(ĐSPL) - Sau 9 ngày điều trị cảm cúm tại nhà một y sĩ đã nghỉ hưu trong phường, chị N. xuất hiện các triệu chứng phù tay, chân, khó thở và đã tử vong sau 50 ngày cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Gần 1 tháng trôi qua sau cái chết của chị Nguyễn Thị Hồng N. (SN 1991), trú tại khối Yên Giang, phường Vinh Tân, TP Vinh (Nghệ An), không khí tang thương vẫn bao trùm ngôi nhà nhỏ. Sự ra đi đột ngột của chị N. đã để lại sự tiếc thương đối với gia đình và bài học đắt giá cho những người tin vào thầy lang vườn để xảy ra những cái chết oan uổng.
Theo thông tin từ gia đình chị N., ngày 10/7, thấy N. có dấu hiệu mệt, sốt và tiêu chảy, gia đình đã đưa tới nhà bà Trần Thị Tâm, trú cùng khối để thăm khám. Sau khi thăm khám, bà Tâm khuyên gia đình để chị N. ở lại nhà để điều trị.
Trong quá trình điều trị tại nhà bà Tâm từ ngày 10/7 đến ngày 18/7, chị N. được bà Tâm truyền cho 10 chai dịch pha lẫn thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, sau 8 ngày điều trị, thể trạng chị N. không hề khá lên mà có dấu hiệu nặng thêm. Đến sáng ngày 18/7, chị N. có dấu hiệu sốt cao với nhiệt độ cơ thể đo được là 38,39 độ. Thấy vậy, bà Tâm đã truyền 2 chai dịch vào cơ thể bệnh nhân. Trong 2 chai dịch còn có thêm các loại thuốc về tim, phế quản như: Atropin, Uabain, Lincomycin. Đến 3h sáng cùng ngày, chị Ngọc xuất hiện các triệu chứng phù tay, chân và tức ngực. Lúc này, thấy bệnh tình của con gái có xu hướng xấu đi, gia đình mới yêu cầu bà Tâm dừng việc chữa trị và đưa N. vào Bệnh viện tỉnh Nghệ An cấp cứu.
|
Bà Điệp vẫn chưa hết đau lòng trước sự ra đi của đứa con gái xấu số |
Do bệnh tình quá nặng, ngày 20/7, chị N. được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng cơ thể yếu, dịch tràn nhiều, nhiễm trùng máu và viêm phế quản. Sau 10 ngày điều trị tại khu C1 thuộc khoa cấp cứu của bệnh viện, N. đã không thể qua khỏi và qua đời vào ngày 8/9. Sau một thời gian dài điều trị với chi phí thuốc men lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng vợ chồng bà Điệp đành đau đớn nhìn đứa con gái trẻ ra đi.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, bố chị N. cho biết: “Tiền chữa trị bệnh cho con tôi bà Tâm vẫn nhận. Bà ấy không quan tâm đến việc con tôi qua đời cũng như không có một lời chia buồn nào tới gia đình. Vợ tôi có điện thoại cho bà Tâm 3 lần nhưng bà ấy đều không nghe máy. Hai tuần sau khi con gái tôi mất, bà Tâm có tới thắp hương nhưng buông lời thách thức gia đình và cho rằng mình vô can trong cái chết của N.”.
Xem thêm Clip: Điều trị bệnh tại nhà, hậu quả khôn lườngQua tìm hiểu sự việc được biết, gia đình bà Trần Thị Tâm không mở hiệu thuốc cũng như phòng khám chữa bệnh, tuy nhiên khi ốm đau, cảm cúm, người dân phường Vinh Tân thường có thói quen tìm đến nhà bà Tâm để lấy thuốc về uống.
Liên quan đến vụ việc, PV báo Đời sống và Pháp luật đã tìm đến nhà bà Tâm ở khối Yên Giang, Phường Vinh Tân để tìm hiểu. Trao đổi với PV, ông Phạm Bá Năm, chồng bà Tâm cho biết: “Trước đây, vợ tôi làm y tá tại Bệnh viện 46 ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và đã đi học y sĩ. Hiện, vợ tôi đã bỏ nghề được 6,7 năm rồi. Khi được bà Điệp nhờ giúp truyền dịch cho con, vợ tôi đã từ chối và khuyên đưa cháu đi bệnh viện để được điều trị nhưng sau vì nghĩ tình cảm chị em nên đã giúp đỡ”.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Hồng Mão, Trạm trưởng Trạm y tế phường Vinh Tân cho biết: “Khi mắc bệnh thì phải đưa đến các Trạm y tế phường, xã kiểm tra, nếu vượt khả năng trạm sẽ chuyến lên tuyến trên. Việc gia đình nhờ người ngoài đến truyền dịch, trạm không hề hay biết, chúng tôi sẽ tìm hiểu và có những kiến nghị nhất định”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cai-chet-oan-uong-cua-thieu-nu-23-tuoi-vi-tri-cam-cum-tai-nha-a54547.html