+Aa-
    Zalo

    Cai nghiện cho con

    • Thu HàDSPL

    (ĐS&PL) - Cây xanh trong vườn đang bị đàn gà tranh nhau vặt trụi mà bà Tuất vẫn không hề quan tâm. Bà ngồi u sầu trên chiếc giường nhỏ cạnh cửa sổ.

    Mấy ngày nay, bà trằn trọc chẳng đêm nào được ngủ say. Trong nhà bà không khí buồn như có đám, chẳng ai buồn nói với ai câu nào. Tất cả bắt đầu kể từ khi vợ chồng bà Tuất phát hiện ra thằng con trai duy nhất bị nghiện ma túy. Tính nghiện đã hơn nửa năm rồi mà hai vợ chồng bà không hay biết. Mãi đến khi nhà trường có thông báo cho gửi về đến tận nhà vì Hùng bỏ học, ông bà mới hay. Rồi dạo này, nó cũng có vẻ gầy yếu, lúc nào cũng lén lút như làm việc gì mờ ám. Ông bà dò hỏi mãi, nó mới thú nhận mình đã nghiện vì đua đòi bạn bè hút xách. Ông bà giận con lắm. Nó vốn là đứa ngoan, chỉ do bạn bè dụ dỗ, ham vui mà nghiện ngập lúc nào không hay. Mấy hôm nay ông Tuất đưa nó về quê nghỉ ngơi vài ngày, rồi xem thế nào?

    Đang ngồi buồn, bà Tuất nghe giọng ai gọi ngoài cổng: Bà Tuất ơi. Bà có nhà không?

    Bà Tuất đứng dậy và đi ra ngoài cổng: Ai như bà Hảo? Mời bà vào nhà chơi. Có việc gì thế bà?

    Bà Hảo vào nhà, vừa đi vừa nói: Cả tuần nay, không thấy bà đi tập thể dục dưỡng sinh với chị em trong xóm. Mà tôi lại bận đi chăm con mới sinh cháu, nên hôm nay mới rảnh rỗi đến thăm bà được.

    - Vâng, mời bà xơi nước. Mấy hôm nay, tôi ốm quá, chẳng đi đâu cả. Bà Tuất vừa nói, vừa rót chén trà mời bà Hảo.

    Bà Hảo nhìn bà Tuất chăm chú, rồi hỏi: Sao không gặp mấy ngày mà trông bà tiều tụy thế? Chị em thân thiết, tôi hỏi khí không phải nhà bà có chuyện gì? Nghe đồn, thằng Hùng nhà bà nghiện rồi sao?

    Bà Tuất ngập ngừng: vâng, chẳng giấu gì bà. Cháu nó bị nghiện mất rồi. Chúng tôi mới phát hiện được gần tuần nay. Giờ chẳng biết phải làm thế nào?

    - Sao bà không có cháu nó cai nghiện đi. Còn nước còn tát. Ông bà phải cứu lấy nó. Bà Hảo gợi ý.

    - Vâng, vợ chồng tôi cũng đang rối trí, chẳng biết phải làm gì cả. Ông nhà tôi đang cho cháu nó về quê mấy ngày để tách nó tránh xa lũ bạn xấu. À, tôi quên mất, bà là cán bộ xã, chắc bà có biết về việc cai nghiện ma túy phải không? Bà Tuất hỏi.

    - Có, tôi có biết. Hôm nay tôi đến đây cũng là có ý định trao đổi với ông bà, giúp ông bà tìm hiểu về hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình cho cháu Hùng. Hiện nay, nhà nước ta đang có chính sách khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy. [1]. 

    - Thế có những hình thức cai nghiện nào hả bà? Bà Tuất sốt sắng hỏi.

    Có hai biện pháp cai nghiện: Cai nghiện ma túy tự nguyện; Cai nghiện ma túy bắt buộc. Biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy; biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập [2]. Trong đó, theo tôi, biện pháp cai nghiện tự nguyện được thực hiện tại gia đình có lẽ phù hợp với trường hợp của cháu Hùng nhà ta…

    - Thế hả bà? Thế biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình thực hiện như thế nào?

