Nhiều người chỉ thấy tấm ảnh Giáo sư Trương Nguyện Thành mặc quần đùi và áo vét trên giảng đường là xông vào ném đá, chửi bới, phê phán.
Hình ảnh Giáo sư Trương Nguyện Thành - Phó Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, Thành phố Hồ Chí Minh - mặc quần đùi giảng dạy trước sinh viên nhận được nhiều ý kiến tranh luận trên mạng xã hội.
Không ít ý kiến cho rằng điều đó làm mất hình ảnh người thầy, không phù hợp với giáo dục, không chuẩn mực theo thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có không ít người ủng hộ và cho rằng đó là một sự phá cách, thể hiện tư duy giáo dục cởi mở, sáng tạo.
Trên trang web cá nhân tranquithanh.com - doanh nhân nổi tiếng Trần Quí Thanh đã thể hiện quan điểm của mình theo một góc nhìn khác.
Doanh nhân Trần Quí Thanh nói rằng: "Một số người vẫn thế, thích mắng chửi mà không cần tìm hiểu kỹ ngọn nguồn, không lắng lòng lại để nghĩ về cái tốt ở người khác hơn là moi móc cái xấu của họ". |
Doanh nhân Trần Quí Thanh cho rằng, mặc là để cho người khác nhìn vào: “Trong những trường hợp lễ nghi, cũng phải chuẩn bị trang phục phù hợp. Đi ăn đám cưới phải mặc vét tông, thắt cà vạt… Không phải mặc cho mình mà mặc cho môt tiệc cưới”.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, trong trường hợp của Giáo sư Trương Nguyện Thành, bộ quần áo không mang ý nghĩa thông thường…
“Nhiều người chỉ thấy tấm ảnh Giáo sư Thành mặc quần đùi, áo vét là xông vào ném đá, chửi bới, phê phán. Một số người vẫn thế, thích mắng chửi mà không cần tìm hiểu kỹ ngọn nguồn, không lắng lòng lại để nghĩ về cái tốt ở người khác hơn là moi móc cái xấu của họ.
Trường hợp của Giáo sư Trương Nguyện Thành không phải chuyện trang phục ở giảng đường, mà là phương pháp giảng dạy, truyền thụ kiến thức của một người thầy.
Giáo sư Thành đang giảng về đề tài tư duy sáng tạo và việc thay đổi trang phục theo kiểu “không giống ai” của ông là phục vụ cho đề tài sáng tạo.
Bộ áo quần đó như một đạo cụ, Giáo sư Thành mặc để diễn xuất theo kịch bản của bài giảng. Áo vét và quần đùi như một cách để truyền đạt thông điệp về việc vượt qua khỏi rào cản, nghĩ đến cái mới”.
Bàn luận sâu hơn, doanh nhân Trần Quí Thanh đặt ra câu hỏi: “Tôi vốn không quan trọng chuyện ăn mặc. Quan trọng mà mình làm được gì chứ không phải là mình mặc gì! Nhưng, tại sao không thể mặc quần đùi với áo vét nhỉ?”.
Ông cho rằng muốn sáng tạo thì phải vứt bỏ mọi định kiến, phá tung những khuôn khổ, kể cả khuôn vàng thước ngọc mà con người đã đúc sẵn.
“Chúng ta quá quen với những thứ đã có sẵn và chỉ biết nâng niu nó thì không bao giờ tạo ra được giá trị mới. Không dám nghĩ khác, nói khác, làm khác, thì không thể có sự khác biệt.
Nhiều bạn trẻ muốn khởi nghiệp, nhưng nếu không tự tin vượt thoát khỏi những giá trị cũ thì đừng nói đến khởi nghiệp. Nếu như tôi cứ nghĩ trong đầu sản phẩm của Tân Hiệp Phát không thể thắng các công ty đa quốc gia trên thị trường Việt Nam thì làm sao có được kết quả khả quan ngày hôm nay”.
Giáo sư Trương Nguyện Thành đã xáo lên suy nghĩ của sinh viên bằng một hình ảnh “thị phạm”, khác với lối giảng dạy áp đặt tư duy một chiều.
Ông Thanh hài hước đặt vấn đề: Biết đâu vài năm nữa, mặc áo vét với quần đùi là mốt thời trang của phái nam?