+Aa-
    Zalo

    Cảm động chàng trai tật nguyền sửa xe từ thiện ở vùng đèo hiểm trở

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Ước mơ của tôi bây giờ là mong sao dành dụm được chút vốn liếng, sửa chữa lại căn nhà để sớm tìm được hạnh phúc như bao người khác..."

    “Ước mơ của tôi bây giờ là mong sao dành dụm được chút vốn liếng, sửa chữa lại căn nhà để sớm tìm được hạnh phúc như bao người khác. Mình đã thiệt thòi, không được lành lặn thì cần phải có nghị lực vươn lên, sống sao để mọi người vẫn luôn biết đến mình”, ánh mắt anh Tý tỏ rõ niềm vui giữa lúc tay chân lấm lem dầu mỡ vá lốp xe cho một người dân trong vùng.

    Trở về quê hương sau khi Nam tiến

    Vượt qua đoạn đèo Phước Tượng ngoằn ngoèo đến địa phận thôn Trung Phước, xã Lệ Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúng tôi tìm hỏi về nhà của anh Ngô Văn Tý (SN 1979), người được biết đến với cái tên “thợ sửa xe từ thiện”.

    Người dân sống trong thôn Trung Phước và các địa phương lân cận khác không ai là không biết đến chàng thanh niên đặc biệt này. Từng “nổi tiếng” không phải vì anh là thợ sửa xe lưu động duy nhất ở khu vực núi đèo này mà chính là vì hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.

    Người thanh niên “tàn mà không phế” tiếp tục công việc của mình.

    Nằm ngay ven đường, căn nhà được rào tạm bợ bởi các thanh tre nứa. Căn nhà với độc nhất một căn phòng nhỏ nhá nhem ánh đèn điện chỉ đủ soi sáng một góc. Đây là nơi mà anh Tý vừa ở, vừa làm thêm nghề sửa đồ điện giúp đỡ bà con và kiếm thêm thu nhập. Di chuyển khó khăn bằng đôi chân dị tật bị teo nhỏ, nhưng trong đôi mắt chàng thanh niên nơi vách núi này vẫn sáng ngời, khiến người đối diện phải nể phục.

    Anh nhẹ nhàng chào hỏi và giới thiệu với chúng tôi căn nhà nhỏ mà anh mới cất được trong năm nay. Cạnh bàn thờ gia tiên là nơi anh đặt chiếc giường ngủ, trên nền nhà và giường vương vãi những món đồ điện mà anh nhận sửa từ những người trong vùng, khách phương xa. Đó là công việc phụ, còn công việc chính của anh hằng ngày là ngồi xe ba bánh đi sửa xe giúp mọi người gặp tình trạng hỏng xe giữa đường hay ở sườn đèo. Từ ngày anh quyết định về quê lập nghiệp, sửa xe dạo giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn thấm thoắt được gần 5 năm.

    Sau khi cha và mẹ anh mất vì cơn bạo bệnh, anh đã bị một cú sốc tâm lý lớn. Năm 2004, nhờ một người bạn thuở ấu thơ, anh đã quyết tâm vào miền Nam tìm kiếm cơ hội đổi đời. Cuộc sống miền đất mới không hào nhoáng và dễ dàng như anh từng suy nghĩ. Từ một cơ sở sản xuất thớt ở Bình Dương, anh lên TP. Hồ Chí Minh thử sức với nghề may. Nhưng rồi vì cơ thể tàn tật nên anh chỉ được các cơ sở nhỏ lẻ nhận, thù lao không đáng là bao.

    Nhận thấy không thể dành dụm được tiền cho bản thân, cho gia đình, năm 2010 anh đã quyết định trở ra Đà Nẵng kiếm sống. Tại đây, với chiếc xe ba bánh tự chế từ những lốp xe đạp cũ, phế liệu, anh rong ruổi trên các con phố để sửa xe dạo qua ngày. Được một năm tròn, anh đã trở về với mảnh đất nghèo, nơi chôn rau cắt rốn để lập nghiệp. Dù thu nhập ít ỏi nhưng về với bà con lối xóm, được giúp đỡ mọi người anh lại thấy phấn chấn hơn thời điểm lang bạt khắp nơi.

    “Trong những lần sửa xe, đôi lúc tôi lại bắt gặp những cảnh đời khó khăn như tôi, những người tàn tật hay những người bán rong bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tôi lại giúp họ sửa chữa phương tiện mà không lấy tiền. Nhiều người ngạc nhiên vì cùng kiếm sống với nhau cả nhưng tôi lại nghĩ đến thời điểm tôi khó khăn, may mắn được nhiều người giúp đỡ mới có thể tiến về phía trước. Tay chân mình không lành lặn không có nghĩa là mình vô dụng, không giúp ích được gì cho đời”, anh Tý lạc quan chia sẻ với chúng tôi.