    Điều 30 Luật Phòng, chống ma túy 2021 quy định:

    “1. Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là việc người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.

    2. Thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.

    3. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khi hoàn thành ít nhất 03 giai đoạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 29 của Luật này được hỗ trợ kinh phí.

    4. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng có trách nhiệm sau đây:

    a) Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn;

    b) Nộp chi phí liên quan đến cai nghiện ma túy theo quy định.

    5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:

    a) Tiếp nhận đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

    b) Hướng dẫn, quản lý người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

    c) Cấp giấy xác nhận hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

    6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:

    a) Giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

    b) Tiếp nhận đăng ký và công bố danh sách tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

    c) Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã danh sách tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

    d) Bố trí kinh phí hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

    đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

    7. Cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp một hoặc nhiều hoạt động cai nghiện theo quy trình cai nghiện ma túy quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này được cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và có trách nhiệm sau đây:

    a) Tiếp nhận và tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

    b) Thực hiện đúng quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;

    c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người cai nghiện ma túy sử dụng dịch vụ hoặc tự ý chấm dứt việc sử dụng dịch vụ hoặc hoàn thành dịch vụ phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

    8. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thì được đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

    Bà Tuất chăm chú nghe xong rồi hỏi:

    - Cháu Hùng nhà tôi có thể cai nghiện tại gia đình được không? 

    - Được chứ. Cháu Hùng thuộc đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình nên tôi mới đến gặp ông bà. Theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ mười hai tuổi trở lên.[3]”

     Nghe bà Hảo nói, bà Tuất vội vã hỏi: 

    - Gia đình tôi tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình cho cháu Hùng, vậy bà có thể hướng dẫn tôi thủ tục đăng ký cai nghiện ma túy tại gia đình được không? 

    Bà Hảo thong thả giải thích: 

    - Cũng đơn giản thôi bà ạ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xác định nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên (sau đây gọi tắt là người nghiện ma túy) phải đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Trường hợp, người không có nơi cư trú ổn định thì đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện việc cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

    Thủ tục, hồ sơ đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thực hiện theo quy định của Chính phủ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi người nghiện ma túy tham gia điều trị hoặc chấm dứt điều trị, cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện có trách nhiệm thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nghiện đó đăng ký để quản lý hoặc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

    Địa điểm cai nghiện tự nguyện: Tại gia đình, cộng đồng; Tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập hoặc cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.

    Hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện gồm: 01 bản đăng ký cai nghiện tự nguyện; 01 bản sao Phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền; 01 bản phôtô một trong các loại giấy tờ tùy thân: căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy khai sinh (đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi) của người nghiện ma túy.

    Trình tự thực hiện đăng ký cai nghiện tự nguyện: (1) Người nghiện ma túy, người đại diện hợp pháp của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 4 Điều này tại điểm tiếp nhận đăng ký cai nghiện của Ủy ban nhân dân cấp xã; xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân để đối chiếu. (2) Người tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, đối chiếu giấy tờ tùy thân và vào sổ đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, người tiếp nhận hướng dẫn người đăng ký hoàn thiện, bổ sung hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện. [4]”

    Bà Tuất thắc mắc: 

    - Vậy hồ sơ cai nghiện ma túy tại gia đình nộp ở đâu? Cơ quan nào có trách nhiệm xem xét áp dụng cai nghiện ma túy tại gia đình cho cháu Hùng hả bà? 

    Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm, nhân sự tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn việc đăng ký cai nghiện tự nguyện.Địa điểm tiếp nhận đăng ký cai nghiện tự nguyện phải có trang thiết bị cần thiết cho việc đón tiếp, lưu hồ sơ đăng ký. [5]

    - Thế việc tổ chức cai nghiện cho cháu được thực hiện như thế nào. Có khó lắm không? Bà Hảo lo lắng hỏi.

