(ĐSPL)-"Chẳng lẽ mỗi lần có ai ra mua bia tôi phải mang máy đo huyết áp ra thử, kiểm tra sổ hộ khẩu xem người đó có còn trong thời gian cho con bú nữa không?", chủ một cơ sở kinh doanh bia nói về dự thảo quy định gây tranh cãi của Bộ Công thương.
Đó là quy định trong dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia của bộ Công Thương. Dự thảo này quy định, việc kinh doanh bia tại trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, điều khiến người dân phải "mắt tròn mắt dẹt" đó chính là việc trong dự thảo có phần cấm bán bia cho... phụ nữ mang thai và cho con bú. Nhiều chuyên gia đánh giá, việc bộ Công thương soạn thảo dự thảo này để cho... "vui".
Những quy định... "trên giời"?
Theo dự thảo của bộ Công Thương, sản phẩm bia chỉ được tiêu thụ tại Việt Nam khi có nhãn hàng hoá đáp ứng các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và phải được in cảnh báo về tác hại của lạm dụng bia.
Dự thảo còn cấm kinh doanh bia qua máy bán hàng tự động hoặc qua phương thức thương mại điện tử, kinh doanh bia tại các địa điểm: Trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè. Điều đáng lưu ý nhất chính là việc bán sản phẩm bia cho người có biểu hiện say bia, say rượu, cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú, cho người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng bia, rượu.
Bộ Công Thương cho rằng, sản phẩm bia nếu được quản lý tốt (từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng) sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, là nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước, nếu được sử dụng đúng cách và có điều độ sẽ có tác dụng tốt cho sức khỏe... Nhưng ngược lại, trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng các sản phẩm bia, nếu không được quản lý tốt thì hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng bia sẽ gây ra hệ lụy không tốt cho Nhà nước, cho doanh nghiệp, cho con người và xã hội.
Về vấn đề này, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương, đơn vị tham mưu dự thảo Nghị định sản xuất và kinh doanh bia-PV) cho rằng, quy định cấm bán bia trên vỉa hè mới chỉ là đề xuất, được đưa ra để lấy ý kiến của người dân, còn nếu không phù hợp thì hoàn toàn có thể bỏ. Theo vị này, mục đích của Nghị định là để phòng chống tác hại của rượu bia đã gây ra trong nhiều năm qua như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự...
Khi được PV báo Đời sống và Pháp luật cung cấp thông tin về dự thảo quản lý sản xuất, kinh doanh bia của bộ Công Thương, anh N.V.L. (kinh doanh bia tại khu vực xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) tỏ ra hết sức khó hiểu: "Các ông quan chức lại "đẻ" thêm một quy định từ trên trời rơi xuống và chẳng cần biết những người mà họ áp dụng sẽ phản ứng như thế nào. Tôi cho rằng, việc cấm kinh doanh bia ở vỉa hè, trường học, bệnh viện là điều nên làm. Tuy nhiên, là một người kinh doanh bia nhiều năm nay, tôi cảm thấy "sốc" trước một số điểm như cấm bán bia cho người say bia rượu, phụ nữ có thai, đang cho con bú và người có bệnh lý về lạm dụng rượu bia. Bởi, chúng tôi là người kinh doanh, khách đến mua thì bán chứ không phải là công an, bác sỹ để có thể chứng minh được họ đang cho con bú hay có bệnh lý mà từ chối bán được. Chẳng lẽ mỗi lần có ai ra mua tôi phải mang máy đo huyết áp ra thử, kiểm tra sổ hộ khẩu xem người đó đã có con, con đã lớn hay chưa, có còn trong thời gian cho con bú nữa không? Tôi thấy nực cười vô cùng".
|
Sẽ cấm bán bia cho những người đang mang bầu và cho con bú. |
Khó khả thi
Theo nhiều chuyên gia, xét về mặt bản chất, dự thảo về quản lý sản xuất, kinh doanh bia của bộ Công Thương không khác so với dự thảo cấm bán rượu bia sau 22h hay xe biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ và ngực lép không được lái xe mô tô... Bởi, tất cả những quy định này đều khó khả thi và không thể áp dụng vào thực tế.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch hiệp hội Siêu thị Hà Nội chia sẻ: "Đây là một biểu hiện của việc không quản được thì cấm. Tôi cho rằng, không thể đổ lỗi cho việc các vụ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, các vụ án mạng xảy ra thời gian qua là do người dân uống bia ở vỉa hè, bệnh viện, trường học được. Bởi, chỉ tính riêng ở Hà Nội, hiện nay có hàng ngàn quán bia lớn nhỏ, trong đó đa số quán bia có quy mô lớn được bán trong nhà. Vậy việc cấm quán bia vỉa hè sẽ giải quyết được bao nhiêu phần trăm vấn đề. Cứ cho dự thảo này sẽ được phê duyệt thì có chắc dẹp được hoàn toàn các quán bia vỉa hè hay chỉ tạo điều kiện cho nhiều cơ quan chức năng có cơ hội "làm luật" với các chủ quán bia. ở nước ngoài, người ta cũng có bia vỉa hè. Tuy nhiên, họ quản lý tốt được nên mới không ra lệnh cấm như chúng ta".
|
Ông Vũ Vinh Phú. |
Còn về việc cấm bán bia cho phụ nữ có thai, đang trong thời kỳ cho con bú, người có bệnh lý về lạm dụng rượu bia, ông Phú cho rằng, đó là cách xây dựng quy định kiểu giật cục, nghĩ gì nói đó, không tính đến thực tiễn.
Bởi theo vị này, ai có thể giám sát được cả ngày ở quán bia để có thể theo dõi xem chủ quán bia A bán cho bà bầu B hay bán cho bà C đang cho con bú? Bên cạnh đó, làm thế nào để xác định được một người từng mắc bệnh lý về lạm dụng rượu bia để từ chối bán, chẳng lẽ mỗi lần xử lý vi phạm phải dẫn người mua đến bệnh viện để kiểm tra rồi mới xử phạt được người bán. Đây là điều vô cùng phi lý.
"Nếu cứ tiếp tục đưa ra những chính sách kiểu cho vui, cho có như thế này nữa thì sẽ làm mất lòng tin của người dân. Chính vì vậy, những người xây dựng chính sách cần phải suy nghĩ cẩn trọng, cân nhắc thật thấu đáo trước khi đưa ra một dự thảo. Từ trước đến nay, một số cơ quan Nhà nước đã đưa ra rất nhiều quy định, dự thảo kiểu "nghĩ trên trời, thực hiện dưới đất" khiến dư luận bức xúc rồi", ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Mới chỉ dừng lại ở "ý tưởng"?! Theo Bộ Công Thương, sau khi Nghị định này có hiệu lực, thuế thu về cho ngân sách nhà nước ước tính sẽ tăng thêm khoảng 3.150 tỉ đồng mỗi năm. Phí để cấp giấy phép sản xuất bia ước tính tăng khoảng 3,5 tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, Vụ trưởng vụ Công nghiệp nhẹ Phan Chí Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện chưa có quy định hay quy chuẩn cụ thể nào để nhận biết hay xác định người say bia rượu hay phụ nữ có thai, đang cho con bú, cho nên vấn đề này là rất khó giám sát và xử phạt. Còn đối với việc cấm bán bia trên vỉa hè cũng không hề đơn giản bởi vì trước đây đã có quy định cấm bán rượu bia ở đường giao thông, bến xe... nhưng khó khả thi, cho nên tất cả mới chỉ dừng lại ở ý tưởng. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-bia-via-he-ai-se-di-kiem-tra-ho-khau-do-huyet-ap-dan-nhau-a49977.html