+Aa-
    Zalo

    "Cạm bẫy ngọt ngào" của vị "cán bộ Văn phòng Quốc hội" rởm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Các đối tượng lừa đảo đã tung hỏa mù, tạo dựng hình ảnh cán bộ Văn phòng Quốc hội có uy tín, có khả năng chạy dự án xây dựng lớn tại các tỉnh.

    (ĐSPL) - Nắm được tâm lý nhiều doanh nghiệp đang rất cần các công trình xây dựng vào thời điểm Chính phủ thắt chặt đầu tư công nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát, các đối tượng lừa đảo đã tung hỏa mù, tạo dựng hình ảnh cán bộ Văn phòng Quốc hội có uy tín, có khả năng chạy dự án xây dựng lớn tại các tỉnh.

    Theo đó, nhóm đối tượng yêu cầu các doanh nghiệp muốn trúng các gói thầu phải chung chi một khoản tiền lớn để "bôi trơn".. Đang trong giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã không ngần ngại chi tiền và nhanh chóng mắc mưu.

    Vị "cán bộ Văn phòng Quốc hội" rởm Nguyễn Văn Nam.

    Từ việc lập công ty địa ốc ma

    Tiết lộ với báo giới, thượng tá Đinh Văn Phúc, Phó phòng PC45 Công an tỉnh Phú Thọ cho biết đơn vị vừa khởi tố vụ án bắt giam một nhóm đối tượng chuyên lừa đảo chạy các dự án xây dựng. Nhóm đối tượng này ngoài việc lập ra một công ty địa ốc ma để dễ bề giao dịch chúng còn mạo danh là cán bộ Văn phòng Quốc hội để gây dựng lòng tin đối với những con mồi mà chúng đưa vào trong tầm ngắm.

    Cầm đầu nhóm lừa đảo chuyên nghiệp này là đối tượng Nguyễn Văn Nam, 30 tuổi (trú tại thôn Nhang, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội). Đối tượng này đã vào vai Tổng giám đốc công ty cổ phần địa ốc Việt Nam (trụ sở tại 109 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đồng thời Nam cũng kiêm luôn chức cán bộ Văn phòng Quốc hội. Để thực hiện âm mưu lừa đảo, Nam cùng tay chân của mình là Vũ Trung Hiếu, 37 tuổi, trú tại khu 16, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ và đối tượng Vũ Trung Hiếu, 34 tuổi, trú tại 967, Đê La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) bàn bạc cụ thể chiến thuật "săn" các doanh nghiệp vào vòng xoáy lừa đảo.

    Trong một diễn biến khác, để tô điểm và phô trương danh thế trong lĩnh vực xây dựng, Nam cùng bộ sậu tung tin về khả năng tài chính vững mạnh của công ty mình. Nam liên tục chào mời các doanh nghiệp tại các tỉnh và Hà Nội kết giao, làm đối tác. Tất cả các doanh nghiệp khi biết đến Nam đều được gã này nổ rằng hiện hắn đang kiêm nhiệm chức vụ tổng giám đốc công ty địa ốc Việt Nam, đồng thời là cán bộ Văn phòng Quốc hội. Vỏ bọc của Nam hoàn hảo đến nỗi ngay cả nhiều cán bộ có chức vụ tại các địa phương cũng bị gã ma cô này lợi dụngi Trước đối tác có uy tín và khả năng tài chính vững mạnh lại có quan hệ khá tốt đối với các lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp liên tục gặp gỡ Nam để chi tiền "bôi trơn" chạy dự án, nhưng kết cục toàn bộ số tiền này đã bị Nam và đồng bọn xơi tất, không có doanh nghiệp nào trúng thầu!

    Câu hỏi đặt ra, chiêu lừa đảo của Nam và đồng bọn không mới nhưng tại sao hàng loạt các doanh nghiệp lớn tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội đều mắc bẫyi Trả lời vấn đề này, thượng tá Phúc cho hay: "Các đối tượng đã thành lập các công ty với vốn góp cổ phần kinh doanh nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Sau đó chúng chủ động gặp gỡ, thông qua trung gian, làm quen với các doanh nghiệp. Chúng quảng cáo năng lực tài chính mạnh, có quan hệ với lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và có khả năng xin được dự án, rồi đặt ra vấn đề liên doanh cùng xin dự án làm công trình. Để các bị hại tin tưởng, nhóm này còn tổ chức các bữa tiệc liên hoan và mời lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, thậm chí cả lãnh đạo các cơ quan Trung ương đến dự. Thực tế các vị lãnh đạo này không biết bản chất của vấn đề và đã bị các đối tượng lợi dụng, người bị hại cũng không biết nên đã tin tưởng giao tiền. Sau khi chiếm đoạt được tiền các đối tượng này còn dùng thủ đoạn viết giấy nhận tiền, nhưng tinh vi hơn, chúng đã ghi tiền nhận là tiền vay nhằm hợp lý hóa hành vi phạm tội và chống đối lại hoạt động điều tra của cơ quan chức năng nếu bị lộ.