    Mong ước sớm có một tổ ấm

    Không được may mắn như những chàng trai trong làng khác, năm lên 3 tuổi, một cơn sốt quái ác đã làm đôi chân của anh Tý bại liệt. Từ đó, Tý trở thành một người tàn tật, thành gánh nặng của gia đình vốn đã quá cơ cực của mình.

    Anh Tý bên trong căn phòng sinh hoạt và làm việc của mình.

    Nhớ lại thời điểm khó khăn đó, anh Tý bùi ngùi: “Ở cái vùng đất mà lưng là vách núi, mặt là vực biển thì nhà nào cũng nghèo. Từ khi tôi bệnh nặng, cha mẹ tôi chạy vạy khắp nơi nhưng vô phương cứu chữa. Cả nhà chỉ biết nhặt củi trên đồi về bán, đi làm công để sống qua ngày”.

    Là con trai cả trong gia đình có ba người con, chứng kiến cha mẹ vất vả lại hay ốm đau, anh Tý đã quyết định gác việc học lại sau khi hoàn thành chương trình cấp hai để đi học nghề kiếm việc làm phụ cha mẹ nuôi hai em ăn học. Kể từ khi ngừng học văn hóa, anh Tý tìm tòi ở địa phương học đủ các nghề từ sửa chữa xe máy, điện cơ đến may vá.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, chị Trần Thị Trà My, một người dân sống tại thôn Phước Tượng, huyện Phú Lộc bộc bạch: “Trong vùng này, ai mà không biết Tý. Tý kém may mắn, bị dị tật từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên ai cũng thương. Chúng tôi còn quý Tý hơn bởi tinh thần vượt lên số phận và tấm lòng luôn giúp đỡ mọi người của Tý. Thương hoàn cảnh của Tý, tôi và bà con vẫn thường nấu cơm cho ăn, được bữa nào hay bữa đó”.

    Qua lời kể của chị, những ngày không mưa, anh Tý với chiếc xe ba bánh thô sơ của mình sẽ rời nhà, đi khắp các thôn thuộc xã Lộ Trì để sửa chữa xe hư hỏng dọc đường. Ở đây, khách đường xa qua vùng khó có thể tìm được một tiệm sửa xe giữa lưng chừng khu vực núi đèo. Thu nhập thì không bao nhiêu nhưng đa phần giúp đỡ mọi người là chính. Cũng như bao chàng trai khác, ở độ tuổi này thường đã lập gia đình để có người “nâng khăn sửa túi” và lo cho bát cháo ngày đau ngày ốm, song anh Tý phải đôi lần từ chối chữ duyên vì điều kiện kinh tế chưa cho phép.

    Nói lời tạm biệt chúng tôi để sớm tiếp tục công việc của mình, anh Ngô Văn Tý thổ lộ mong muốn bấy lâu nay: “Ước mơ bây giờ của tôi là mong sao dành dụm được chút vốn liếng sửa chữa lại căn nhà để sớm kiếm được hạnh phúc như bao người khác. Mình đã thiệt thòi, không được như người bình thường cần phải có nghị lực vươn lên, sống sao để mọi người vẫn luôn biết đến mình”.

    Bóng dáng gầy gò của anh Tý cùng chiếc xe xa khuất dần trên con đường đầy nắng và gió nhưng những lời nói, câu chuyện của anh vẫn còn đó trong suy nghĩ và lòng cảm phục của chúng tôi...

    Tinh thần tương thân tương ái

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL về trường hợp đặc biệt của anh Tý , ông Cái Đức, Trưởng thôn Trung Phước, cho biết: “Theo thống kê từ đầu năm 2015 của thôn thì hộ gia đình của anh Tý thuộc 10 hộ nghèo nhất thôn. Cha mẹ mất sớm, lại không có của cải, anh Tý và các anh em trong nhà phải tự vật lộn mưu sinh. Nhưng không vì thế mà anh Tý quên đi tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân tương ái. Bất cứ ai nhờ việc gì, sửa cái tivi trong nhà hay sửa cái điện thoại bị hỏng, Tý đều làm giúp cho chứ không hề lấy một đồng tiền công nào. Thấy vậy nên thôn vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên cũng như giúp đỡ Tý tìm kiếm thêm việc làm để lo cho tương lai”.

    Đinh Tiến

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-dong-chang-trai-tat-nguyen-sua-xe-tu-thien-o-vung-deo-hiem-tro-a182243.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan