúp việc cho vợ chồng anh Lê Chí Dũng (SN 1979) và chị Lê Thị Thanh Th. với mức lương 300 nghìn đồng/ tháng. Cả hai đều là giáo viên trên địa bàn huyện Lục Nam, Bắc Giang.
Năm 2004, vợ chồng anh Dũng sinh con trai. Tuy nhiên, do công việc của anh Dũng - chị Th. bận rộn, chị Hồng trở thành “vú nuôi” cho con trai anh Dũng.
Ngày đó 15 tuổi nhưng mọi việc chị Hồng đều làm rất tháo vát nên được vợ chồng anh Dũng rất quý mến. Đến khi con trai vợ chồng anh Dũng được hai tuổi và cho đi nhà trẻ thì chị Hồng xin nghỉ và vào Đồng Nai làm công nhân.
Năm 2007, vợ chồng anh Dũng sinh thêm một cậu con trai nữa tên Lê Ngọc L. nhưng lại mang căn bệnh quái ác là u máu, phải nuôi trong lồng kính một thời gian dài. Thương cháu L. ốm đau, chị Hồng nhận lời quay trở lại chăm sóc.
Cháu L. đang hạnh phúc bên vợ chồng ông Bắc, bà Tám. |
Nhưng hạnh phúc của gia đình ấy kéo dài không được bao lâu thì chị Th. bị phát hiện có nhân tình mới. Anh Dũng vì ghen tuông, muốn níu giữ vợ nên đã ra tay giết nhân tình của vợ. Gia đình tan nát, anh Dũng mang trong mình án 9 năm tù cho tội giết người, chị Th. nhảy sông tự tử để lại hai con thơ dại…
Chấp nhận làm “những người dở hơi”
Chị Hồng bảo, sau khi gây án, anh Dũng có quay về nhà quỳ xuống trước mặt chị xin chị chăm sóc hai đứa con cho anh để anh yên tâm ra công an đầu thú.
Thương hai đứa trẻ còn quá nhỏ đã mồ côi mẹ, đặc biệt cháu L. khi đó mới 7 tháng tuổi lại mang bệnh hiểm nghèo, nhà anh Dũng không còn ai thân thích để chăm lo cho các cháu. Nghĩ đi nghĩ lại chị đành nhận lời anh Dũng mặc dù biết còn nhiều chông gai phía trước.
Bố mẹ chị Hồng cũng không cầm lòng nổi khi chứng kiến hoàn cảnh của hai đứa con anh Dũng nên cũng đồng ý cùng chị Hồng nuôi hai đứa trẻ.
Được một thời gian, con lớn của anh Dũng về ở với bà ngoại, còn cháu L. ở lại với gia đình chị Hồng. Nhiều người khuyên chị nên cho L. vào trại trẻ mồ côi hoặc trung tâm bảo trợ trẻ em khuyết tật vì gia đình chị cũng chả giàu có gì nhưng chị không đồng ý.
Chị Hồng và gia đình hơn ai hết là những người thấu hiểu những khó khăn vất vả đó, nhưng bỏ qua tất cả họ vẫn quyết định giữ cháu L. lại để chăm sóc. Chính vì vậy mà gia đình chị bị nhiều người nói là “những người dở hơi”.
Một giọt máu đào… không bằng một ao nước lã
8 năm đã trôi qua từ ngày xảy ra vụ án đau lòng ở gia đình anh Dũng biết bao nhiêu thứ đổi thay.
Anh Dũng bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 9 năm tù giam về tội danh giết người. Tuy nhiên do cải tạo tốt, đến ngày 2/9/2010, anh Dũng đã được đặc xá ra tù trước thời hạn.
Em L. với căn bệnh hiểm nghèo của mình. |
Còn chị Hồng cũng đã đi xây dựng cho mình một cuộc sống riêng bên người chồng ở huyện Yên Dũng, Bắc Giang, cách nhà chừng gần 30 cây số.
Thời gian trôi đi, vạn vật đổi thay nhưng tình cảm của chị Hồng và vợ chồng bà Tám đối với cháu L. bao năm nay vẫn vậy.
Bà Tám - mẹ chị Hồng chia sẻ: “Ngày anh Dũng ra trại, gia đình tôi đón anh ấy về nhà, làm cơm thiết đãi đàng hoàng. Anh Dũng cũng cảm ơn vợ chồng tôi và Hồng đã chăm sóc cho cháu L. suốt thời gian anh ấy ở trại và sau đó xin đón cháu L. về chăm sóc.
Ngày anh Dũng đón cháu L. đi, gia đình tôi ai cũng khóc vì không muốn rời xa cháu, nhưng nghĩ rằng để cháu cho bố chăm sóc sẽ tốt hơn nên chúng tôi cũng để cho cháu về với bố. Tuy nhiên, anh Dũng sau đó lập gia đình nên không có nhiều thời gian chăm sóc cháu L., hai vợ chồng tôi lại đón cháu về nuôi tiếp cho đến tận bây giờ”.
Theo vợ chồng bà Tám, sau khi ra tù được hơn 1 năm, anh Dũng đã xây dựng gia đình với một cô gái ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang rồi chuyển về quê gốc ở huyện Mê Linh, Hà Nội sinh sống.
Đến nay cháu L. cũng đã được 8 tuổi, căn bệnh quái ác khiến cơ thể L. không phát triển được như những đứa trẻ khác, cũng không dám đi học vì sợ bàn bè chê cười, trêu chọc.
Những u máu mỗi ngày một nhiều thêm, tạo thành những mảng đen như vầng cháy khê bám kín ngoài da từ thắt lưng xuống đến chân khiến L. vừa đau vừa ngứa. Hằng đêm bà Tám luôn phải nằm cạnh gãi cho L., rồi những khi khối u bị vỡ bà lại phải nhẹ nhàng thấm máu.
Bao năm nay gia đình bà Tám vẫn chưa thoát được cảnh nghèo, vẫn thuộc diện hộ nghèo nhất ở địa phương.
Hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Tám khiến nhiều người phải lắc đầu ái ngại và thương cảm. Vậy nhưng việc làm của vợ chồng bà Tám lại khiến người ta phải ngưỡng mộ.
Ông Bắc - bố chị Hồng chia sẻ: “Nhà tôi nghèo tiền nghèo bạc nhưng tình cảm thì không bao giờ nghèo, không bao giờ thiếu. Chúng tôi luôn coi việc chăm sóc nuôi dưỡng cháu L. là niềm hạnh phúc của gia đình tôi”.
Khi chúng tôi hỏi “Bây giờ hai ông bà cũng đã già cả rồi, ông bà đã bao giờ nghĩ đến việc rồi mai đây mình nhắm mắt xuôi tay ai sẽ nuôi cháu L. hay chưa”.
Ông Bắc cười hiền bảo: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó và cũng không lo điều đó. Trước đây Hồng muốn đưa cháu L. theo về nhà chồng để nuôi. Chồng của Hồng cũng là người tốt cũng chẳng phản đối gì nhưng chúng tôi không nỡ để nó làm như vậy vì nó mới về nhà chồng còn bao nhiêu việc phải lo.".
"Bây giờ thì cuộc sống của Hồng cũng đã ổn định hơn, chúng tôi sẽ nuôi cháu L. đến khi nào không nuôi được nữa thì Hồng sẽ nuôi cháu. Lâu nay gia đình chúng tôi đã coi cháu L. như một phần không thể thiếu của gia đình mình”, ông Bắc chia sẻ.
KIỀU LINH