    Các khổ chủ bị ăn quả đắng

    Theo kết quả điều tra, người gửi gắm nhiều tiền "bôi trơn" nhất cho nhóm của Nam là ông Phùng Viết M. - Giám đốc Công ty TNHH M.Đ. (tại tỉnh tuyên Quang) với 7 dự án. Ông M. cho biết,  giữa năm 2011, được ông Phạm Hoàng H., Giám đốc Công ty TNHH Thương mại H.A. (tỉnh tuyên Quang) gọi điện nói có quen Nguyễn Văn Nam - cán bộ Văn phòng Quốc hội kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Địa ốc Việt Nam có thể chạy được dự án xây dựng. Ông H. cho biết bản thân mình cũng đang nhờ Nam giúp đỡ xin dự án để đầu tư thực hiện triển khai tại tỉnh Phú Thọ. Thời điểm khó khăn, đang lúc không có việc làm cho công nhân, được doanh nghiệp bạn giới thiệu gặp Nam nên ông M. đồng ý ngay. Để tạo lòng tin, Nam đưa ông M. và ông H. làm quen với một cán bộ Văn phòng Quốc hội và về nhà vị lãnh đạo đó chơi, sau đó lại về thăm nhà ông M..

    Tại đây, ông M., ông H. đồng ý góp tiền "bôi trơn" là 1 tỷ đồng cho dự án kè hồ ở Thanh Thủy (Phú Thọ), trị giá công trình là 140 tỷ đồng. Khoảng một tháng sau, Nam lại tiếp tục gọi điện cho ông M. và ông H. về Hà Nội nói là có một công trình của Ban quản lý dự án giao thông Phú Thọ trị giá khoảng 500 tỷ  đồng và đề nghị hai ông "bôi trơn" 3 tỷ đồng. Ông H. cho biết: "Nam đã đưa cho chúng tôi xem bản phô tô hồ sơ thiết kế, các quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nâng cấp quốc lộ 314 đoạn Thanh Ba - Hạ Hòa - Đoan Hùng - Phú Thọ. Sau đó, để thúc đẩy việc phê duyệt dự án, Nam đã bố trí gặp gỡ cán bộ Ban quản lý dự án sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ ở một quán ăn nên chúng tôi đã tin tưởng đưa tiền cho Nam".

    Với thủ đoạn trên, từ tháng 4/2011 đến tháng 4/2012, Nam và các đối tượng Tuấn, Hiếu đã "vẽ" ra 7 dự án khác nhau ở các tỉnh như Hà Nam, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ để ông M., ông H. và một số doanh nghiệp góp tiền "bôi trơn" với tổng số tiền trên 8,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự việc đã bị bại lộ. Khi đến hẹn vẫn không thấy có dự án, ông M., ông H. và một số doanh nghiệp đã tìm gặp Nam, Hiếu, Tuấn để đòi tiền. Các đối tượng trên tìm cách tránh mặt và lặn mất tăm. Lúc này ông M. mới biết mình bị lừa và gửi đơn tố cáo đến Công an tỉnh Phú Thọ.

    Điều tra viên Đội án xâm phạm sở hữu PC45 Công an tỉnh Phú Thọ, đại úy Nguyễn Tuấn Hải cho biết: "Công ty Cổ phần đầu tư Địa ốc Việt Nam là công ty ma không hề có hoạt động tài chính từ ngày thành lập. Bản thân Nam chẳng có quan hệ nào với các quan chức mà chỉ lợi dụng quen biết sau một đợt trưng tập giúp việc thời vụ phục vụ một kỳ họp của Quốc hội. Từ đó Nam đã lân la làm quen với một số nhân viên văn phòng, dùng họ làm bình phong cho hành vi lừa đảo".               

    Thiếu thông tin, nhiều doanh nghiệp sập bẫy

    Qua tìm hiểu được biết, quy trình bỏ thầu các dự án được tổ chức minh bạch, theo một trình tự thủ tục hành chính. Do không nắm bắt được thông tin nên hầu hết doanh nghiệp đều ngại tham gia. Vì vậy, các đối tượng lừa đảo thường bám vào sự e ngại này để đưa ra các chương trình chạy dự án "ảo" nhưng hết sức hấp dẫn, trong đó chúng nhận khâu khó nhất là "chạy" hộ doanh nghiệp và chỉ lấy một khoản tiền công vừa phải. Với suy nghĩ, chi phí bỏ ra không nhiều nhưng bù lại sẽ được dự án lớn, có việc làm nên nhiều doanh nghiệp đã sập bẫy.

    Hiện vụ án đang tiếp tục được công an tỉnh Phú Thọ điều tra mở rộng.

    P.D  - H.T

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-bay-ngot-ngao-cua-vi-can-bo-van-phong-quoc-hoi-rom-a21741.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan