+Aa-
    Zalo

    Cảm động chuyện sư thầy hiến thận cứu người và nguyện hiến xác cho y học

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mang trong mình căn bệnh ung thư gan nhưng sau quá trình điều trị, khi sức khoẻ ổn định, sư thầy Thích Đạo Cảnh vẫn sẵn lòng hiến đi một quả thận để hồi sinh

    (ĐSPL) - Mang trong mình căn bệnh ung thư gan nhưng sau quá trình điều trị, khi sức khoẻ ổn định, sư thầy Thích Đạo Cảnh vẫn sẵn lòng hiến đi một quả thận để hồi sinh cuộc đời khác.

    Sư thầy tâm niệm, nếu còn có nhân duyên, thầy sẽ tiếp tục chia sẻ một phần sự sống của mình cho những người đang mòn mỏi vì bệnh tật. Đó cũng chính là lý do thầy nhiều lần làm đơn gửi đến trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thể hiện tâm nguyện của mình.

    Sư thầy Thích Đạo Cảnh tình nguyện hiến tạng cứu người, dù bản thân vẫn mang trọng bệnh.

    Hiến tạng sau đợt lâm trọng bệnh

    Có không ít câu chuyện cảm động về những người sẵn sàng đem một phần cơ thể mình để trao tặng cho người khác. Sư thầy Thích Đạo Cảnh (SN 1962, tại Vĩnh Phúc; hiện tu tại chùa Diên Phúc, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) là một tấm lòng thiện nguyện như thế.

    Trò chuyện với thầy Cảnh, chúng tôi mới biết, bệnh gan của thầy mới đây lại tái phát. Hiện, trong gan của thầy có một khối u, thầy đang phải uống thuốc điều trị khoảng 3 tháng nay. Phương pháp điều trị chủ yếu bằng các bài thuốc gia truyền trong dân gian. Thầy kể, vào năm 2012, khi đó, thầy được sư ông cử xuống chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh để làm công quả, hỗ trợ trông coi việc xây dựng thì đột nhiên, thấy sức khoẻ của mình giảm sút. Sau đó, thầy đến kiểm tra tại bệnh viện Thụy Điển ở Uông Bí thì các bác sỹ phát hiện thầy bị ung thư gan giai đoạn 2. Vì vậy, thầy Cảnh xin phép sư trụ trì chùa Ba Vàng để quay về Hà Nội dưỡng bệnh.

    Chia sẻ với PV, thầy Cảnh kể: “Khi đó, tôi quỳ trước tam bảo và tâm niệm: Nếu cho con được khỏi bệnh, con nguyện hiến bất cứ thứ gì để cứu được một người sống”. Lời phát nguyện đó trở nên linh nghiệm, sau một thời gian điều trị và thành tâm, vào giữa năm 2014, thầy Cảnh đến bệnh viện làm xét nghiệm lại, các tế bào ung thư của thầy gần như đã biến mất, chỉ còn lại một khối u nhỏ được chẩn đoán là u lành. Sức khỏe của thầy cũng dần ổn định. Đúng khi đó, thầy biết được tại bệnh viện Việt Đức, trong đó có trụ sở trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, nên liền tìm đến để nộp đơn hiến tạng đúng như tâm nguyện của mình.

    Lá đơn đầu tiên thầy Cảnh nộp với ý nguyện được hiến gan. Thế nhưng, lá gan của thầy Cảnh không đủ điều kiện để hiến ghép. Thầy tiếp tục viết đơn xin hiến thận. Việc kiểm tra các chỉ số sức khoẻ của thầy Cảnh diễn ra nhiều lần, qua nhiều xét nghiệm khác nhau, trong khoảng thời gian gần 3 tháng trời mới hoàn tất. Kết quả cuối cùng cho thấy, quả thận của thầy hoàn toàn khỏe mạnh và được chấp nhận cho ghép. Cho đến ngày lên bàn phẫu thuật, thầy Cảnh cũng chưa từng một lần gặp mặt người được mình hiến tặng quả thận, thầy cũng không hề biết thông tin gì về người này. Thầy bảo rằng: “Được chia sẻ một phần sự sống của mình với người khác là điều mãn nguyện rồi, tôi cho đi thì không nhận lại. Nếu để người ta biết rồi phải hàm ơn thì cái phúc của mình sẽ giảm đi một nửa...”.

    Có một câu chuyện mà thầy Cảnh cũng định giấu không nói với ai, nhưng khi thầy lên cơn đau quá, phải đắp bột ở phần ngực thì các nhà sư ở chùa Diên Phúc được biết đầu tiên. Sự việc xảy ra khoảng một tháng sau khi thầy Cảnh mổ hiến thận, thầy về chùa và tiếp tục lặn lội đến các vùng để tìm thuốc nhằm giữ ổn định, dưỡng lá gan. Một lần, trên đường đi lấy thuốc, thầy Cảnh bị ngã xe máy. Vụ tai nạn khiến vết mổ lấy thận trên người thầy vẫn chưa lành hẳn đã rách ra, phải khâu 7 mũi bên ngoài, gãy 2 xương sườn. Sợ các nhà sư trong chùa lo lắng cho mình, thầy Cảnh đã không kể gì về sự việc trên. Cho đến khi thầy Cảnh vật lộn với cơn đau dữ dội do 2 chiếc xương sườn gãy gây ra, phải đắp bột thì các sư thầy trong chùa mới biết.

    Thầy Cảnh kể lại: “Đến bây giờ, thỉnh thoảng thay đổi thời tiết, 2 chiếc xương sườn bị gãy vẫn thấy đau. Tuy nhiên, thầy cũng chưa phẫu thuật vì đang điều trị bằng các bài thuốc trong dân gian, vết gãy của 2 chiếc xương cũng đỡ đau hơn trước rồi. Nếu nhân duyên còn, thầy vẫn muốn hiến tặng các bộ phận cơ thể khác cho những bệnh nhân đang mòn mỏi chờ được ghép mô, tạng. Sau khi hiến thận, thầy tiếp tục làm mấy lá đơn nữa gửi đến trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để mong được hiến các bộ phận khác trên thân thể mình”.

    Rũ bỏ tham, sân, si

    Trao đổi với các cán bộ trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, chúng tôi được biết, hiện nay, trung tâm vẫn còn lưu giữ 5 lá đơn của thầy Cảnh, xin hiến các bộ phận cơ thể cho những ai cần đến. Ngoài ra, thầy còn đăng ký hiến xác cho y học sau khi qua đời.

    Trong buổi tiếp xúc với PV, thầy Cảnh chia sẻ, trước khi xuống tóc đi tu, những tham, sân, si của cuộc đời, ông đã từng trải qua hết. Thế nhưng, cái duyên đến với cửa thiền như một món nợ từ kiếp trước, đến lúc thì phải trả.

    Tuy nhiên, năm 2007, ông cũng năm lần bảy lượt xin xuống tóc, đi tu thì cũng chừng ấy lần bị từ chối bởi vì hay uống rượu. Ông đành xin đi làm thợ xây dựng, thành tâm phát nguyện xây chùa, quyết tâm cai rượu, khiến các tăng, ni tín nhiệm dần dần.

    Khi được giới thiệu đến chùa Diên Phúc ở Hoài Đức, ước nguyện nơi cửa thiền của ông mới được thoả nguyện. Thầy Cảnh kể: “Lần đó, nhà chùa nhập định trong phòng suốt 3 ngày liền, không ăn gì, chỉ uống nước và niệm Phật. Không biết có phải do Phật độ hay do sức mạnh của sự quyết tâm mà quả nhiên, chỉ 3 ngày sau, cảm giác thèm rượu đã hoàn toàn biến mất”.

    Theo lời thầy Cảnh, cho đến bây giờ, điều thầy mong muốn nhất là làm thật nhiều việc thiện khi còn sống. Thầy bộc bạch, trước đây, em gái thầy cũng từng bị bệnh thận nặng, suy thận cả hai bên. Nhưng ngày ấy, kỹ thuật ghép thận ở nước ta chưa hoàn thiện, phải trông cậy hoàn toàn vào kỹ thuật của nước ngoài, số tiền để chi trả cho ca phẫu thuật lại quá lớn nên gia đình không thể lo đủ... Vì vậy, thầy rất thấu hiểu nỗi đau khổ của những người bệnh và thân nhân của họ khi đang mòn mỏi chờ đợi phép màu nhiệm của cuộc sống ban tặng. Ý nguyện được hiến tạng cứu người vì thế mà cứ đau đáu trong thầy.

    Bên cạnh đó, sau khi hiến thận, sức khoẻ đã hồi phục trở lại, thầy Cảnh lại tìm đến trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia với mong muốn được hiến các bộ phận khác trên thân thể. Tuy nhiên, lo ngại cho tình trạng sức khoẻ của thầy Cảnh, các y bác sỹ vẫn khuyên thầy chờ thêm một thời gian nữa. Sau đó, một lần được cử vào TP.Hồ Chí Minh học giáo lý gần chục ngày, thầy Cảnh đã tranh thủ tìm đến bệnh viện Chợ Rẫy để hỏi về việc xin được hiến tạng nhưng các bác sỹ cũng khuyên thầy chờ thêm một thời gian cho sức khoẻ ổn định.

    “Ở ngoài này, bệnh viện Việt Đức mới tiến hành phẫu thuật lấy thận của tôi để ghép cho người khác nên họ không đồng ý cho tôi hiến tạng tiếp. Vì vậy, tôi mới tranh thủ vào miền Nam hỏi bệnh viện Chợ Rẫy xem, nếu được thì tôi sẵn sàng hiến tiếp bộ phận khác, tuy nhiên đã có nguyên tắc chung của ngành y nên họ cũng không đồng ý để tôi tiếp tục hiến tạng trong khi sức khoẻ chưa đảm bảo... Nếu có thể giúp được một bệnh nhân kéo dài sự sống thì tôi nguyện được hiến bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, không tiếc”, thầy Cảnh nói.

    Từng xin hiến da cho chiến sỹ bị bỏng nặng trong vụ máy bay Mi 171 rơi

    Chia sẻ thêm về nghĩa cử cao đẹp của mình, thầy Cảnh kể, trong vụ máy bay quân sự bị rơi ở Hoà Lạc (Hà Nội) khi đang huấn luyện nhảy  dù, khiến hơn 20 chiến sỹ thương vong, khi biết thông tin đó qua báo đài, thầy Cảnh đã vội vàng làm đơn xin được hiến da cho 2 chiến sỹ bị bỏng nặng. Tuy nhiên, do đa chấn thương, 2 chiến sỹ đó đã không qua khỏi, chưa kịp nhận da của người hiến.

    Nguyễn Hường

    Xem thêm video Tin tức:

     [mecloud]BGSIaxIpmW[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-dong-chuyen-su-thay-hien-than-cuu-nguoi-va-nguyen-hien-xac-cho-y-hoc-a115492.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.