    Người cai nghiện ma túy, người đại diện hợp pháp của người nghiện ma túy có trách nhiệm: (1) Thực hiện cai nghiện theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; (2) Phối hợp với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở cai nghiện tự nguyện hoàn thiện kế hoạch cai nghiện và thực hiện kế hoạch cai nghiện với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và trợ giúp của gia đình. Tuân thủ sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong quá trình thực hiện kế hoạch cai nghiện ma túy của cá nhân; (3) Trả chi phí sử dụng dịch vụ cai nghiện tự nguyện cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ theo hợp đồng sử dụng dịch vụ.

    Gia đình và người đại diện hợp pháp của người cai nghiện ma túy tự nguyện có trách nhiệm: (1) Quản lý, hỗ trợ, động viên người cai nghiện thực hiện kế hoạch cai nghiện; (2) Tạo điều kiện vật chất, tinh thần để người cai nghiện ma túy phục hồi sức khỏe, tâm lý; thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em tham gia học tập (đối với người dưới 18 tuổi), học nghề, tạo việc làm, sinh kế giúp người cai nghiện hòa nhập cộng đồng, xã hội; (3) Trả chi phí cai nghiện theo hợp đồng sử dụng dịch cai nghiện (đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi).

    Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện có trách nhiệm: (1) Thông báo công khai, minh bạch về loại dịch vụ, quy trình thực hiện dịch vụ, giá cung cấp dịch vụ đối với người cai nghiện, gia đình người nghiện; (2) Tiếp nhận, tư vấn, hướng dẫn người cai nghiện xây dựng kế hoạch cai nghiện theo quy trình cai nghiện quy định; (3) Thực hiện đúng quy định chuyên môn theo quy trình cai nghiện, chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ cung cấp; (4) Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khi người cai nghiện ma túy sử dụng dịch vụ hoặc tự ý chấm dứt việc sử dụng dịch vụ, hoàn thành dịch vụ.

     - Vậy làm thế nào để xác định được kết quả cai nghiện ma túy tại gia đình hả bà? Bà Tuất vẫn chưa yên tâm nên tiếp tục hỏi.

    Khi kết thúc thời hạn cai nghiện tự nguyện, người được phân công theo dõi, quản lý người cai nghiện đánh giá kết quả cai nghiện tự nguyện và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp giấy xác nhận hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

    Giấy xác nhận hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, 01 bản gửi người cai nghiện ma túy, gia đình người cai nghiện ma túy (đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi), 01 bản gửi Cơ quan công an cấp xã để thực hiện quản lý sau cai nghiện ma túy. [7]

     Nghe bà Hảo trả lời xong, bà Tuất rơm rớm nước mắt: May có bà hiểu biết, giảng giải giúp tôi mới hiểu hơn về việc cai nghiện ma túy tại gia đình cho con. Có gì thì tôi lại sang hỏi bà thêm. Tôi sẽ quyết tâm cho cháu nó cai nghiện, rồi tính chuyện học hành, công việc sau.

    - Ừ. Gia đình cố gắng cai nghiện cho cháu để làm lại cuộc đời nhé. Thôi tôi về đây, cũng đến giờ nấu cơm trưa rồi.

    - Vâng, cảm ơn bà. Để tôi tiễn bà về.

    Bà Hảo về lúc lâu rồi, mà bà Tuất vẫn đứng bần thần ở cửa mãi. Trong lòng, bà nung nấu về một kế hoạch cai nghiện tại gia đình thật chi tiết và bài bản cho con trai. Bà sẽ gọi điện ngay về quê cho chồng đưa con lên cai nghiện. Con trai bà sẽ hết nghiện, đi học trở lại và sau này sẽ có tương lai, công việc ổn định. Thế là ông bà mừng rồi.

    [1] Khoản 6 Điều 3 Luật Phòng, chống ma túy 2021

    [2] Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy 2021

    [3] Khoản 1 Điều 28 Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

    [4] Điều 28 Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021. 

    [5] Điều 29 Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021.

    [6] Điều 31 Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021.

    [7] Khoản 3 Điều 32 Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021.

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/cai-nghien-cho-con-a452845.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.